Điều gì vẫy gọi bạn đến một vùng đất? Trực quan nhất, hẳn rồi, là những bức hình. Với Lý Sơn cũng vậy. Lâu nay, những bức hình long lanh thuộc dạng lý tưởng nhất trên facebook và mạng xã hội đã khiến bạn hình dung về một thiên đường giữa biển khơi khiến bạn nung nấu quyết tâm phải đến được nơi này. Tôi cũng không là ngoại lệ.
Từ Hang Cau đến Cổng Tò Vò, những vách núi, vòm hang, và làn nước trong vắt của cảnh sắc nơi này, cùng với đó là những miệng núi lửa nằm đó cả triệu năm như còn ngậm trong nó những dòng nham thạch. Đó là những gì mà bạn sẽ có trước chuyến đi để hun đúc quyết tâm đến với hòn đảo cách đất liền chỉ 15 hải lí này.
Thế nhưng sự thực bạn có cảm thấy như vậy khi đến Lý Sơn hay không lại là một câu chuyện khác. Nó hoàn toàn thuộc về trải nghiệm của cá nhân bạn, sự may mắn cũng như sự dấn thân của bạn, nhu cầu của bạn.

Việc đến Lý Sơn nếu tính từ cảng Sa Kỳ thì rất đơn giản. Nếu bỏ qua yếu tố bão mà hành trình đi biển nào cũng phải đối mặt thì chỉ ngồi vừa quen với cảm giác trên biển bạn đã có mặt ở Lý Sơn. Khác hẳn với Côn Đảo, hay thậm chí là Phú Quốc, Phú Quý. Với cá nhân tôi, khi bắt đầu hành trình khám phá Lý Sơn tôi hơi thất vọng. Nó là cảm giác chứ không phải một lựa chọn.
Chúng tôi hơi gặp xui xẻo trong lúc mới vừa chạm vào Lý Sơn. Là bởi ban đầu, đi Hang Câu, bác tài đã đưa chúng tôi đến khu vực âu tàu đang xây dựng, không có gì nổi bật và mọi thứ quá bữa bãi. Khi chúng tôi quyết định quay lại thì con đường ven biển đi tắt sang Hang Câu quả thực là một trải nghiệm tồi tệ. Suốt cung đường sát biển là nơi tập hợp các loại phế thải xây dựng. Đập vào mắt chúng tôi không phải là “thiên đường giữa biển khơi” như vẫn được ca tụng mà thực sự là một bãi rác lớn giống như các vùng bị đổ lấn chiếm tại Hà Nội. Điều đáng nói là rác này không đến từ khách du lịch mà hoàn toàn là rác tại chỗ do những vấn đề về quy hoạch và ý thức giữ cảnh quan của địa phương. Rất nhiều những đám hoa dại khô bắt nắng ngược vô cùng đẹp cho những khuôn hình bị rác thải xây dựng bức tử khiến du khách có muốn chụp ảnh cũng không được. Và tạo nên một sự ức chế vô cùng.
Ngay lúc ấy là một cảm giác thất vọng. Tôi bất chợt nghĩ đến Phú Quý, một hòn đảo khác mà tôi có dịp đến vào năm ngoái và thấy Phú Quý thiên nhiên và việc giữ gìn sự nguyên sơ ăn đứt Lý Sơn. Dù không định so sánh nhưng sự liên tưởng bất chợt như một mách bảo tôi vô thức làm điều này. Tôi đã định chụp lại tất cả những đống rác bừa bãi kia để làm một bài “bóc phốt” Lý Sơn, nhưng vì xe đang chạy không tiện xuống, và vì còn hành trình đã lên nên tạm gác lại ý nghĩ này. Ngay cả khi đã đến Hang Câu, đã bị cảnh đẹp của hang động và các vách đá chinh phục thì một vài chi tiết chưa hoàn hảo cũng đã làm tôi “mất thiện cảm” với Lý Sơn hơn, mất đi sự vô tư vốn dĩ.

