Trên chính trường cuối thời Hán, ban đầu người ta thấy Viên Thiệu tương đối tốt. Viên Thiệu dáng người đẹp, xử sự không tồi, được nhiều người đi theo. Vì vậy, Viên Thiệu mới được tôn là minh chủ của các lộ chư hầu, quyết định liên minh diệt Đổng Trác.
co-the-ban-chua-biet-truoc-khi-thanh-ke-thu-tao-thao-va-vien-thieu-tung-la-ban-75-1572775164-width700height366-1617982439.jpg


Kỳ thực Viên Thiệu chỉ được cái tốt mã. Năm 189, Linh đế băng hà, để lại hai người con, Lưu Biện mười bốn tuổi, Lưu Hiệp chín tuổi, về cơ bản không khống chế nổi cục thế. Cục diện chính trị đang chao đảo, tránh sao được cuộc tranh giành phân chia lại lợi ích và quyền thế, và cuộc tranh giành chỉ được hoàn thành sau những mưu mô quỷ kế, những cuộc chÍnh biến nơi cung đình. Ai mạnh tay ác độc, người đó sẽ được lợi.


Vì vậy sau khi đại tướng quân Hà Tiến giết chết kẻ cầm đầu hoạn quan là Kiển Thạc, Viên Thiệu khuyên Hà Tiến đã làm là làm tới, giết cho bằng hết lũ hoạn quan, nhổ cỏ phải nhổ tận gốc, nhưng Hà Tiến thấy khó, vì người em gái của Hà Tiến là Hà thái hậu không đồng ý. Năm đó Hà thái hậu hạ độc Vương mỹ nhân, mẹ đẻ của Lưu Hiệp, suýt nữa bị Linh đế phế truất, may nhờ có hoạn quan xin cho thoát nạn, đương nhiên lúc này thái hậu không muốn xuống tay với hoạn quan.

Thế rồi Viên Thiệu lại có ý kiến với Hà Tiến, khuyên nên triệu các mãnh tướng ở khắp nơi, nhất là Tịnh châu mục Đổng Trác về kinh, hòng uy hiếp thái hậu. Thực tế thì đây là ý kiến ngu ngốc. Đến như trăm họ cũng đều rõ “mời thần thì dễ, tiễn thần thì khó”, nói chi tới một hung thần như Đổng Trác? E đó là dẫn sói vào nhà. Vả lại đây cũng chưa phải là việc cần làm. Tào Tháo đã nói, muốn giải quyết vấn đề hoạn quan, chỉ cần giết mấy tên hung hãn cầm đầu là xong. Chỉ cần đến một tên ngục lại là được. “Cớ gì phải triệu các tướng từ bên ngoài về?”. Kết quả, khi Đổng Trác còn chưa về kinh, Hà Tiến đã là quỷ dưới đao bọn hoạn quan. Đổng Trác vừa vào kinh, hoàng đế đã bị phế, thái hậu bị đầu độc, Lạc Dương trở thành một biển lửa, điêu đứng hoang tàn, đó đều là những việc tốt Viên Thiệu đã làm!

Đúng là Viên Thiệu rất ngu xuẩn. Viên Thiệu đã dẫn một thế lực ác độc mà chính mình cũng không chế nổi về kinh. Đó là việc không nên làm, dù họ “là quân nhân nghĩa” hay “quân bá vương” cũng không nên! Hoạn quan vốn là những người không có địa vị, lòng dân, không có chính quyền binh lực. Cũng đúng như Tào Tháo đã nói, sở dĩ họ được thể, bởi họ gần gũi hoàng đế và được tín nhiệm. Nếu không được hoàng đế sủng tín, thì họ chẳng là gì cả. Giết gà cần gì đến dao mổ trâu, và chúng ta chưa có con dao đó. Dao ra khỏi vỏ là thấy máu. Không có gà để giết thì phải giết trâu. Lũ Hà Tiến, Viên Thiệu chỉ là con bò ngốc, con trâu bướng bỉnh, đáng phải giết thịt. Nếu không phải Viên Thiệu chủ trương giết bằng hết bọn hoạn quan, bức bọn Trương Nhượng đến chỗ đường cùng, chó cùng rứt giậu, có lẽ Hà Tiến đã không phải chết sớm.

Làm chính biến nơi cung đình thì tay phải mạnh, bụng phải ác, nhưng không phải là giết người thành thói, càng không phải giết bừa bãi, giết người vô tội; đòn đánh mạnh nhất chỉ có thể nhằm vào kẻ địch hung hiểm nhất. Trên thực tế, đấu tranh chính trị là nhằm thay đổi nhân sự, phân chia lại lợi ích và quyền lợi, điều chỉnh quan hệ giữa người với người. Được nhiều người ủng hộ thì thắng lợi càng lớn, vì vậy phải “đoàn kết số đông, đánh vào số nhỏ”. Sao lại có thể giống như Viên Thiệu, không hỏi phải trái đúng sai, đã đòi giết bằng hết? Như vậy là tự chuốc thêm địch, mà địch càng đông thì kết quả chẳng hay ho gì.
Tào Tháo không như vậy. Năm 200, Viên Thiệu đại bại trước Tào Tháo ở Quan Độ. Phần lớn quân nhu, châu báu vàng bạc, bản đồ của Viên Thiệu đều rơi vào tay Tào Tháo, bao gồm cả thư tín số người bên Tào Tháo, ngấm ngầm viết cho Viên Thiệu, giấy trắng mực đen, chứng cứ như sơn, phàm những ai từng có thư từ đi lại với Viên Thiệu đều kinh hoàng lo lắng, suốt ngày sống trong sợ hãi.
Nhưng Tào Tháo đã hạ lệnh cho đốt hết số thư tín đó. Tào Tháo đã giải thích: “Trong lúc Viên Thiệu còn mạnh, ngay ta cũng chưa biết có giữ nổi mình không, trách gì mọi người!”. Câu ấy lại càng được lòng người chưa nói tới số người còn đang nghi ngờ, đắn đo chọn lựa, ngay cả những người không dính líu gì, đều rất cảm kích trước tấm lòng khoan dung, độ lượng, cách đối nhân xử thế của Tào Tháo.

