Theo báo cáo vừa được Allied Market Research công bố, thị trường dịch vụ chuyển phát Việt Nam sẽ đạt tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 24,1% trong giai đoạn từ nay đến 2030 do sự phát triển mạnh mẽ của thị trường TMĐT.
Sở hữu lợi thế về quy mô, là doanh nghiệp chuyển phát lớn thứ 3 hiện nay, Tổng CTCP Bưu chính Viettel (VTP) kì vọng sẽ hưởng lợi đáng kể từ sự tăng trưởng nhanh của dịch vụ chuyển phát tại Việt Nam.
Năm 1997, Bộ phận Bưu chính trực thuộc Công ty Điện tử Viễn thông Quân đội (nay là Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội) – tiền thân của Tổng Công ty Cổ phần Bưu chính Viettel (Viettel Post) được thành lập. Tại thời điểm này, Bộ phận Bưu chính chỉ có 5 cán bộ nhân viên với 10 khách hàng đầu tiên là các đơn vị quân đội đóng quân trên địa bàn Hà Nội và cung cấp dịch vụ phát báo.
Đến năm 2009, công ty chính thức hoạt động với tư cách Công ty Cổ phần sau khi thực hiện thành công kế hoạch cổ phần hóa thông qua việc phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng.
Bưu chính Viettel định hướng tập trung đầu tư vào lĩnh vực Chuyển phát và Logistics với mạng lưới rộng khắp tại 63/63 tỉnh thành trên toàn quốc tới tận thôn, xã, hải đảo.
Không chỉ tập trung phát triển dịch vụ trong nước, Viettel Post cũng là doanh nghiệp bưu chính đầu tiên kinh doanh tại thị trường nước ngoài và kết nối thành công 23/23 tỉnh của Campuchia. Sau Campuchia, Viettel Post tiếp tục phát triển dịch vụ tại Myanmar và kết nối với hơn 200 quốc gia trên thế giới.
2 quý đầu năm 2023, VTP ghi nhận doanh thu và lợi nhuận trước thuế lần lượt đạt 4.975 tỷ VND (tăng 3,8%) và 124 tỷ đồng (tăng 30,5%). Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu VTP đạt 9.778 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 219 tỷ đồng, hoàn thành lần lượt 112% và 103% kế hoạch cho nửa năm 2023 tập đoàn đặt ra. Trong đó, lĩnh vực cốt lõi – bưu chính ghi nhận doanh thu cao nhất trong 10 năm và tăng gấp 10 lần so với cùng kỳ 2014.
Biên gộp nửa đầu năm được cải thiện từ 3,6% cùng kỳ 2022 lên 4,8%, mức cao nhất kể từ quý 1/2020. Đây là quý thứ 2 liên tiếp biên gộp bưu chính tăng mạnh so với quý liền trước, lên 9,4% - mức cao nhất trong 2 năm nay.
Biên gộp cải thiện do tỷ trọng của mảng có tỷ suất lợi nhuận cao – mảng dịch vụ tăng. Biên gộp của mảng dịch vụ tăng trưởng so với 2022 do việc tái cơ cấu, tập trung tối ưu hóa chi phí trên từng kiện hàng của VTP được triển khai hiệu quả và giá xăng dầu nửa đầu năm giảm từ vùng đỉnh 2022.
Giữa cuộc chiến về giá đang ngày càng gay gắt khi các công ty liên tục hạ giá dịch vụ xuống thấp hơn, VTP thực hiện chiến lược chú trọng tập trung vào tối ưu hóa chi phí trên mỗi đơn hàng để cải thiện biên lợi nhuận mảng chuyển phát, kì vọng đạt mức 8 - 9% trong năm nay.
Doanh thu VTP năm nay dự kiến sẽ tăng trưởng âm so với 2022 do giá cước tiếp tục giảm do chịu tác động từ cuộc cạnh tranh về giá trong ngành chuyển phát và sản lượng tuy hồi phục nhẹ do chịu ảnh hưởng tích cực từ Trung Quốc mở cửa cải thiện đáng kể nhu cầu vận chuyển hàng, tuy nhiên vẫn ở mức thấp do những tác động từ biến động kinh tế vĩ mô.
Tuy doanh thu sụt giảm, VTP vẫn duy trì được mức biên gộp và lãi ròng khả quan nhờ nỗ lực tái cơ cấu và tối ưu hóa chi phí trên từng đơn hàng được thực hiện hiệu quả. VTP hiện đang đầu tư mạnh vào ứng dụng công nghệ cao trên tất cả các khâu giúp nâng cao chất lượng dịch vụ và nâng cao trải nghiệm người dùng, tăng hiệu quả và năng suất hoạt động cho doanh nghiệp.
VTP đặt mục tiêu đến tháng 12/2023 sẽ cán mốc 1 triệu đơn/ngày, nâng thị phần chuyển phát lên 21% từ mức 18% ghi nhận đầu năm nay.
Nói về mục tiêu đầy tham vọng của VTP, Công ty CP Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho biết, VTP sẽ sớm đạt được mốc thị phần mục tiêu đề ra vào 2024 do sản lượng chuyển phát của công ty đang tăng liên tục hơn 1 năm qua với tốc độ nhanh hơn mức tăng trưởng chung của ngành, việc tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ và nhân sự sẽ đem lại cho VTP tệp khách hàng đã mất trước đây và việc đẩy mạnh hợp tác với phân khúc khách hàng lớn, đặc biệt là các đối tác sàn TMĐT lớn sẽ là động lực cho sự phục hồi nhanh chóng của VTP.