Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PV OIL - mã chứng khoán: OIL) đã có Báo cáo tài chính hợp nhất cho chu kỳ hoạt động từ ngày 1/1 - 30/9/2022. Trong 9 tháng đầu năm, các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh chính đều đạt so với kế hoạch. Đặc biệt, sản lượng kinh doanh xăng dầu, dầu mỡ nhờn của PVOIL đạt 3.022 nghìn m3/tấn, vượt 21% kế hoạch 9 tháng và đạt 91% kế hoạch cả năm 2022. Sản lượng bán hàng qua các kênh bán buôn, khách hàng công nghiệp, bán lẻ đều tăng trưởng cao so với cùng kỳ. Doanh thu hợp nhất đạt 76.497 tỷ đồng, vượt 70% kế hoạch cả năm 2022. Hiện, số cửa hàng xăng dầu của PVOIL là 648 cửa hàng.

Doanh thu thuần quý 3 của đơn vị này đạt 25.962 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần cùng kỳ năm ngoái. Biên lợi nhuận gộp của PVOil giảm về mức 1,24%, cũng là mức thấp nhất trong 10 quý trở lại đây. Lãi gộp của công ty cũng giảm 37%. 

Kết quả kinh doanh sau thuế quý 3 của công ty mẹ lỗ 196,3 tỷ đồng, giảm 519% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất là 373,4 tỷ đồng, giảm 760% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong Văn bản giải trình lợi nhuận trên BCTC riêng và hợp nhất tại ngày 30/09/2022, Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Tuấn Tú cho hay, tại công ty mẹ, trong 6 tháng đầu năm 2022, giá thế giới liên tục tăng, đặc biệt kể từ khi xảy ra chiến sự giữa Nga-Ukraine. Tuy nhiên từ cuối tháng 6/2022 đến cuối tháng 9/2022, giá thế giới đảo chiều giảm liên tục do lo ngại suy thoái kinh tế, lạm phát... Phù hợp với diễn biến giá thế giới, Nhà nước đã liên tục điều chỉnh giảm giá bán lẻ các mặt hàng xăng dầu trong Quý 3/2022 làm cho lãi gộp của PVOIL giảm 37% dẫn đến kết quả kinh doanh sau thuế Quý 3/2022 lỗ 196 tỷ đồng. Trên Báo cáo tài chính hợp nhất, kết quả kinh doanh sau thuế hợp nhất quý 3/2022 lỗ 373 tỷ đồng chủ yếu cũng do ảnh hưởng bởi yếu tố giá dầu thế giới biến động như nêu trên.

Tổng chung, trong 9 tháng đầu năm, doanh thu của PVOil đạt 79.617 tỷ đồng, gấp 2,1 lần cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 431 tỷ đồng, giảm 17,2%. Với kế hoạch năm đặt ra thận trọng, công ty vẫn vượt 77% chỉ tiêu doanh thu và vượt gần 8% mục tiêu lợi nhuận.

Tổng nợ phải trả tại ngày 30/9 của PVOil là 16.192 tỷ đồng, trong đó nợ đi vay là 4.095 tỷ đồng. Nợ phải thu khó đòi của công ty là 868 tỷ đồng, trong đó, giá trị có thể thu hồi chỉ có hơn 39 tỷ đồng. Đứng đầu bảng nợ là Công ty cổ phần Dầu khí và chất đối Miền Băc 124 tỷ đồng, Công ty cổ phần ĐT và PT Xăng dầu Tiên Phong 118 tỷ đồng, Công ty Cổ phần Thơng mại Vận tải Quang Đông 88 tỷ đồng, Công ty cổ phầnđầu tư Phú Lâm 78 tỷ đồng... Tất cả các khoản nợ này đều không có giá trị thu hồi.

Tiền mặt tại công ty tính đến hết ngày 30/9 là 19,6 tỷ đồng. Tiền gửi ngân hàng là 1.920 tỷ đồng. Số tiền này bao gồm cả hơn 95 tỷ đồng (trong đó 3.776.074 USD là tiền gửi không kỳ hạn) là khoản tiền gửi có kỳ hạn gốc dưới 3 tháng tại Ngân hàng TMCP Đại Dương (nay là Ngân hàng Thương mại TNHH Một thành viên Đại Dương) bị hạn chế chi trả theo Chỉ thị số 600/2015/CT-TGĐ ngày 13 tháng 02 năm 2015 của Ngân hàng TMCP Đại Dương về việc tạm dừng cung cấp dịch vụ thanh toán cho các tổ chức kinh tế thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam để tiến hành rà soát, thẩm định hồ sơ thanh toán của khách hàng. Hiện nay, Ngân hàng Thương mại TNHH Một thành viên Đại Dương đã chuyển thành ngân hàng Nhà nước sở hữu 100% vốn, theo đó Ban Tổng Giám đốc đánh giá và tin tưởng rằng khoản tiền gửi này sẽ được giao dịch trở lại trong thời gian tới khi có quyết định từ phía Ngân hàng Nhà nước.

Tổng chung, tiền và các khoản tương đương với tiền đạt hơn 2.010 tỷ đồng, thấp hơn so với mức 2.991 tỷ đồng hồi đầu năm.
Chỉ tiêu hàng tồn kho của công ty là 3.603 tỷ đồng, tăng gần 40% so với đầu năm. Trong đó, tổng công ty đã phải trích lập dự phòng hơn 150 tỷ đồng  giảm giá hàng tồn kho.

Tổng Công ty Dầu Việt Nam là đơn vị thành viên hạch toán độc lập thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Tổng Công ty chính thức đi vào hoạt động từ tháng 7/2008 với vốn điều lệ là 7.220 tỷ đồng đồng. Từ tháng 8/2018, Tổng Công ty chính thức chuyển đổi mô hình hoạt động sang công ty cổ phần. 

Hoạt động kinh doanh chính của Công ty mẹ Tổng Công ty là xuất nhập khẩu và kinh doanh dầu thô trong và ngoài nước; Xuất nhập khẩu và kinh doanh sản phẩm dầu trong và ngoài nước; Xuất nhập khẩu thiết bị, vật tư máy móc và dịch vụ thương mại; Sản xuất sản phẩm dầu; Xây dựng các hệ thống bồn chứa, phân phối và kinh doanh sản phẩm dầu; Xuất nhập khẩu sản phẩm dầu và các sản phẩm có nguồn gốc từ dầu, hóa chất, vật tư, thiết bị và phương tiện phục vụ công tác chế biến và kinh doanh sản phẩm dầu; Kinh doanh vật tư thiết bị hóa chất trong lĩnh vực chế biến sản phẩm dầu; Môi giới và cung ứng tàu biển; Kinh doanh khách sạn, du lịch (không kinh doanh khách sạn tại trụ sở); Dịch vụ cho thuê xe bồn, bể chứa xăng dầu và kho bãi; Mua bán phân bón, các sản phẩm hóa dầu.

Tại ngày 30/9/2022, vối điều lệ của công ty là 10.342 tỷ đồng, trong đó, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam là 8.328 tỷ đồng, các cổ đông khác là hơn 2.014 tỷ đồng. Tổng số nhân viên tại Tổng Công ty (không bao gồm các công ty con) là 704 người, tăng 5 nhân viên so với cuối năm 2021.