Tào Tháo nói rất hay, tính toán thật tinh tế. Tào Tháo hiểu rất rõ, một khi sự việc bại lộ, không phải chỉ có một hai người bị xử lý. Vì trong tình trạng địch mạnh ta yếu, thắng thua chưa rõ, thì ai chẳng muốn lo cho mình một đường rút? Khi đó, số người đứng núi này trông núi nọ không phải là ít. Đương nhiên không phải ai cũng là gián điệp cho bên kia, chẳng qua là số đông muốn dính với cả hai bên, nhưng thế nào là dính thế nào là không, đều chưa được phân rõ. Nhưng theo lý luận phong kiến, không trung tức là phản nghịch. Chỉ cần có thư tín đi lại với Viên Thiệu thi dấu hiệu nghi vấn là thông đồng với địch, có nhảy xuống Hoàng Hà cũng không rửa sạch. Nếu như truy cứu từng người từng người một, thì e có đến hơn nửa số người không giải thích nổi. Đã không truy cứu được, chi bằng làm ơn làm phúc, không truy cứu nữa là xong. Hơn nữa, làm ơn làm phải cho trót, cho đốt sạch mọi chứng cứ, mọi người yên tâm. Như thế này thì số người có bụng dạ khác sẽ hối hận, sẽ ghi nhớ ân đức; số người vốn trung thành, càng thêm trung thành tận tuy. Như vậy, hơn hẳn cách lôi một đống người ra trừng trị, làm suy yếu lực lượng của chính mình.

Ở đây rõ ràng Tào Tháo thể hiện tố chất thiên tài của nhà chính trị. Nếu nói, Tào Tháo, thể hiện sự thông thái, biết nhìn xa của một nhà chính trị trong chuyện triệu Đổng Trác về kinh, thì với sự việc vừa miêu tả, Tào Tháo đã bộc lộ tính cách anh hùng đại lược của nhà chính trị. Tào Tháo hiểu rõ, bất luận là đấu tranh quân sự hay đấu tranh chính trị, bằng chứng quan trọng nhất là chính nghĩa, nguồn vốn quý báu nhất là nhân tài. Muốn lôi kéo nhân tài, trước hết phải lấy chữ thành để đãi người, thứ đến là chữ tín để có người, thứ ba là biết khoan dung. Con người ta muốn hình muốn vẻ. Trên đời này làm gì có đội ngũ chỉ một màu? “Nước trong quá thì không có cá, người xét nét quá thì ai theo?”, đôi khi còn phải vờ vĩnh là hồ đồ. Có vờ hồ đồ mới khoan dung người, biết khoan dung mới được lòng người, được lòng người mới được thiên hạ. Tào Tháo hiểu được đạo lý đó, nên Tào Tháo mới thắng.

Viên Thiệu tầm nhìn không xa, lòng dạ lại hẹp hòi. Trước trận chiến Quan Độ, mưu sĩ Điền Phong đã nhiều lần khuyên can, không nên mạo muội xuất quân, Viên Thiệu đâu có nghe, còn cho nhốt Điền Phong lại. Về sau, lức tin bại trận về đến Nghiệp thành, có người vào ngục thăm Điền Phong và nói: “Thế này thì huynh lại được trọng dụng”. Điền Phong lắc đầu nói: “Tôi chết là cái chắc!”. Quả nhiên khi về đến Nghiệp thành, Viên Thiệu đã cho giết Điền Phong.

Rõ ràng là Điền Phong biết người biết lòng, liệu việc như thần. Điền Phong quá rõ về con người Viên Thiệu, chí lớn tài sơ, bảo thủ cố chấp, bề ngoài thì khoan hậu nho nhã, trong lòng thì nghi kỵ bạc bẽo. Nếu như thắng trận, trong lòng vui vẻ, thì còn khả năng sẽ cho thả Điền Phong, một mặt để tỏ rõ sự khoan dung đại lượng, mặt khác là tiếc thay cho vị “giáo viên phản diện”, để chứng minh là anh minh vĩ đại. Nay bại trận, từ xấu hổ thành giận dữ, giận dữ phải trút sang cho người khác, lấy đầu người khác để xả giận, giết người nói đúng để che giấu sai lầm của mình. Người như vậy, còn muốn làm hoàng đế, lấy thiên hạ, chẳng phải nằm mơ giữa ban ngày sao?...
 
(Trích từ “Luận anh hùng” – tác giả Dịch Trung Thiên).