photo1623812395865-16238123959611560319168-1629723840.png
Ảnh minh họa

Báo cáo tài chính đã qua kiểm toán của VietinBank cho biết, lượng tài sản thế chấp tại nhà băng này vào cuối quý II có giá trị gần 2,769 triệu tỷ đồng, tăng hơn 10% so với cuối năm 2020. Trong đó, bất động sản thế chấp có giá trị hơn 1,821 triệu tỷ, tăng 102.600 tỷ và chiếm gần 66% tổng tài sản bảo đảm. 

Tại Vietcombank, ngân hàng này đang nắm giữ gần 1,486 triệu tỷ tài sản thế chấp vào thời điểm 30/6. Riêng, giá trị bất động sản được định giá vượt 1,08 triệu tỷ, chiếm 66,4% và tăng 122.200 tỷ (tương đương 12,8%) so với cuối năm trước.

Hai ngân hàng còn lại trong nhóm Big4 là BIDV và Agribank không công bố thông tin về tài sản thế chấp vào cuối quý II. Tuy nhiên, lượng tài sản thế chấp của Agribank tại thời điểm 31/12/2020 đã vượt 2,06 triệu tỷ đồng, tăng gần 10,8% so với cuối năm 2019. Trong đó, bất động sản được thế chấp tại Agribank có giá trị hơn 1,84 triệu tỷ, tăng 13,6% và chiếm 89% tổng tài sản bảo đảm.

Còn BIDV sở hữu xấp xỉ 1,874 triệu tỷ tài sản thế chấp vào cuối năm 2020 với lượng bất động sản có giá trị gần 1,299 triệu tỷ đồng, chiếm 69,3%. 

Đến cuối 2020, nhóm Big4 đang nắm giữ lượng bất động sản thế chấp có giá trị 5,815 triệu tỷ, tăng 1,01 triệu tỷ, tương đương 21% so với cuối năm 2020.

Tại các ngân hàng tư nhân, hàng trăm nghìn tỷ bất động sản thế chấp được ghi nhận thêm trong nửa đầu năm nay.
Hai quý đầu năm, lượng bất động sản thế chấp tại Techcombank đã tăng 65.900 tỷ (+17,2%) lên hơn 449.530 tỷ, tương đương 62% tổng tài sản cầm cố . Tốc độ tăng này cao hơn mức tăng trưởng tín dụng của Techcombank (13%) và cao hơn mức tăng chung của tài sản thế chấp (13,2%).

Ở ACB, tài sản thế chấp là bất động sản chiếm hơn 94% tổng tài sản thế chấp của khách hàng của nhà băng này với 643.830 tỷ đồng. So với cuối năm trước, con số này đã tăng thêm 47.660 tỷ, tương đương 8%.

Cuối tháng 6, giá trị tài sản thế chấp là bất động sản tại MB đạt 364.953 tỷ đồng, tăng 26.400 tỷ (+7,8%) so với đầu năm và chiếm gần 34% tổng lượng tài sản cầm cố. Với dư nợ cho vay vào cuối quý II đạt khoảng 331.150 tỷ đồng, bình quân mỗi đồng cho vay của MB được đảm bảo bởi 3,27 đồng tài sản thế chấp, riêng bất động sản là 1,05 đồng.

Trong nửa đầu năm, lượng bất động sản cầm cố tại VPBank đã tăng thêm 28.500 tỷ, tương 7,9%. Tuy nhiên, bất động sản chỉ chiếm 41% lượng tài sản thế chấp của nhà băng này.

Trên thực tế, bất động sản vẫn được các nhà băng ưu tiên nhận làm tài sản cầm cố, thế chấp hơn cả bởi đây là những tài sản có giấy tờ chứng minh quyền sở hữu rõ ràng, ít hao mòn giá trị và khi phát sinh nợ xấu thì phát mãi có lợi hơn so với máy móc, hàng tồn kho hay giấy tờ có giá. Giá trị chuyển nhượng bất động sản thường tăng trong dài hạn do đặc tính khan hiếm. 

Bên cạnh đó, nghiệp vụ cho vay thế chấp bằng đất, nhà hình thành trong tương lai ngày càng nở rộ cũng khiến lượng bất động sản cầm cố tại các ngân hàng không ngừng gia tăng trong các năm qua.

Dù vậy, việc nắm giữ nhiều bất động sản thế chấp cũng gây khó khăn cho ngân hàng khi thực hiện phát mãi do tính thanh khoản không cao và tồn tại nhiều rủi ro pháp lý cũng như sự đồng thuận của chủ tài sản. Ngoài ra, không ít tài sản bảo đảm đã được định giá cao hơn giá trị thực tế khi phê duyệt khoản vay. Do đó, khi thanh lý, các ngân hàng thường có xu hướng định giá theo giá trị khoản nợ mà không sát với giá thị trường.

Trong thời gian qua, nhiều ngân hàng đã đẩy mạnh phát mãi tài sản là bất động sản để thu hồi nợ tuy nhiên các khoản nợ được rao bán nhiều lần kèm đại hạ giá mà vẫn chưa tìm được người mua.