dau-tu-gi-khi-lam-phat-1637564860.jpg
 

I. LẠM PHÁT

1. Lạm phát ở Mỹ đã tăng tốc lên 6,2%.

Tháng 11/2021 các nhà đầu tư nín thở chờ số liệu lạm phát tháng 10 của Mỹ. Kết quả đưa ra vượt quá tất cả các dự báo: 6,2%. Không nhà kinh tế nào ngờ nó có thể cao như thế. Các dự báo cao nhất chỉ 5.9%.

Đây là mức lạm phát cao nhất trong vòng 30 năm qua từ 1990 và 5 tháng liên tiếp lạm phát Mỹ trên 5%.

Không còn nghi ngờ gì nữa: đó không phải là hiện tượng ngắn hạn do các biện pháp ngăn sông cấm chợ phòng chống Covid đã được dỡ bỏ mà đó là hệ quả của chính sách nới lỏng tiền tệ quá lâu, quá mạnh. Nếu đúng như thế đợt lạm phát này ở Mỹ sẽ phải kéo dài 6-9 tháng và đỉnh có lẽ rơi vào khoảng giữa tháng 2 và tháng 4 năm 2022 (ấy là căn cứ số liệu vòng quay tiền-hàng của Mỹ mà dự báo).

Động lực chính của lạm phát ở Mỹ là do giá nhiên liệu và ô tô đã qua sử dụng tăng mạnh. Chuỗi cung ứng bị đứt gãy đánh vào nền công nghiệp ô tô khá nặng. Nhưng không chỉ có thế.

Lạm phát lõi (loại bỏ các mặt hàng dễ biến động ngắn hạn như giá nhiên liệu và thực phẩm) cũng đã lên tới 4,6% - và đây cũng là mức kỷ lục kể từ năm 1991.

2. Trước thông tin lạm phát kỷ lục này, thị trường phản ứng không ngoài dự đoán: chứng khoán Mỹ đã giảm điểm, trong khi trái phiếu chính phủ và đồng USD mạnh lên với dự báo Fed sẽ phải tăng lãi suất và bắt đầu thắt chặt chính sách tiền tệ sớm hơn nữa chứ không phải đợi cuối năm 2022 như dự báo cách đây vài tuần. Vàng và hàng hoá cơ bản (Commodities) dường như sẽ tiếp tục xu thế tăng. Và Bitcoin bước vào đợt tăng giá mới. (Không biết từ lúc nào nhưng Bitcoin đang dần trở thành tài sản khu trú chống lạm phát mới).

Đặc thù lạm phát lần này là bên cạnh nguy cơ lạm phát thì chính sách tiền tệ nới lỏng bơm tiền cứu thanh khoản thị trường và hà hơi tiếp sức nền kinh tế vẫn hấp bênh bởi Covid vẫn được coi là cần thiết: chính sách này chỉ quá một chút làm hỏng chính sách kia! Kiểu như bị gan và dạ dày cùng lúc: uống thuốc gan thì viêm dạ dày mà uống dạ dày thì đau gan. Nan giải phết.

Bình thường chỉ 6 tháng là có thể kết thúc lạm phát nhưng bởi Covid có thể sẽ kéo dài hơn đến 9 tháng.

Dự báo thế!

3. Trong bài viết “Easy Money Time - Thời đại tiền tệ dễ dãi” tôi nhận định:

“Dự báo:

Kỷ nguyên này còn kéo dài: ngắn là hai-ba năm, dài thì 7 năm đến 10 năm. Tuỳ tác nhân nào đến trước và tương tác với nhau ra sao. 2029-2030 sẽ có trật tự tiền tệ mới. Dự mò thế!

Thiên nga đen vô tiền khoáng hậu Covid-19 làm dự báo khó hơn hẳn.

Với tình hình COVID-19 hiện nay năm 2021 chắc chưa xảy ra khủng hoảng. Tình hình có thể đánh giá chính xác mỗi 6 tháng và tương đối hàng năm tuỳ độ tin cậy của số liệu thống kê.

