Theo BCTC quý III của LienVietPostBank (HoSE: LPB), thu nhập lãi thuần đạt 3.207 tỷ đồng, tăng 58% so với cùng kỳ năm 2021.

Hoạt động dịch vụ lãi 256 tỷ đồng, tăng 65%. Hoạt động kinh doanh ngoại hối lỗ 12,5 tỷ đồng, quý III/2021 lãi 6,5 tỷ đồng. Mảng chứng khoán đầu tư cũng ghi nhận lỗ 3,8 tỷ đồng, cùng kỳ lãi 5,2 tỷ đồng. Hoạt động khác lãi 6,7 tỷ đồng, giảm 85%.

Chi phí hoạt động quý III ở mức 1.304 tỷ đồng, tăng 8,4%. Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng 2,3 lần cùng kỳ lên 918 tỷ đồng. Kết quả, lãi trước thuế quý III đạt 1.233 tỷ đồng, tăng 61%.

Lũy kế 9 tháng, ngân hàng lãi trước thuế 4.822 tỷ đồng, tăng 72%, vượt kế hoạch lợi nhuận năm (4.800 tỷ đồng).

312828770-503554491788588-4346136093569974761-n-1666859536.jpg
 

Tính đến ngày 30/9, tổng tài sản đạt 313.480 tỷ đồng, tăng 8,4% so với đầu năm. Tiền mặt có 2.183 tỷ đồng, giảm 21%, tiền gửi Ngân hàng Nhà nước giảm 48% còn 5.110 tỷ đồng. Tiền gửi và cho vay các TCTD tăng 22%, lên 27.328 tỷ đồng.

Chứng khoán nợ do các TCTD phát hành tính đến hết quý III ghi nhận 15.943 tỷ đồng, tăng 21% so với đầu năm. Trong 9 tháng đầu năm không ghi nhận chứng khoán nợ do các TCKT phát hành, thời điểm đầu năm là gần 75 tỷ đồng.

Cho vay khách hàng 9 tháng ở mức 227.943 tỷ đồng, tăng 9,1% so với thời điểm ngày 31/12/2021. Chi phí dự phòng rủi ro cho vay khách hàng tăng 44% lên 4.563 tỷ đồng. Tổng nợ xấu ghi nhận 3.189 tỷ đồng, tăng 11,4%. Nợ nhóm 3 là hơn 574 tỷ đồng, tăng 25%. Nợ nhóm 4 giảm 24%, còn 807 tỷ đồng. Nợ nhóm 5 tăng gần 36%, lên 1.808 tỷ đồng.

Tỷ lệ nợ xấu tăng từ 1,37% đầu năm lên 1,4%. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu tăng 33 điểm phần trăm, lên hơn 143%.

Về nguồn vốn, tiền gửi khách hàng tính đến 30/9 ghi nhận 193.533 tỷ đồng, tăng 7,4% so với đầu năm. Phát hành giấy tờ có giá và quỹ của các TCTD không thay đổi với đầu năm lần lượt ghi nhận 36.783 tỷ đồng và 2.183 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đạt 6.167 tỷ đồng.

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022, ngân hàng đã thông qua kế hoạch lợi nhuận trước thuế đạt 4.800 tỷ đồng, tăng 32% so với năm 2021. Như vậy, chỉ sau 9 tháng đầu năm, LienVietPostBank đã hoàn thành mục tiêu lợi nhuận cả năm.

Đi sâu vào kết quả kinh doanh, động lực tăng trưởng tín dụng của LienVietPostBank trong 9 tháng đầu năm chủ yếu đến từ mảng cho vay bán lẻ. Danh mục cho vay bán lẻ đang chiếm phần lớn trong tổng các khoản vay tại ngân hàng

Trong những năm qua, cơ cấu tín dụng và nguồn thu dịch vụ của ngân hàng có sự chuyển dịch mạnh mẽ, dòng vốn tập trung chủ yếu vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nông nghiệp nông thôn và các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ. LienVietPostbank không có số dư trái phiếu doanh nghiệp từ cuối tháng 6/2022. Ngân hàng chủ yếu nắm giữ trái phiếu chính phủ và trái phiếu của các tổ chức tín dụng.

Vừa qua, NHNN đã có văn bản chấp thuận cho LienVietPostBank tăng vốn điều lệ từ 15.036 tỷ đồng lên 20.091 tỷ đồng theo phương án phát hành cổ phiếu trả cổ tức năm 2021 và chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu đã được Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022 phê duyệt.

Cụ thể, ngân hàng dự kiến sẽ phát hành cổ phiếu trả cổ tức năm 2021 cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 15%. Với hơn 1,5 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, ước tính ngân hàng sẽ phát hành thêm hơn 225,5 triệu cổ phiếu mới để trả cổ tức lần này.

Sau khi hoàn thành các đợt phát hành, vốn điều lệ của ngân hàng sẽ tăng thêm tối đa 5.255 tỷ đồng, tương đương mức tăng 35%. Số vốn tăng thêm sẽ tạo điều kiện cho LienVietPostBank mở rộng quy mô hoạt động kinh doanh, đáp ứng nhu cầu vốn cho khách hàng và đầu tư cho cơ sở hạ tầng, chuyển đổi số.