Đại hội cổ đông bất thường của Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Nhà và Đô thị Vinahud vào tháng 9/2024 đã thông qua kế hoạch bán toàn bộ vốn góp tại Công ty TNHH Mê Linh Thịnh Vượng, phản ánh rõ áp lực tài chính mà doanh nghiệp này đang phải đối mặt trong bối cảnh kinh tế khó khăn, nợ vay trên vốn chủ sở hữu gấp gần 14 lần.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2024, Vinahud tiếp tục ghi nhận thua lỗ. Doanh thu thuần của công ty đạt 23 tỷ giảm 75% so với cùng kỳ năm 2023. Mặc dù có khoản doanh thu tài chính lên tới 186 tỷ từ việc chuyển nhượng 100% vốn góp của Công ty TNHH Mê Linh Thịnh Vượng, nhưng chi phí tài chính lại tăng mạnh 281%, lên đến 213 tỷ khiến Vinahud ghi nhận lỗ sau thuế gần 17 tỷ trong quý này. Lũy kế lỗ sau thuế cả năm 2024 là 178 tỷ nâng tổng lỗ lũy kế lên 312,6 tỷ.

Thương vụ chuyển nhượng Công ty TNHH Mê Linh Thịnh Vượng, sở hữu hơn 39,7% cổ phần của Công ty Cổ phần Đầu tư Bất động sản Prime Land, cho Công ty Cổ phần Mê Linh Homes (trước đây là VNC Construction) đã được thông qua tại đại hội cổ đông diễn ra hồi tháng 9/2024.

vong-quanh-von-gop-giua-randh-group-va-vinahud-trong-khi-bai-toan-no-gap-14-lan-von-chu-so-huu-chua-ai-giai-quyet-1739863008.jpg
 

Vinahud gặp áp lực về tài chính sau khi nhận chuyển nhượng doanh nghiệp này từ Tập đoàn R&H – một thành viên chủ chốt trong hệ sinh thái liên quan đến ông Trương Quang Minh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinahud.

Trong bối cảnh đó, nhiều cổ đông đã đặt câu hỏi về mối quan hệ giữa Vinahud và R&H Group, đặc biệt là nguồn vốn để thực hiện các thương vụ này vốn hoàn toàn từ vay ngân hàng. Tính đến cuối tháng 3/2024, ngân hàng đã giải ngân 1.710 tỷ cho Vinahud để thực hiện hai thương vụ trên, trong khi vốn chủ sở hữu của công ty chỉ khoảng 411 tỷ trước khi thương vụ diễn ra vào đầu năm 2023.

Sau thương vụ M&A, tổng tài sản của Vinahud tăng mạnh đạt gần 4.670 tỷ vào giữa năm 2023. Tổng nợ phải trả cũng tăng từ 177 tỷ đầu năm 2023 lên gần 4.315 tỷ đồng vào cuối tháng 6/2023. Trong đó, nợ dài hạn gần 1.749 tỷ và nợ ngắn hạn trên 187 tỷ đồng. Đến cuối năm 2023, tổng nợ phải trả của Vinahud đạt trên 4.729 tỷ với tổng nợ vay lên tới 2.357 tỷ.

Không thể phủ nhận rằng sự gia tăng nợ nần này gây ra áp lực chi phí tài chính lớn cho Vinahud, dẫn tới lỗ gần 164 tỷ trong năm 2023 và tiếp tục lỗ 178 tỷ trong năm 2024.

R&H Group, thành lập tháng 8/2019 với vốn điều lệ 999 tỷ do ông Trương Quang Minh nắm giữ 70% cổ phần, là một trong những nhóm doanh nghiệp liên quan mạnh mẽ đến Vinahud. Sau khi mua lại cổ phần của Vinahud từ Vinaconex vào tháng 4/2021, ông Minh trở thành Chủ tịch Hội đồng quản trị.

Từ tháng 9/2021 đến đầu năm 2022, R&H Group đã phát hành 7 lô trái phiếu và huy động thành công khoảng 8.150 tỷ trong đó riêng quý IV/2021 đã huy động được 3.150 tỷ nhằm đầu tư vào các dự án bất động sản. Tuy nhiên, tình hình kinh doanh của tập đoàn này không khả quan trong những năm tiếp theo. Theo báo cáo, R&H báo lỗ gần 381 tỷ vào năm 2022 và gần 209,1 tỷ vào năm 2023. Tính đến cuối năm 2023, lỗ lũy kế của công ty đã vượt 1.121 tỷ trong khi vốn chủ sở hữu chỉ còn 606,76 tỷ, giảm mạnh so với 1.505,5 tỷ đầu năm 2022.

Một điểm đáng lưu ý là hệ số nợ vay trên vốn chủ sở hữu của R&H Group đã lên tới 13,82 lần, cho thấy mức độ rủi ro tài chính cực kỳ cao. Sự phụ thuộc vào nguồn vốn vay ngân hàng đã tạo ra gánh nặng tài chính lớn cho cả R&H Group và các công ty trong hệ sinh thái của họ, bao gồm Vinahud.

Những thương vụ chuyển nhượng và tình trạng tài chính khó khăn của Vinahud không chỉ phản ánh áp lực chung của ngành bất động sản mà còn chỉ ra mối quan hệ phức tạp giữa các công ty trong hệ sinh thái R&H Group.

------------------------