Số liệu thống kê nào?

1. Hãy dán mắt vào các chỉ số dẫn dắt liên quan đến vòng quay vốn và M1, M2 (H.11), hay xuất hiện các công cụ đòn bẩy mới thay thế các NHTM... làm tăng hệ số nhân tiền và tăng tốc độ vòng quay vốn.

2. Hành vi tiêu dùng của người nghèo đối ứng với CPI: báo hiệu khủng hoảng sớm ít nhất 3 tháng.

3. Cryptocurrencies – những đồng tiền mã hoá có bản chất và nội hàm kinh tế thật, công nghệ blockchain thật và tự do thật... có thể thay thế phần nào tiền fiat chứ không phải các loại tiền mã hoá phi nội hàm kinh tế hôm nay – sẽ là con ngựa ô khó ngờ.

Kịch bản gần nhất: Hãy nhìn hình (H.11)! Cung M2 và Vòng quay vốn. Vaccine Covid-19 tạo miễn dịch cộng đồng, niềm tin quay trở lại, tâm lý hứng khởi, tiêu dùng bùng mạnh lên… đường màu đỏ đựng dậy và đường màu xanh chưa kịp dập xuống… thế là “Bùm!”!”

258158905-4847905635219595-3710544895279471936-n-1637564247.jpg
Hình 11

Cho đến hôm nay tôi vẫn giữ nguyên các nhận định ấy.

Bao gồm cả nhận định rằng thời đại tiền tệ dễ dãi chưa kết thúc và các biện pháp thắt chặt tiền tệ sắp tới chống lạm phát quy mô toàn cầu chỉ là chiến thuật.

II. ĐẦU TƯ

Bài viết này chủ yếu về kinh tế Mỹ và đồng USD và những rủi ro liên quan Việt Nam.

Bài viết này không để kêu gọi mua hay bán chứng khoán hay tư vấn đầu tư cho ai cả. Chỉ là dự báo, đánh giá rủi ro cho bản thân và những bạn bè gần.

1. Một số rủi ro liên quan Việt Nam.

Dù không có số liệu nhưng với nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam không thể không có quan ngại với lạm phát bên ngoài. Một số rủi ro có thể dự báo như sau:

a. Rủi ro nhập khẩu lạm phát cộng với lạm phát nội địa như năm 2008 do đứt gãy chuỗi cung ứng. Bị đòn kép: đã bị

cảm lại bị đau tim. Rủi ro này hiển hiện và rất lớn!

b. Rủi ro lệch pha tăng trưởng: Thế giới mở cửa kinh tế, chuỗi cung ứng hồi phục trở lại mà ta vẫn ngụp lặn đóng cửa, ngăn sông cấm chợ chống Covid và tự mình tách ra khỏi chuỗi cung ứng toàn cầu đi một mình với động cơ tăng trưởng cũ thì khả năng chúng ta thành “trái tim bên lề” với tăng trưởng toàn cầu là hiển hiện. Các DN FDI hiện hữu rút khỏi Việt Nam không dễ dàng và không nhanh được. Nhưng điều ấy không nguy hại bằng việc các dòng FDI chất lượng cao trong tương lai bỏ qua Việt Nam. Lệch pha tăng trưởng thì mời họ vào khó hơn nhiều so với đồng pha.

c. Rủi ro lệch pha chính sách tiền tệ: Nếu các nền kinh tế lớn thắt chặt tiền tệ chống lạm phát còn ta vẫn tìm cách nới lỏng để chống suy thoái sẽ rất khó bởi thanh khoản nguồn vốn thấp, thu hút vốn đầu tư không dễ dàng chút nào và chi phí rất lớn.

Nếu những rủi ro ấy xảy ra triển khai phục hồi kinh tế sẽ rất khó khăn.

2. Cơ hội của Việt Nam, dù vậy, không hề nhỏ.

a. Trong ba trụ cột của động cơ tăng trưởng (có phần cũ kỹ) của nền kinh tế Việt Nam: Vốn, Lao động giá rẻ và Tài nguyên thì hai khoản đầu vẫn còn dư địa, nhất là Vốn.

