Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) vừa mới có thông báo về việc hay đổi nhân sự cấp cao.
Thông báo của ngân hàng cho biết: Căn cứ Nghị định số 47/2021/NĐ-CP ngày 01/4/2021 của Chính phủ về quy định chi tiết một số điều của Luật Doanh nghiệp; Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) trân trọng thông báo: Ông Nguyễn Hải Long thôi giữ chức danh Phó Tổng giám đốc Agribank kể từ ngày 24/6/2023.
Ông Nguyễn Hải Long sinh năm 1974, được bổ nhiệm làm Phó Tổng giám đốc Agribank từ ngày 1/10/2014 và giữ vị trí đó suốt gần 10 năm qua. Ông Long trực tiếp phụ trách hoạt động nghiên cứu phát triển sản phẩm dịch vụ của Agribank. Ông cũng từng có thời gian đảm nhiệm vị trí Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH MTV Dịch vụ Agribank (ASC).
Sau khi ông Long thôi chức Phó tổng giám đốc, ban điều hành Agribank còn 9 thành viên. Trong đó, ông Phạm Toàn Vượng là Tổng giám đốc và 8 Phó Tổng giám đốc, gồm bà Nguyễn Thị Phượng, ông Phạm Đức Tuấn, ông Tô Đình Tơn, ông Trần Văn Dự, Nguyễn Quang Hùng, bà Phùng Thị Bình, ông Hoàng Minh Ngọc và ông Lê Hồng Phúc.
Ông Nguyễn Hải Long
Mới đây, Ngân hàng Agribank vừa được Quốc hội thông qua phương án đầu tư bổ sung 17.100 tỷ đồng vốn điều lệ, qua đó tổng vốn tại ngân hàng này sẽ tăng lên hơn 51.500 tỷ đồng.
Cụ thể, trong năm nay sẽ bố trí 6.753 tỷ đồng từ nguồn ngân sách trung ương đã được Quốc hội phê duyệt tại Nghị quyết số 70/2022/QH15 ngày 11/11/2022 để tăng vốn. Năm 2024, bố trí tối đa 10.347 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Nhà nước theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
Hiện tại, nguồn cho Agribank tăng vốn đã sẵn sàng. Số tiền 17.100 tỷ đồng là tương ứng với phần lợi nhuận còn lại Agribank nộp ngân sách nhà nước trong giai đoạn 2021-2023.
Quy mô vốn điều lệ của Agribank đến cuối năm 2022 là 34.446 tỷ đồng, thấp nhất trong nhóm các ngân hàng thương mại Nhà nước. Nếu được bổ sung 17.100 tỷ đồng, vốn điều lệ của Agribank sẽ tăng lên hơn 51.500 tỷ đồng. Việc tăng vốn cho Agribank sẽ giúp ngân hàng đáp ứng các tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo quy định 8%, hướng tới tuân thủ quy định Basel II.
Về kế hoạch kinh doanh 2023, ngân hàng này đặt mục tiêu tổng tài sản tăng 7 - 10%, phù hợp với tăng trưởng vốn huy động. Vốn huy động từ tổ chức kinh tế và dân cư tăng từ 7 - 10%, điều chỉnh phù hợp với tăng trưởng tín dụng.
Tỷ lệ tăng trưởng tín dụng tối đa 7,5% và theo thông báo điều chỉnh của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (nếu có). Tỷ lệ nợ xấu theo Thông tư 11/2021/TT-NHNN dưới 2%. Lợi nhuận trước thuế (riêng lẻ) dự kiến là 26.200 tỷ đồng và được điều chỉnh theo ý kiến của NHNN sau khi có ý kiến của Bộ Tài chính chính
Agribank được thành lập năm 1988. Xuyên suốt 35 năm xây dựng và phát triển, đến nay, Agribank là NHTM duy nhất Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, có quy mô và mạng lưới hoạt động lớn nhất hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam với 2.300 chi nhánh, phòng giao dịch có mặt khắp mọi vùng, miền, huyện đảo; gần 40.000 cán bộ, người lao động. Nguồn vốn Agribank chiếm tỷ trọng lớn nhất trong thị phần tín dụng đầu tư nông nghiệp, nông thôn tại Việt Nam.
Agribank không ngừng đơn giản hóa thủ tục cho vay, cải tiến mô hình, phương thức cho vay, kết hợp với chính quyền địa phương, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, các tổ chức chính trị - xã hội triển khai trên 64.000 tổ vay vốn với trên 1,2 triệu thành viên; Triển khai an toàn 68 Điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng tại 474 xã trên toàn quốc, tạo điều kiện thuận lợi đối với hộ gia đình, cá nhân ở vùng sâu, vùng xa tiếp cận vốn vay và dịch vụ ngân hàng.
Bên cạnh hoạt động kinh doanh, Agribank còn rất quan tâm đến công tác hỗ trợ an sinh xã hội với nhiều dự án, chương trình tài trợ tổng thể và dài hạn trên khắp cả nước; luôn dành kinh phí đáng kể ủng hộ xây dựng trường học, trạm y tế, nhà tình nghĩa, khắc phục hậu quả thiên tai, phòng chống dịch bệnh Covid-19.
Bước sang giai đoạn phát triển mới, Agribank xác định mục tiêu xây dựng Ngân hàng hiện đại và hội nhập, hướng tới ngân hàng số, ngân hàng bán lẻ; chuyển đổi thành NHTM cổ phần, quản trị điều hành và hoạt động theo hướng thông lệ quốc tế; phấn đấu đứng trong Top 100 ngân hàng lớn nhất khu vực châu Á về quy mô tài sản; hoạt động an toàn, hiệu quả; giữ vững vị trí chủ lực trên thị trường tài chính nông nghiệp, nông thôn.