nhung-thu-cam-van-chuyen-bang-duong-hang-khong-1622735109.jpg
Ảnh minh họa.

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn muốn mở hàng hàng không vận tải hàng hóa

Theo Báo Tuổi trẻ, Công ty cổ phần IPP Air Cargo do ông Nguyễn Hạnh (tức ông Johnathan Hạnh Nguyễn – PV) làm chủ tịch vừa đề nghị Bộ Kế hoạch và đầu tư và một số bộ, ngành liên quan xem xét chấp thuận chủ trương thành lập hãng hàng không IPP Air Cargo vận tải hàng hóa hoạt động trong phạm vi nội địa và quốc tế.

Cụ thể, dự án thành lập hãng hàng không IPP Air Cargo do Công ty cổ phần IPP Air Cargo làm chủ đầu tư. Đây là doanh nghiệp thành viên của Tập đoàn Liên Thái Bình Dương - IPPG có trụ sở tại tầng 3, tòa nhà Overview 161 Đồng Khởi, phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM. 

Dự án thành lập hãng hàng không IPP Air Cargo có tổng mức đầu tư 2.400 tỉ đồng, tương đương 100 triệu USD, trong đó 30% là vốn chủ sở hữu và 70% còn lại là vốn huy động.

Theo kế hoạch, trong năm đầu tiên đi vào hoạt động, IPP Air Cargo sẽ khai thác 5 máy bay chở hàng. Đến năm thứ hai sẽ tăng lên 7 chiếc và tăng lên 10 chiếc vào năm thứ 3. IPP Air Cargo lên kế hoạch vận chuyển khoảng 115.000 tấn hàng hóa, đạt doanh thu 71 triệu USD vào năm đầu tiên, dự kiến bắt đầu có lãi từ năm thứ 4 kể từ khi khai thác chuyến bay đầu tiên.

Thông tin từ Cổng Thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp cho thấy, Công ty cổ phần IPP Air Cargo thành lập ngày 10/3/2021 do bà Lê Hồng Thủy Tiên (vợ ông Johnathan Hạnh Nguyễn) làm Tổng Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật. Bà Tiên cũng là Tổng Giám đốc của Tập đoàn IPPG.

Công ty cổ phần IPP Air Cargo có vốn điều lệ là 300 tỷ đồng với 4 cổ đông sáng lập đều liên quan đến ông Johnathan Hạnh Nguyễn và Tập đoàn Liên Thái Bình Dương bao gồm Công ty TNHH Xuất Nhập Khẩu Liên Thái Bình Dương (IPP), Công ty TNHH Thương Mại Duy Anh, ông Wiliam Hiếu Nguyễn (con trai Johnathan Hạnh Nguyễn) và bà Lê Hồng Thủy Tiên. 

Trong đó, Công ty TNHH Xuất Nhập Khẩu Liên Thái Bình sở hữu 21 triệu cổ phần, tương 70% vốn. 9 triệu cổ phần còn lại được chia đều cho Công ty TNHH Thương Mại Duy Anh, ông Wiliam Hiếu Nguyễn và bà Lê Hồng Thủy Tiên

Về IPPG, đây là tập đoàn hoạt động tại nhiều quốc gia với hạt nhân chính là Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương (IPP). 

Theo bản đăng ký thay đổi thông tin mới nhất ngày 9/8/2017, IPP có vốn điều 2.500 tỷ đồng và trụ sở chính đặt tại tòa nhà Opera View 161 Đồng Khởi, Quận 1, TP HCM, với ngành nghề kinh doanh chính là bán lẻ hàng may mặc, giày dép, hàng da. Trong đó, ông Johnathan Hạnh Nguyễn và vợ là bà Lê Hồng Thủy Tiên sở hữu 60% vốn điều lệ. 40% vốn còn lại được chia đều cho ông Nguyễn Phi Long và ông Nguyễn Quốc Khánh, mỗi người nắm giữ 20%.

IPPG cho biết đã phát triển “hệ sinh thái” lên tới 17 công ty thành viên và 18 công ty liên doanh liên kết. Tập đoàn cho biết chiếm gần 70% thị trường hàng hiệu quốc tế phân phối trong nước, mang về Việt Nam hơn 100 thương hiệu thời trang cao cấp & trung cấp, sở hữu hơn 1.200 cửa hàng. IPPG đồng thời là cổ đông lớn tại Công ty cổ phần Dịch vụ hàng không sân bay Tân Sơn Nhất, Công ty cổ phần Nhà ga hàng không quốc tế Cam Ranh.

