Mới đây, CTCP Sợi Thế Kỷ (Mã CK: STK) (bên bão lãnh) vừa công bố thông tin về việc công ty con là Công ty TNHH Sợi, Dệt, Nhuộm Unitex (bên vay) đã ký kết thành công khoản vay hợp vốn với tổng giá trị 52,5 triệu USD, tương đương gần 1.233 tỷ đồng. Đây được xem là khoản vay lớn nhất từ trước đến nay của Sợi Thế Kỷ.

Khoản vay hợp vốn này được hợp tác và tài trợ từ 5 ngân hàng nước ngoài tại châu Á. Trong đó, hai ngân hàng là đầu mối thu xếp cấp tín dụng và bảo lãnh chính gồm: CTBC Bank và Kasikorn Bank; các thành viên thu xếp cấp tín dụng gồm: Shanghai Commercial and Savings Bank (Offshore Banking Branch), Entie Commercial Bank và E.SUN Commercial Bank. Ngoài ra, CTBC Bank cũng đóng vai trò là điều phối viên và đại lý đầu mối của hợp đồng hợp vốn này.

soi-the-ky-duoc-vay-525-trieu-usd-1678691412.jpg

Thời hạn của khoản vay này là 57 tháng. Khoản vay trên được giải ngân bằng USD và dự kiến thời gian giải ngân là trong năm 2023 và 2024.  Với khoản vay này, Sợi Thế Kỷ sẽ dùng để mở rộng công suất sản xuất với dự án đầu tư nhà máy mới Unitex giai đoạn 1.

Dự án nhà máy Unitex dự kiến có tổng vốn đầu tư 120 triệu USD với tổng công suất 60.000 tấn/năm. Theo đó, dự án sẽ chia làm 2 giai đoạn: giai đoạn 1 công suất 36.000 tấn và giai đoạn 2, công suất 24.000 tấn.

Hiện tại, dự án này đã triển khai công tác xây dựng. Giai đoạn 1 sẽ dự kiến hoàn thành lắp đặt máy móc đưa vào hoạt động chính thức trong quý I/2024.

~~~~~~~~~~~~~~~~~~

Sợi Thế Kỷ của ai? Đang làm ăn ra sao mà được các nhà đầu tư tin tưởng cho vay?

Sợi Thế Kỷ là công ty chuyên sản xuất và kinh doanh các loại sợi xơ dài chất lượng cao như sợi POY (Partially Oriented Yarn), DTY (Drawn Texturized Yarn) và FDY (Fully Drawn Yarn). Sản phẩm sợi này là nguồn nguyên liệu đầu vào cho chính các nhà máy dệt sản xuất ra vải để phục vụ cho việc sản xuất các mặt hàng thể thao cao cấp như: quần áo, giày, túi vải polyester…

Sợi Thế Kỷ được thành lập ngày 1/06/2000, tiền thân là Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Thế Kỷ. Năm 2009, công ty khởi công và đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất sợi tại Trảng Bàng, Tây Ninh. Đến tháng 1/2011, nhà máy chính thức đi vào hoạt động sản xuất.

Năm 2014, STK đã triển khai dự án đầu tư nhà máy mở rộng tại Trảng Bàng với tổng vốn đầu tư 34,2 triệu USD. Đồng thời, công ty cũng huy động vốn thuận lợi, chào bán thành công ra công chúng 3 triệu cổ phiếu thu được 75 tỷ đồng để tài trợ cho dự án xây dựng mở rộng nhà máy Trảng Bàng. Đến tháng 9/2015, cổ phiếu của công ty chính thức được niêm yết tại HOSE.

soi-the-ky-duoc-vay-525-trieu-usd-1-1678698612.jpg
Ông Đặng Triệu Hòa - CEO của Sợi Thế Kỷ. Ảnh: Báo đầu tư 

Hiện nay, Chủ tịch HĐQT của STK là bà Đặng Mỹ Linh và Tổng Giám đốc là ông Đặng Triệu Hòa. Cả hai nhân vật trên cũng đồng thời là thành viên sáng lập của STK.

Về cơ cấu cổ đông, gia đình ông Đặng Triệu Hòa đang nắm giữ hơn 35% vốn tại STK và CTCP Tư vấn Đầu tư Hướng Việt – công ty liên quan đến thành viên HĐQT STK đang sở hữu 20,1% vốn.

soi-the-ky-duoc-vay-525-trieu-usd-1-1678699766.PNG
Cơ cấu cổ đông tại Sợi Thế Kỷ

Cập nhật kết quả kinh doanh, giai đoạn 2007-2014, STK ghi nhận mức doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng tương đối ổn định.

Giai đoạn 2015-2016, lợi nhuận của STK sụt giảm do ảnh hưởng của nhiều yếu tố trên thị trường thế giới. Sang giai đoạn 2018-2019, STK lấy lại phong độ với mức doanh thu hơn 2.000 tỷ đồng mỗi năm.

Gần đây nhất, theo báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2022, STK ghi nhận doanh thu thuần 430 tỷ đồng, giảm 13% so với cùng kỳ và lãi ròng 43 tỷ đồng, giảm 43% so với cùng kỳ.

Lũy kế cả năm 2022, công ty ghi nhận doanh thu đạt 2.115 tỷ đồng, tăng 4% so với cùng kỳ và lãi ròng 240 tỷ đồng, giảm 14% so với cùng kỳ. Tính đến cuối năm 2022, tổng tài sản của STK ở mức 2.123 tỷ đồng, tăng 7,7% so với hồi đầu năm.

Theo tài liệu công bố họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2023, năm nay công ty đặt mục tiêu doanh thu thuần là 2.149 tỷ đồng, tăng 2% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế là 253 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ.