Sữa quốc tế (IDP) thông báo chi 709,5 tỷ đồng cho chi phí quảng cáo năm 2022, tương đương một ngày là 1,94 tỷ đồng. Trong đó nhãn hiệu sữa LiF, Kun, Ba Vì, LOF… là những cái tên đầy dấu ấn của công ty Sữa Quốc Tế (IDP).

Hành trình gần 2 thập kỷ của IDP

Công ty cổ phần sữa quốc tế (IDP) được thành lập năm 2004, là cái tên quen thuộc đối với người tiêu dùng Việt với nhãn hiệu sữa chính là Ba Vì, Lif, Kun, LOF. Nhà máy chế biến sữa được đặt tại vị trí có nguồn nguyên liệu lớn của Việt Nam, trong đó có 2 nhà máy lớn được đặt tại Ba Vì - Hà Nội và Củ Chi - TP.HCM, phục vụ cho sản xuất và xuất khẩu cả trong và ngoài nước.

Đại diện IDP từng chia sẻ: “IDP mong muốn dùng nguyên liệu tự nhiên từ các vùng của Việt Nam, thông qua áp dụng các phương pháp công nghệ dinh dưỡng tiên tiến để tạo ra sản phẩm sữa tươi ngon, đầy dinh dưỡng cho người tiêu dùng.”

Năm 2005, IDP xây dựng nhà máy đầu tiên tại Chương Mỹ cùng với sản phẩm đầu tiên được trình thị trường mang tên “Ba Vì”. Năm 2009, công ty bỏ ra kinh phí tổng đầu tư đến 600 tỷ đồng cho nông trại bò sữa LIF Love’in Farm tại Ba Vì, tiếp tục cùng bà con tại đây đồng hành tạo ra sản phẩm dinh dưỡng mang thương hiệu Việt.

moi-ngay-chi-gan-2-ty-cho-tien-quang-cao-cong-ty-sua-quoc-te-idp-kinh-doanh-ra-sao-1679820155.png

Đến năm 2012, một dòng sản phẩm hướng đến trẻ em như sữa chua uống, thức uống dinh dưỡng, sữa tiệt trùng ít đường mang tên LIF được IDP tung ra thị trường. Năm 2014, để trẻ em có thêm nhiều sự lựa chọn, IDP đã cho ra tiếp dòng sữa dinh dưỡng mang tên KUN. Một năm sau đó, Sữa bắp non đã được giới thiệu đến người tiêu dùng với nguyên liệu sản xuất là hạt bắp tươi.

Đến năm 2022, Công ty cổ phần Sữa Quốc tế (IDP) lại tiếp tục giới thiệu đến người tiêu dùng Việt Nam một thương hiệu tên LOF. Thương hiệu LOF sẽ có cho mình hai dòng sữa chính là sữa tươi Tây Ban Nha được sản xuất từ 100% sữa tươi nguyên chất, đóng gói và nhập khẩu trực tiếp từ Tây Ban Nha và sữa LOF Úc có đường được lấy nguyên liệu làm sữa nhập từ trang trại bò tại Úc.

Hiện nay, các sản phẩm của công ty có nguồn tiêu thụ chủ yếu là thị trường Việt Nam và đang xúc tiến xuất khẩu sang thị trường các nước Đông Nam Á.

Chi gần 2 tỷ đồng một ngày cho quảng cáo, IDP kinh doanh như thế nào?

Theo bản báo cáo tài chính hợp nhất năm 2022, vừa được Công ty Sữa Quốc tế (IDP) công bố: doanh thu thuần tăng 26% so với năm 2021, đạt 6.086,4 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế so với năm 2021 giảm 1,5%, đạt 810,4 tỷ đồng.

Trong năm 2022, chi phí bán hàng của IDP tăng lên 29,5% so với năm trước, đạt mức 1.281,9 tỷ đồng, do công ty áp dụng mạnh các chương trình quảng cáo và khuyến mãi. Tính riêng chi phí cho quảng cáo là 709,5 tỷ đồng, tăng lên 40,3% so với năm 2021, chiếm đến 55,3% trong tổng chi phí bán hàng. Như vậy, mỗi ngày IDP phải chi ít nhất 1,94 tỷ đồng cho hoạt động quảng cáo này.

Nhìn chung,  trong 2 năm dịch bệnh song song với doanh thu tăng trưởng thì chi phí quảng cáo cũng tăng mạnh không kém, từ năm 2019 ở mức 178,3 tỷ đồng tăng lên gấp 2,5 lần lên mức 460,7 tỷ đồng ở năm 2020 và tăng lên 488,8 tỷ đồng trong năm 2021.

Trong khi đó, công ty Vinamilk thì đã thực hiện cắt giảm mạnh cho khoản chi phí quảng cáo trong những năm gần đây, thấp hơn nhiều so với IDP. Trước đây, ở giai đoạn năm 2016 đến năm 2019, Công ty Vinamilk phải chi mức phí gần 2.000 tỷ đồng cho hoạt động quảng cáo mỗi năm. Tuy nhiên 3 năm sau đó, từ năm 2020 chi phí quảng cáo và nghiên cứu thị trường của Vinamilk giảm còn 1.440 tỷ đồng, đến năm 2021 giảm còn 1.233 tỷ đồng và trong năm 2022 chỉ còn 1.197,8 tỷ đồng.

Theo báo cáo, vào cuối năm 2022 tổng tài sản của IDP đạt được là 3.840,1 tỷ đồng, so với đầu năm tăng lên 29,4%. Các khoản tiền gửi ngân hàng và số dư tiền đạt 1.292,6 tỷ đồng, chiếm 33,6% trong tổng tài sản. Tổng dư nợ vay ngắn hạn và dài hạn mà IDP phải trả là 719,6 tỷ đồng, chiếm 20,6% trong tổng nguồn vốn. Như vậy, nợ phải trả của IDP cuối năm 2022 đạt mức 2.032,9 tỷ đồng, tăng lên 23,5% so với đầu năm.