Dù là một doanh nghiệp mạnh của ngành nhựa Việt Nam, song Công ty CP Nhựa bình Minh (BMP) vẫn không thể tránh khỏi chuyện bị đại dịch kéo chân. Trong buổi gặp gỡ các nhà đầu tư gần đây, ông Nguyễn Hoàng Ngân – Tổng giám đốc Nhựa Bình Minh đã liên tục cung cấp những thông tin không tốt.

Theo đó, sản lượng bán hàng trong tháng 7 của họ chỉ đạt 5.213 tấn, giảm 44%; doanh thu 244 tỷ đồng, giảm gần 39% so với cùng kỳ năm trước; lần đầu tiên trong lịch sử doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận âm khoảng 3,7 tỷ đồng.

Lý do, theo ông Nguyễn Hoàng Ngân: thì nửa đầu tháng 7, tình hình dịch bệnh Covid-19 tương đối ổn định nên hoạt động sản xuất của đơn vị duy trì mức bình thường. Tuy nhiên, nửa sau tháng 7 hoạt động kinh doanh sa sút nghiêm trọng trước các biện pháp giãn cách, việc vận chuyển hàng hóa gặp khó khăn.

Sản phẩm của doanh nghiệp không được đưa vào diện thiết yếu và chỉ được phục vụ một số công trình đặc thù như bệnh viện dã chiến; đồng thời, với giá nguyên liệu đầu vào cao đã nhập trước đó.

Doanh thu quý II của Nhựa Bình Minh đạt 1.457 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, giá vốn tăng mạnh 41% lên 1.265 tỷ đồng khiến lợi nhuận gộp kỳ này giảm 47% xuống gần 187 tỷ đồng. Tỷ suất lợi nhuận gộp chỉ là 12,8% trong khi còn số này ở cùng kỳ là 28%. Như thế, lãi sau thuế đạt gần 42 tỷ đồng, giảm 73% so với cùng kỳ. Đây cũng là mức lợi nhuận theo quý thấp nhất kể từ quý I/2009 (40,9 tỷ đồng).

screen-shot-2021-08-18-at-92743-pm-1629298037.png
Ảnh Zing.vn

Trong quý II, giá nguyên liệu đầu vào của ngành nhựa duy trì ở mức cao. Báo cáo hồi cuối tháng 6 của Chứng khoán Bảo Việt cho thấy: giá PVC đạt mức cao kỷ lục 1.600 USD/tấn hồi giữa tháng 4, tăng 28% so với đầu năm và 81% so với giá bình quân năm 2020 là 884 USD/tấn. Sau đó, giá mặt hàng này đã giảm xuống còn 1.360 USD/tấn nhưng vẫn tăng 9% so với đầu năm và 54% so giá bình quân năm 2020.

Cũng như thế, nửa đầu năm 2021, doanh thu của Nhựa Bình Minh chỉ đạt 2.606 tỷ đồng, tăng 14,5% cùng kỳ năm trước; lãi sau thuế 126 tỷ đồng, giảm 51% và thực hiện 24% kế hoạch năm. Biên lợi nhuận gộp giảm sâu từ 26,4% về 15%.

Lũy kế 7 tháng, BPM thực hiện được 55% kế hoạch doanh thu cả năm và 53% kế hoạch sản xuất. Ông Ngân cho rằng đây vẫn là kết quả tương đối tốt so với nhiều năm trước. Tuy nhiên, doanh nghiệp mới thực hiện 23% kế hoạch lợi nhuận năm do giá nguyên liệu tăng cao. Giá hạt nhựa PVC tăng rất mạnh trong nửa đầu năm và đạt đỉnh vào tháng 5 với 1.600 USD/tấn, trong khi mức bình quân 2020 ở khoảng 900-1.000 USD/tấn.

Nhựa Bình Minh đã tăng giá bán khoảng 14% trong 6 tháng đầu năm. Trong điều kiện hiện tại, lãnh đạo doanh nghiệp cho biết sẽ duy trì giá bán để thúc đẩy sản lượng trong thời gian còn lại của năm. Bên cạnh đó, giá nguyên liệu có xu hướng giảm từ tháng 5 đến nay, mức giảm khoảng 20% có thể giúp biên lợi nhuận đơn vị được cải thiện. Giá nguyên liệu nhựa được dự báo tăng trở lại từ tháng 9 dù không cao như đầu năm.

Tương tự, sản lượng trong 2 tuần đầu tháng 8 cũng chỉ đạt 664 tấn và sản lượng cả tháng ước đạt 1.400 tấn, thấp hơn 80% so với kế hoạch.

screen-shot-2021-08-18-at-92750-pm-1629298037.png
Ảnh: Zing.vn

Lãnh đạo Nhựa Bình Minh còn cho biết thêm: công ty đang hoạt động với chỉ 15-20% công suất. Trong số các nhà máy ở phía Nam, hiện chỉ có nhà máy Long An đang hoạt động với công suất bình thường, trong khi nhà máy tại TP.HCM đã tạm thời đóng cửa, nhà máy Bình Dương chủ yếu duy trì hoạt động bán hàng.

Còn theo các chuyên gia tại SSI Research, do tác động kéo dài của dịch Covid-19, kết quả kinh doanh của Nhựa Bình Minh có thể chạm đáy trong quý III năm nay. Công suất hoạt động giảm xuống khoảng 20-50% trong giai đoạn tháng 7-9 do giãn cách xã hội ở các tỉnh, thành phía Nam.

Trong cả năm, sản lượng tiêu thụ ước tính của công ty này sẽ giảm từ 115.000 tấn xuống 99.000 tấn, thấp hơn 10% so với cùng kỳ. Tỷ suất lợi nhuận gộp cũng sẽ từ 18,2% xuống 14% do chi phí đầu vào cao hơn.

Vì các nguyên nhân này, doanh thu cả năm 2021 của Nhựa Bình Minh có thể đạt 4.800 tỷ đồng, chỉ tăng 3% so với năm trước, trong khi lợi nhuận sau thuế giảm 61%, đạt 202 tỷ đồng. Đây là mức lợi nhuận thấp nhất trong một thập niên kinh doanh của nhà sản xuất này.

Nhựa Bình Minh là một trong những nhà sản xuất nhựa lớn nhất thị trường Việt Nam. Những năm trước, doanh thu bình quân hàng năm của Nhựa Bình Minh đều đạt 4.000-5.000 tỷ và mang 400-500 tỷ đồng lãi ròng.

Sau khi SCIC thoái vốn vào năm 2018, công ty này hiện thuộc sự quản lý của Tập đoàn Siam Cement Group - SCG (Thái Lan). Thông qua The Nawaplastic Industries - công ty con của SCG, người Thái đang sở hữu 54,39% vốn và là công ty mẹ quản lý trực tiếp của Nhựa Bình Minh.