Hôm 23/6, Society Pass đã công bố quyền sở hữu đối với thương hiệu Leflair và tên miền www.leflair.com bằng việc mua lại thương hiệu này và các tài sản trí tuệ khác từ một công ty tại Hong Kong. Hãng công nghệ Mỹ dự kiến đưa Leflair ra mắt trở lại tại Việt Nam từ quý 3/2021 và mở các trang mua sắm mới tại các nước ASEAN khác trong năm 2022. 

screenshot-20210623-201454-facebook-1624454203.jpg

Việc Leflair quay lại thị trường Việt Nam và giữ nguyên thương hiệu cũ đặt ra hàng loạt các câu hỏi. 

Đầu tiên là chuyện xử lý nợ chưa giải quyết lên đến hàng chục tỷ đồng với hơn 500 nhà cung cấp trước đây khi Leflair giải tán vào tháng 2 năm ngoái. Hai cựu sáng lập của startup hàng hiệu giá rẻ cũ đã đầu quân cho một hãng bán lẻ hàng hiệu ba tháng sau đó. Đến giờ, họ vẫn chưa có giải pháp xử lý nợ ổn thỏa nào cho các đối tác cung ứng. 

Và đó chính là thách thức lớn nhất của Leflair mới. Bởi khó có thể tìm được nhà cung ứng có uy tín và họ có tin được Leflair mới hay không, nhất là giai đoạn mọi đồng vốn được doanh nghiệp quản lý chặt chẽ và kỹ lưỡng hơn trong giai đoạn khó hiện tại. 

Kế đến là chuyện cạnh tranh với các trang thương mại điện tử khác đang phát triển mạnh, các doanh nghiệp thời trang, nữ trang, mỹ phẩm khác cùng “đế chế” hàng hiệu của ông Johnathan Hạnh Nguyễn khi các doanh nghiệp này đã cải tổ, có cả offline lẫn online.
 
Báo cáo “Thị trường quảng cáo số Việt Nam 2021: Chiến lược đón đầu và đột phá” do hãng Adsota phát hành đầu tháng 6 vừa rồi đã nhận định: thương mại điện tử đang bước vào thời kỳ vàng son. 

Báo cáo đã chỉ ra rằng lượng người dùng mới từ các nền tảng thương mại điện tử tại Việt Nam đã tăng trưởng hơn 41%, cao nhất khu vực Đông Nam Á. Đáng ngạc nhiên là có tới 91% trong số đó quyết định sẽ tiếp tục sử dụng các nền tảng thương mại điện tử này, kể cả khi thế giới đã vượt qua đại dịch.

Thời điểm đại dịch bùng phát, thương mại điện tử Việt Nam đạt được mức tăng trưởng ấn tượng 18%, quy mô thị trường lên đến 11,8 tỷ USD, chiếm 5,5% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước. Với mức tăng trưởng ấn tượng đó, Việt Nam được cho là đang nhanh chóng trở thành "miếng bánh hấp dẫn" hàng đầu cho thương mại điện tử tại khu vực Đông Nam Á.

Quay trở lại với câu hỏi tương lai của Leflair mới. Điều rõ ràng là nhà đầu tư mới thật sự muốn khai thác dữ liệu khách hàng của Leflair cũ và tương lai vàng son của thương mại điện tử tại Việt Nam – như báo cáo của Adsota nhấn mạnh. 

Nhưng Leflair phải thoát khỏi cái xác sống (zombie) là hình ảnh còn tồn đọng trong tâm trí của nhà cung ứng và người tiêu dùng. Chỉ cần gõ Leflair trên công cụ tìm kiếm Google, Leflair không xuất hiện với ý nghĩa “thanh lịch, tinh tế” trong tiếng Pháp mà là các cụm từ “Leflair đóng cửa”, “Leflair lừa đảo” và “Leflair bán hàng không uy tín”…

Di sản số từ Leflair cũ khó mà tẩy rửa nếu như các nhà đầu tư và quản lý mới của Leflair mới phớt lờ những hệ quả xoay quanh câu chuyện “đồng tiền đi liền khúc ruột” giữa mùa dịch. 

Theo Lê Hiếu/BSA