Nền kinh tế Việt Nam tính theo tuổi GDP/Capita là nền kinh tế “thiếu niên”(trong khoảng $2.500 đến $6.500) là lứa tuổi lớn nhanh và sung sức, không làm gì cũng tăng trưởng. Vấn đề chỉ là nhanh hay chậm. Tăng trưởng GDP 8-10% là không lạ, dưới 5% mới là lạ. Và kiểu gì cũng sẽ đạt $6.000-$6.500/Capita, không đạt mới là lạ. Chúng ta còn khoảng 15-20 năm nữa của tuổi thiếu niên. Nên sức tiêu thụ nguồn vốn đầu tư còn rất mạnh và tiềm năng tăng trưởng vẫn tốt.

Kiểu như bọn thiếu niên ăn uống kiểu gì cũng lớn lên chỉ nhanh hay chậm. Cái sự nhanh hay chậm này sẽ ảnh hưởng khi đến tuổi “thanh niên”: Ăn uống linh tinh thiếu chất dễ còi xương, suy dinh dưỡng, thể lực kém… ta vẫn gọi là bẫy thu nhập trung bình.

b. Vậy Việt Nam có sợ lạm phát không? Có chứ: nỗi ám ảnh 2007-2008-2011 còn đó. Chính sách tiền tệ quá lỏng và điều hướng dòng tiền sai là lạm phát ngay. Có mâu thuẫn với a. không? Có và không.

Có: khi các mệnh lệnh hành chính điều dòng tiền duy ý chí, thiếu định lượng sẽ lạm phát ngay. Chẩn bệnh kê đơn mà chỉ định tính, không định lượng, không có đích rõ ràng vào đâu, không đúng bệnh mà chỉ triệu chứng, không dự báo trước mà phản ứng sau… là đổ nợ. Nếu “bơm” không đúng chỗ, bơm sai cách, sai liều lượng, thiểu dự báo và môi trường kinh doanh bất hợp lý thì khủng hoảng khó tránh khỏi. Lạm phát ở Việt Nam nếu xảy ra vì bơm tiền quá nhiều do thiếu định lượng và cả không đúng chỗ chứ không chỉ bởi quá liều.

Không: vấn đề của kinh tế Việt Nam không phải tăng trưởng M2 và Tín dụng - Đầu tư bao nhiêu mà là tăng thế nào, vào lĩnh vực nào trong môi trường kinh doanh nào thì hiệu quả do khả năng hấp thụ vốn của SMEs, DNTN, tiêu dùng cá nhân, đầu tư hạ tầng và nhu cầu vốn tái cơ cấu kinh tế đang còn rất lớn.

Như bọn thiếu niên ăn uống xả láng vẫn khỏe vẫn lớn nhanh, chả sợ mỡ máu với cả béo phì… miễn là đừng chén nhiều fast-food (sai cơ cấu) lại không vận động thể dục (cạnh tranh) gây béo phì sớm. Không giống mấy lão già như tôi kiêng khem các cách thể dục các kiểu vẫn ì ạch và tăng cân là thảm họa.

c. Vấn đề của Việt Nam không phải có đạt $6.000-6.500/Capita không mà tốc độ đạt đến “vũ môn” $6.000 per Capita thế nào để biết có bị rơi vào bẫy thu nhập trung bình hay không. Như bọn thiếu niên bây giờ kiểu gì chả đạt 1,7m nặng 50kg sau dăm năm. Vấn đề là thể trạng và sức khỏe tinh thần sau đó thế nào? Có bệnh tật, yếu thể chất và thể trạng còi cọc của bẫy thu nhập trung bình không.

