Hôm trước có bạn post lên bức ảnh tấm thiệp “Trung Hoa mộng, Thiếu niên mộng”, đi cùng với cái túi chun buộc tóc. Anh em cãi nhau ỏm tỏi: vậy Việt Nam mộng là gì? Lạ là không ai đặt câu hỏi thế “Trung Hoa mộng” là gì. Là thám hiểm sao hỏa, hay cường quốc AI, thu hồi Đài Loan?

Hôm qua, đợi xem bóng đá, tình cờ lướt Discovery Asia, thấy một chương trình có tên chính xác là như vậy luôn: Chinese One Billion Dream - Một tỷ giấc mộng Trung Hoa
Hehe, không có tên lửa, tàu cao tốc, máy tính lượng tử. Không có Thượng Hải, Thẩm Quyến, Quảng Châu. Không có Huawei, Alibaba, Tiktok… Cũng không có Jack Ma, Trương Nhất Minh…
Câu chuyện bắt đầu từ thành phố Thẩm Dương (Shenyang), thủ phủ của vùng công nghiệp Đông Bắc Trung quốc. Nơi đây vốn là trung tâm khai mỏ và luyện kim kiểu như Thái Nguyên của Việt Nam. Nhưng bắt đầu suy tàn từ những năm 1980 vì hết tài nguyên. Năm 1996-1997, hàng triệu gia đình bỗng dưng thất nghiệp, nhận trợ cấp 1 cục khoảng 10k NDT (~40 triệu VND)
Ở đây xuất hiện một quán nhậu có tên là “Thiên đường của người nghèo”. Người phụ nữ lái xe tải mất việc-chủ quán này có giấc mơ: người nghèo cũng phải được vui vẻ. Chỉ cần 5 tệ, là đã có thể vui vẻ nhảy múa ở quán của chị. Say quá, chị sẽ can thiệp và đưa về, khỏi cần công an. Những dân nhậu trong quán đều khẳng định, niềm vui quán mang lại cho họ đã đưa họ vượt qua giai đoạn khó khăn.
Giờ Thẩm Dương chuyển mình, trở thành tiên phong trong sản xuất robot. Trung Quốc hiện đang sản xuất 40% số robots trên toàn thế giới. Phóng viên đưa chúng ta đến xem một dây chuyền các robot đang sản xuất chính mình ở công ty Siasun.
Xuôi về phía Nam, phóng viên đưa ta đến thị trấn mà ngay cả người Trung Quốc cũng ít ai biết đến, có tên là Quán Văn (Guanyoun). Có gì đặc biệt vậy. Hóa ra đây là thủ phủ của ngành sản xuất nội y, chiếm đến 60% sản lượng toàn Trung Quốc (mà TQ chiếm 90% thị phần thế giới)
Một trong những “thành hoàng” của thành phố, hóa ra là một thanh niên GenZ. Từ lúc còn niên thiếu, cậu đã kiếm được tiền nhờ chơi Game. Năm 18 tuổi, cậu khởi nghiệp với mục tiêu kiếm được 1 triệu tệ trước khi tốt nghiệp đại học. Và cậu đã chọn mô hình sản xuất và bán đồ nội y online. Nhà khởi nghiệp xilip-xuchieng này có thể sản xuất được 300 ngàn món đồ trong một tháng. Cậu tiết lộ, váy ngủ là bán chạy nhất và cậu có thể bán với giá 9,9 tệ, ship free mà vẫn có lãi. Nên giấc mơ của cậu mấy chốc đã hoàn thành.
Phóng viên quay sang trò chuyện với các nữ công nhân đang cặm cụi may. Giấc mơ của các cô là gì? Bọn em chỉ có giấc mơ con em được học hành đàng hoàng rồi âu yếm nhìn những đứa con của họ vui vẻ chơi đồ hàng với các thùng vải vụn.
Địa chỉ tiếp theo là một ngôi làng có tên là Đại Phân (Dafen). Từ năm 1989, bỗng đột ngột trở nên nổi tiếng trong giới mỹ thuật vì kỹ năng chép tranh từ các danh họa nổi tiếng như Vincent van Gogh, Leonardo da Vinci hay Rembrandt… (đã hết thời hạn bảo vệ bản quyền). Doanh số xuất khẩu tranh năm 2019 là 630 triệu đô la Mỹ. Nếu bạn đi vào một siêu thị ở Mỹ hay Châu Âu, nếu có bày bán các bức tranh sơn dầu nổi tiếng, đến 70% khả năng là sản phẩm của Đại Phân.
Làng này hình thành từ một giấc mơ không thành của một người yêu thích nghệ thuật. Không trở thành họa sĩ, ông sáng chế ra việc chép tranh theo quy trình, ai cũng tham gia được và rất nhanh. Ông khoe, đã hoàn thành 350 ngàn bức tranh trong 1.5 tháng theo đặt hàng của một nhà bán lẻ Mỹ. Một thợ vẽ đã trả lời phóng viên là anh ta có thể hoàn thành bức tranh “Hoa hướng dương” của Van Gogh trong 40 phút.
Phóng sự kết thúc tại Bảo tàng Nghệ thuật Quảng Châu, nơi trưng bày các bức tranh của một trong các thợ vẽ của Đại-Phân. Anh này tiết lộ đến Đại Phân chỉ để làm việc kiếm tiền, hoàn toàn không ngờ giờ đã hoàn thành giấc mơ trở thành họa sĩ, có phòng tranh riêng và bán được những bức tranh của riêng mình với giá từ 20k-30k NDT (khoảng 100 triệu VNĐ).
Phóng viên nhận xét: Đại Phân ra đời từ một giấc mơ không thành, đã trở thành một nhà máy sản xuất các giấc mơ, và kết luận: Trung Hoa ngày nay được xây dựng từ những giấc mơ bình thường của những người kiên cường và chăm chỉ.
Một chương trình khá hay, kể cả tuyên truyền thì cũng là đỉnh! Không biết ta có ai làm được series "Giấc mộng Việt Nam"kiểu này không nhỉ? Một kiểu như "Cất Cánh"