Cách thì có đấy. Thực ra, nó dễ hơn mọi người vẫn nghĩ.

Nhưng, trước tiên thì chúng ta cần thay đổi lối suy nghĩ một chút đã.

Thường thì mọi người tin rằng nguyên liệu để tạo ra một bài viết đỉnh chóp là như này:

- Một ý tưởng kinh khủng chưa ai nghĩ ra.

- Những chi tiết bùng nổ hiếm người từng trải nghiệm.

- Một thông điệp cực kỳ sâu sắc.

Chúng ta làm gì có cái thứ ấy. Mớ nguyên liệu trong thực tế của chúng ta trông như này này:

- Một hai ý tưởng tàm tạm.

- Những chi tiết bình thường, có cái cần có cái thừa. Cái ta muốn thì không có.

- Một thông điệp ban đầu nhạt thếch.

Và chúng ta cần tạo ra một bài viết hấp dẫn. Có thể không?

Câu trả lời là có thể.

Bắt đầu từ đây, bạn hãy tin rằng mình là một anh thợ điêu khắc lành nghề và đang đứng trước một rổ nguyên liệu toàn gỗ tạp đi.

Vì là một anh thợ lành nghề, bạn không bao giờ nghi ngờ bản thân kiểu “mình có thể làm gì với đống gỗ vứt đi này đây”. Thứ bạn nghĩ chỉ là “mình sẽ thử tạo ra vài thứ hay ho xem sao” thôi.

Và, bạn hào hứng với việc biến gỗ tạp thành đồ mỹ nghệ.

1. Bạn xử lý nguyên liệu trước.

Cắt bỏ những phần thừa thãi đi, gọt sạch vỏ cây, rêu, cỏ dại. Sau đó thì sắp xếp chúng nó thành kết cấu nào đó.

Khi viết bài cũng thế, những chi tiết thô mà bạn có luôn luôn rất hỗn tạp, sự hỗn tạp này khiến cái hay vốn đã ít ỏi trong bài bị che lấp hết.

Lược bỏ những thứ gây nhiễu trước đã. Rồi xếp nó theo tuyến thời gian, theo không gian, theo cấu trúc ba phần bốn hồi gì đó tùy bạn.

2. Quyết định trọng tâm.

Đâu là phần sẽ trở nên nổi bật nhất trong tác phẩm của bạn?

Đừng suy nghĩ tiêu cực ở đây nhá. Một rổ nhạt nhẽo thì cũng phải có một hai chi tiết đỡ nhạt chứ, đúng không?

Tóm lấy nó là được và đừng băn khoăn quá nhiều về “những thứ lẽ ra phải hấp dẫn hơn” mà mình đang không có.

3. Khiến cái trọng tâm đó sáng lên.

- Các chi tiết phụ: Chỉ xử lý cơ bản thôi, sơ sơ là đủ rồi.

- Chi tiết trọng tâm: Tập trung 80% công sức vào nó.

Hãy:

- Tách riêng nó ra, đừng bắt nó chen lẫn giữa một mớ chi tiết khác.

Tôi chia tay người yêu tôi rất buồn tôi đi nhậu tại đây tôi gặp một anh chủ quán bặm trợn nhưng rất cute đã an ủi tôi. Không. Tách riêng “tôi chia tay người yêu” và “anh chủ quán bặm trợn cute” ra, nếu bạn quyết định nó là trọng tâm.

- Tả nó kỹ hơn. Nếu chi tiết phụ dùng 3 câu để tả, chi tiết chính hãy tả bằng 5 câu. Đơn giản không?

- Sử dụng motif để khiến trọng tâm trở nên hấp dẫn hơn. Đặt nó trong một mối quan hệ đối lập nào đó, đặt nó vào phần cao trào của kết cấu 3 hồi…

4. Đánh bóng tổng thể sản phẩm

Đây là bước khiến cho tác phẩm mỹ nghệ của bạn trở nên liền lạc và có độ hoàn thiện cao hơn.

- Để ý tới nhịp điệu.

- Chỉnh sửa từng chi tiết nhỏ.

Chẳng hạn, nhóm từ nhưng, cơ mà, dưng mà, tuy nhiên, có điều… đều có nghĩa tương tự nhau. Nhưng mỗi từ lại có một sắc thái khác biệt. Tuy nhiên thường dùng trong các văn bản trang trọng. Nhưng, có điều thì dùng trong kể chuyện bình thường. Dưng mà, cơ mà, tui thường dùng hai từ này trong thoại để tạo cảm giác chất phác gần gũi.

Những từ khác cũng vậy. Mỗi từ đều cần nghĩ một chút xem có nên dùng không, có nên vứt đi không, có nên thay bằng từ có nghĩa tương đương không?

- Đơn giản thì mạnh mẽ. Dùng từ đơn giản, dùng câu ngắn đơn giản, mô tả đơn giản. Sự đơn giản giúp cho khán giả của bạn đọc hiểu dễ dàng. Họ hiểu xong thì họ mới thích được.

5. Kết

Cũng có lúc bạn có một ý tưởng cực kỳ xịn sò hoặc một thông điệp cực sâu, vậy thì dễ rồi.

Giống anh thợ điêu khắc vậy. Tóm được khúc gỗ quý thì đẽo hơi non cũng dễ bán được giá cao.

Nhưng gỗ quý không nhiều đến thế, thường ngày bạn sẽ toàn làm việc với gỗ tạp thôi. Và đó là lúc tay nghề của bạn quyết định sản phẩm có đắt đỏ hay không.

Đừng quan tâm quá nhiều tới thông điệp. Tại bài này chưa có đâu. Hôm nào rảnh tui viết về nó sau.