Rất cần một momentum mạnh mẽ để vượt qua điểm “chết” của bẫy thu nhập trung bình bằng một động cơ tăng trưởng mới. Nếu không có động cơ tăng trưởng mới, không cẩn thận các biện pháp Tiền tệ - Tài khoá hoàn toàn không tác dụng, kiểu như xe cũ chở nặng đạp hết ga cũng không tăng tốc được mà chỉ xì khói đen - lạm phát. Như bọn thiếu niên lỡ bị suy dinh dưỡng đến khi trung niên có bồi bổ kiểu gì cũng chỉ béo bụng và mông.

Đó sẽ là điều rất cần tránh!

Muốn vậy tái cơ cấu kinh tế phải đi vào thực chất với trọng tâm vào thay đổi phương pháp quản lý, cải thiện môi trường kinh doanh và dồn lực cho kinh tế tư nhân. Làm khác đi e rằng khói đen lạm phát lại bốc!

Chính sách tiền tệ Việt Nam dường như đã rút kinh nghiệm từ GF2008 nên các “đường quyền” thấy có nhiều nét thay đổi tích cực. Hy vọng sẽ ngày càng tích cực hơn nữa.

Dự báo thế!

3. Với dự báo dư địa tăng trưởng kinh tế vẫn còn và các biện pháp chống lạm phát chỉ là “chiến thuật” rõ ràng chiến lược đầu tư vẫn phải là Bullish với mục tiêu trước mắt không chỉ là vượt qua các nguy hiểm thiếu thanh khoản khi biện pháp thắt chặt được áp dụng mà còn là tận dụng những cơ hội mà đám kền kền cũng đang soi.

Các tài sản “chống lạm phát” phổ biến là năng lượng, hàng hoá cơ sở (commodities) nhất là vàng và các loại cổ phiếu “chống lạm phát dòng tiền ổn định” như y tế, giáo dục, viễn thông, tiện ích cơ bản, tiêu dùng thiết yếu. Tuy nhiên với dự báo các biện pháp chống lạm phát chỉ là “chiến thuật” thì các tài sản giá trị (cổ phiếu tiềm năng tăng trưởng cao), BĐS vị trí tốt sẽ có cơ hội lớn. Những ngành nghề trọng yếu nên nhắm đến là: Bán lẻ (online và off-line), viễn thông, dịch vụ tài chính, năng lượng và hàng hoá cơ sở. Những ngành này 15-20 năm nữa vẫn tiềm năng ở Việt Nam.

Tất nhiên với điều kiện: các dự báo về thời lượng và chính sách thắt chặt chỉ mang tính chiến thuật là đúng.

Mà phàm đã dự báo… tức là có thể sai. Do vậy cần bám sát số liệu.

III. DỰ BÁO VÀ MÔ HÌNH

1. Mô hình và dự báo

a. Mô hình

Mô hình là mô tả bức tranh diễn biến sự việc phụ thuộc các biến số nào đó và luôn được xây dựng với một loạt các điều kiện và giả định về hoàn cảnh khách quan của thiên nhiên và cả nguyên tắc ra quyết định chủ quan của con người Homo Sapiens theo quy luật biết trước nào đó. Cái ấy gọi là “miền ứng dụng”.

Nghe các “chuyên gia” chém về các mô hình kinh tế tài chính mà hoàn toàn chả có khái niệm gì về miền ứng dụng nhiều lúc rất nực cười.

Các mô hình mô tả diễn biến theo thời gian nếu ở thì tương lai thì thành Dự báo.

b. Dự báo

Ít người hiểu bản chất các mô hình kinh tế xã hội hiện nay nên không để ý trong với số các loại mô hình mô tả diễn biến xã hội, kinh tế, tài chính… lượng giả định và điều kiện miền áp dụng nhiều cỡ nào!!! Trong các mô hình ấy vô số biến số trở thành hằng số vì bị coi là bất biến!

Nhưng nhiễu loạn hay thiên nga đen luôn hiện hữu: Nếu lỡ mai một con virus khủng hơn Covid xuất hiện, hay người ngoài hành tinh đổ bộ và quản trị thế giới này như Polpot thì các dự báo sẽ quay ngoắt 180 độ. Mọi dự báo là tầm nhìn bây giờ T0 cho đến thời điểm T0+Delta nào đó mà thôi. Dự báo phải sống theo sự kiện, không phải bức ảnh chết mới là đúng.

c. Xây dựng mô hình và dự báo là thế! Không hề đơn giản. Ứng dụng phải cẩn trọng và hiểu bản chất.