Cổng Tò Vò cũng là nơi khá gây thất vọng khi chỉ là một dải đá nhỏ vươn ra biển, và chỉ được mỗi dải đá tầm chục mét có cổng Tò Vò ấy mà thôi. Phía trong hàng quán lập ngay sát và khá nhếch nhác. Chỗ này đẹp chủ yếu là do các tay máy. Chọn thời gian, thường là hoàng hôn hay bình minh và những thời khắc đẹp nhất để chụp. Khi nước biển rút thì trên thực tế nhìn nó khá thô kệch. Công trình lấn biển cùng với một con đập mới được xây dựng lấn sát cổng Tò Vò cộng với cảnh quan cẩu thả xung quanh khiến cho điểm nhấn đặc biệt này giờ như một cái đuôi cụt ngủn thò ra biển, xe ô tô có thể chạy sát đến. Chưa kể với cấu tạo mong manh của nó, tôi đồ rằng, tuổi thọ của cảnh quan này sẽ không tồn tại được quá lâu theo kiểu “trơ gan cùng tuế nguyệt”. Tất nhiên, bạn sẽ sẽ phải xếp hàng dài như chuẩn bị ra cửa lên máy bay để được đến lượt chụp hình lừa tình ở cái cổng đá bé xíu xiu này. Đó thực sự là một cuộc cạnh tranh khốc liệt và nhiều khi là to tiếng giữa các nhóm vì việc chụp lâu, hết phần người khác. Mà nhiếp ảnh là khoảnh khắc, vậy nên, có thể đến lượt bạn lên “sân khấu” thì thời khắc đẹp đã trôi qua từ lâu, và sự hứng khởi thì cũng đã tụt đến đầu gối.
Mật độ khách đông, đường giao thông nhỏ, xe chở khách dày đặc cũng là một chở ngại, nhất là ở Đảo Bé. Bạn tản bộ lang thang, dù thiên nhiên đẹp và bình yên thì vẫn sẽ có những tiếng còi xe chói tai của những xe ôm chở khách. Bạn cũng khó để lấy góc chụp một hàng rào, một cái cây mà bạn thích, bởi bạn sẽ rất có thể bị xe máy tông, và để không xảy ra điều này thì các tài xế và sẽ dùng còi, thậm chí quát to để bạn tránh lấy đường cho họ đi. Thế nên, chụp ảnh ở Đảo Bé không khác mấy với việc bạn liều mình chụp hình giữa đường phố Hà Nội. Và cái gọi là du lịch bản địa ở Đảo Bé cũng gần giống với bạn đi hội chợ hoa anh đào ở Thủ đô. Mật độ khách quá dày thực sự là một áp lực với Đảo Bé nói riêng, cả Lý Sơn nói chung.
Người dân Lý Sơn cơ bản là thân thiện, họ sẵn sàng giải thích cho bạn cặn kẽ về tỏi mồ côi, về việc canh tác, nuôi trồng mà không cảm thấy khó chịu, dù tôi biết, họ đã phải trả lời những câu hỏi đó hàng nghìn lần. Miễn là bạn có ý thức, đừng quấy rầy đến công việc họ đang làm. Tuy nhiên, họ chưa thực sự hiểu nhu cầu của du khách. Chị xe ôm chở tôi tham quan Đảo Bé đã tỏ ra sốt ruột khi tôi quan tâm đến những hàng rào đá hay những cái cây mang sắc tím, không hiểu tôi muốn chụp chúng làm gì vì theo chị nó quá bình thường. Tôi đã phải giải thích với chị rằng, với các chị nó chẳng có gì lạ, nhưng với nhiều du khách thì vì chúng mà họ đã có mặt ở đây.

Nếu buộc phải so sánh hai đảo mà theo tôi khá gần và tương đồng là Phú Quý và Lý Sơn, tôi thấy thích Phú Quý hơn. Phú Quý không có những điểm nhấn về cảnh sắc cũng như sự độc đáo như Lý Sơn, nhưng cùng được cấu tạo từ nham thạch núi lửa, ngoài việc hơn hẳn về độ hoang sơ cũng như cảnh sắc thiên nhiên nơi đây có những bãi đá đen, đá đỏ cực độc cùng những cánh phong điện và thảm cỏ đẹp như tranh để các tay máy tha hồ bung lụa.
Tất nhiên việc tối ưu hóa, hướng đến cái đẹp thì tôi cũng đã làm ở Lý Sơn. Tôi có cả chục clip từ bình minh đến hoàng hôn, đến cỏ cây hoa lá ở Lý Sơn. Tôi cũng đã làm cái việc “biên tập” nơi mình đến theo chủ ý. Nhưng có pốt chúng lên như những con “chim mồi” để thể hiện rằng mình đã đến một nơi cực đỉnh, để gieo sự nghen tị hay cảm thấy sôi sục vì chưa đến được nơi này trong những người khác hay không, thì tôi còn đang cân nhắc. Bởi thực lòng, Lý Sơn trong tôi không long lanh đến thế. Lỗi ở đây có lẽ là do các tay máy, các phượt thủ đã “photoshop Lý Sơn”, đã lý tưởng hóa quá tay cho những khuôn hình của mình.
Những người đến trước đã “biên tập” Lý Sơn quá kĩ, đã hoàn hảo nó để người đến sau bị thất vọng bởi một bản thảo gốc còn nhiều chỗ cẩu thả, thậm chí là nhếch nhác đã bị cắt bỏ.
Lời khuyên cho bạn, để hành trình đến Lý Sơn hay một vùng đất mới nào đó, bên cạnh những giấc mơ vẫy gọi thì bạn cũng nên hình dung một chút về những gì chưa hoàn thiện, những gì ở mặt bên kia của nó để không quá thất vọng khi mắt thấy tay sờ. Còn tôi, cho đến khi rời Lý Sơn thì thay vì thất vọng, tôi đã quen được sự chấp nhận những gì hòn đảo này đang có. Và tất nhiên tôi cũng đã có những trải nghiệm quý giá của một chuyến đi.
Tác giả: Nguyễn Xuân Thủy