Miếng bánh vận tài hàng hóa hàng không ''béo bở'' như thế nào?

Thống kê của Cục Hàng không VN cho thấy, hiện Việt Nam có gần 70 hãng hàng không quốc tế và 4 hãng hàng không Việt Nam khai thác hơn 130 đường bay quốc tế, kết hợp vận chuyển hành khách và hàng hóa.

Trong số này có gần 20 hãng hàng không nước ngoài chuyên chở hàng hóa bằng tàu bay chuyên dụng như: UPS, Fedex (Hoa Kỳ), China Airlines, Eva Air (Đài Loan), Korean Air, Asiana Airlines (Hàn Quốc), Japan Airlines, All Nippon Airways (Nhật Bản), Cathay Pacific, HongKong Airlines, Air HongKong (Hồng Kông), China Southern (Trung Quốc), Singapore Airlines, Malaysia Airlines, Cargolux (Luxemburg), Airbrigde Cargo (Nga), Aerologic (Đức) Etihad Airways, Qatar Airways...
Các hãng hàng không nước ngoài khác cũng đều có khai thác vận chuyển hành khách kết hợp hàng hóa (belly cargo) đi/đến Việt Nam.

Tốc độ tăng trưởng thị trường hàng hóa giai đoạn 2015-2019 đạt trung bình hơn 10%/năm, trong đó tốc độ tăng trưởng hàng hóa quốc tế đạt 12%/năm. Chỉ tính riêng năm 2019, sản lượng hàng hóa đạt hơn 1,2 triệu tấn, tăng 3,3% so với năm 2018. Trong đó hàng hóa quốc tế đạt hơn 1 triệu tấn, tăng 5,1% so với năm 2018.

Đáng chú ý, khi sản lượng hàng hóa đường hàng không tăng đều mỗi năm thì thị phần vận chuyển hàng hóa quốc tế của các hãng hàng không Việt Nam sau rất nhiều năm vẫn chỉ đạt gần 20%. Hơn 80% thị phần còn lại vẫn nằm trong tay các hãng hàng không nước ngoài.

Đến thời điểm hiện tại, Việt Nam chưa có hãng hàng không vận chuyển hàng hóa bằng tàu bay chuyên dụng. Hàng hóa được vận chuyển chủ yếu bằng tàu bay chở khách kết hợp với chở hàng nên khối lượng hàng hóa vận chuyển trên mỗi chuyến bay chỉ đạt khoảng 2-10 tấn tùy theo chủng loại tàu bay.

Trong bối cảnh gần như toàn bộ chuyến bay chở khách phải tạm dừng khai thác khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, các hãng hàng không đã chủ động đẩy mạnh hoạt động vận chuyển hàng hóa nhằm duy trì nguồn thu.

Cuối năm 2020, Vietnam Airlines đẫ đưa 12 máy bay thân rộng Boeing 787 và Airbus A350 vào chuyên chở hàng hóa thuần túy trên khoang khách (cabin) và khoang bụng (belly); đồng thời tháo ghế 2 máy bay thân hẹp Airbus 321 để chở hàng. 

Kết quả đạt được rất khả quan khi trong giai đoạn cách ly xã hội, doanh thu vận chuyển hàng hóa của Vietnam Airlines trong năm 2020 đạt gần 5.382 tỷ đồng, đóng góp gần 24% tổng nguồn thu của công ty mẹ so với mức 11,7% của năm 2019. Hết quý I/2021, vận chuyển hàng hóa mang về cho hãng bay này gần 1.140 tỷ đồng chiếm 23% tổng nguồn thu và chỉ giảm 15% so với cùng kỳ trong khi doanh thu vận chuyển hành khách giảm tới 69%.

Lãnh đạo Bamboo Airways mới đây đã khẳng định tại Việt Nam chưa hãng nào phát triển chuyên biệt để vận chuyển hàng hóa và chia sẻ về tham vọng của hãng. Hiện tại, nhu cầu mua sắm trực tuyến cũng tăng, vì vậy, Bamboo Airways sẽ phát triển những máy bay chuyên dụng chở hàng hoá và cho ra đời Bamboo Airways Cargo.