Trước đó, VinaCapital Venture Investment đã đăng ký thoái vốn toàn bộ 3 triệu cổ phiếu YEG, nhưng chỉ bán được một nửa khi hết thời gian giao dịch do diễn biến thị trường thời điểm đó không phù hợp, theo thông tin từ quỹ.
Quỹ DFJ VinaCapital Venture Investment là nơi ông Hoàng Đức Trung từng đảm nhận vị trí giám đốc đầu tư trước khi trở thành thành viên HĐQT của Yeah1. Ngày 16/02, ông Trung đã có đơn xin từ nhiệm tư cách thành viên HĐQT của Yeah1 với lý do sắp sếp công việc của tổ chức. Vấn đề này sẽ được trình và bầu bổ sung thành viên tại đại hội cổ đông ngày 27/04 sắp tới.
Hiện tại, cổ phiếu YEG vẫn đang nằm trong diện kiểm soát dù giá trị có tăng 57% trong 2 tháng lên 27.900 đồng/cổ phiếu. Mức này trên thực tế thấp hơn nhiều so với lần IPO cách đây 4 năm, khoảng 300.000 đồng/cổ phiếu.
Lý do YEG nằm trong diện kiểm soát từ ngày 12/04/2021 là vì lợi nhuận sau thuế ở mức âm của công ty mẹ trong năm 2020 và cả lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đến ngày 31/12/2020.
Báo cáo tài chính quý IV/2021 của công ty cho thấy Yeah1 ghi nhận doanh thu cả năm 2021 là 1.125 tỷ đồng, giảm 7,7% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, mức lãi ròng sau thuế là 28 tỷ đồng (cùng kỳ năm ngoái lỗ 170 tỷ đồng) nhờ khoản thu tài chính đến từ thoái vốn công ty con. Lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt 17 tỷ đồng.
Yeah1, kể từ sự cố YouTube năm 2019, đã liên tiếp ghi nhận sự sụt giảm giá trị cổ phiếu, từ 300.000 đồng/cp xuống hơn 100.000 đồng/cp, đến hiện tại khoảng 27.000-28.000 đồng/cp.
Một cổ đông lớn của Yeah1, bà Trần Uyên Phương, phó tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát, hồi tháng 11 năm ngoái đã bán 2,7 triệu cổ phiếu YEG khi giá của chúng ở mức đáy 16.000 đồng/cổ phiếu. Sau đó, đến đầu năm nay, bà Phương đột ngột chi 81,5 tỷ đồng để mua vào 3,7 triệu cổ phiếu, nâng tỷ lệ sở hữu tại Yeah1 từ 2,51% lên 14,33%. Trong tháng 3, bà Phương cũng lại bán ra 107.300 cổ phiếu, giảm tỷ lệ sở hữu xuống còn 13,98%.
Trước tình thế cổ đông liên tục thoái vốn, mua ra bán vào cổ phiếu, ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống, chủ tịch Yeah1 cho biết, từ cuối năm 2019, công ty đã mạnh mẽ chuyển mình và đầu tư phát triển thêm mảng kinh doanh mới thương mại đa kênh. Do đó, giai đoạn 1 – Đầu tư (năm 2020) cần nguồn lực lớn để xây dựng hệ thống nền tảng, nhân sự, hàng hoá và các chiến lược kinh doanh dẫn đến gia tăng chi phí. Mảng kinh doanh mới vừa bước qua giai đoạn 1, hiện tại đang ở giai đoạn 2: Release. Mặc dù mảng kinh doanh này bước đầu đã có doanh thu, tuy nhiên vẫn chưa thể bù đắp chi phí bỏ ra đầu tư trong thời gian ngắn.
Với một hành trình mới, nhà đầu tư sẽ có 3 giai đoạn để tự nhìn nhận, đánh giá và ra quyết định nên đầu tư vào giai đoạn nào. Cụ thể giai đoạn khởi động hành trình mới, giá cổ phiếu sẽ còn khá thấp, lợi nhuận tương lai kỳ vọng cao, nhưng rủi ro cũng rất cao. Giai đoạn giữa, mọi thứ đã bắt đầu định hình, thì giá cổ phiếu đã tăng lên 1 khoảng, nhưng rủi ro cũng giảm 1 khoảng, tương ứng với lợi nhuận cũng chỉ còn 1 phần. Đến giai đoạn cuối, lúc này rủi ro gần như không còn, giá cổ phiếu có thể cao ngất, tương ứng với lợi nhuận còn khá ít.
“Việc xem cổ phiếu xuống giá là cơ hội để lao vào vòng đầu tư mới, hay là bỏ qua để tìm kiếm cổ phiếu có khả năng thắng chắc hơn, tùy thuộc vào kiến thức và quyết định của nhà đầu tư,” ông Tống cho biết.