Thứ nữa là dự báo xong phải hành động tương thích. Dự báo không kèm hành động thì vứt đi cả dàn.

2. Một chút về dự báo hành vi.

Xây dựng mô hình và dự báo, nhất là dự báo hành vi và cảnh báo rủi ro liên quan đến hành vi con người, như nói ở trên là rất khó. Đó là một nghề rất bạc vì “con khỉ Homo Sapiense” biết suy nghĩ lại biết cả thay đổi hành động ứng phó khi nghe dự báo và biết chửi loạn xị!

Ví dụ.

Giả sử tôi là một thiên tài lên mô hình tính toán mô hình giao thông và dự báo kết quả: Cứ thế này sáng mai ngã tư Hàng Xanh kẹt xe khủng!

Tất nhiên chả ai tin và kết quả là kẹt thật. Thực tế sinh động làm cả làng tin tôi dự báo chuẩn như thần.

Lần sau lại dự báo kẹt xe ngã tư Hàng Xanh. Vì đã tôn tôi dự báo như thần nên cả làng ai cũng tránh ngã tư Hàng Xanh. Vài người khôn lỏi nghĩ: ai cũng tránh nên chắc nó sẽ không kẹt. Vài người khác: chỉ có 1 đường, kẹt cũng phải đi!

Và kết quả là ngã tư Hành Xanh trống thông thống, chỉ vài mống đi. Cả làng, cả thằng không tin tôi vẫn đi lẫn thằng tin tôi không đi, sẽ quay sang chửi tôi dự báo ngu như bò!

Lần sau dự báo thì chả ai nghe và kẹt thật. Cả đám lại chửi tôi dự báo ngu hơn bò… bảo tôi đoán mò là chính.

Để dự báo chính xác tôi phải dự báo được số lượng người nhận được thông tin dự báo, tỷ lệ % người tin tôi và % hành động theo niềm tin. Dự báo càng đúng thì những % này càng cao và lại phải thay đổi các tỷ lệ % mới… cứ thế cập nhật liên tục mới được.

3. Dự báo hành vi hay những hoạt động là hệ quả của hành vi con người, vì thế và nếu không liên tục cập nhật, sai là thường. Với kinh tế Việt Nam ai dự báo tương đối chuẩn trước dài hơn 6 tháng và kinh tế Mỹ hơn 18 tháng phía trước đều xứng đáng làm Thánh! Như vụ lạm phát ở trên hay khủng hoảng repos hay GF 2008 trước đây cũng thế!

Các bạn nghĩ các chuyên gia dự báo được trước các cuộc khủng hoảng kinh tế với độ chính xác bao nhiêu %?

Theo thống kê của IMF (Link đính kèm ở comment) ngay cả các chuyên gia kinh tế hàng đầu cũng chỉ có thể dự đoán đúng cuộc suy thoái một năm trước khi nó xảy ra chỉ 5 lần trong số 153 lần: 3,3%!

Đến như nước Mỹ với sự minh bạch số liệu như thế mà các chuyên gia kinh tế dự báo sai chắc trên 95% (tôi tự theo dõi thấy thế! Không có nguồn).

Vậy có nên nghe bọn chuyên gia đểu như tôi dự báo không? Dù dự báo sai là chính?

Nên! Giàu hơn, giỏi hơn và thành đạt hơn hẳn đám chuyên gia ấy, thế nhưng các nhà đầu tư thiên tài và thông minh vẫn há mồm nghe các chuyên gia các kiểu dự báo dài ngắn. Đó không phải chỉ vì họ tin đám chuyên gia nói gì cũng đúng (Có tin nhưng chỉ một phần). Quan trọng là để sau đó đám đầu tư ấy mang dự báo về tái dự báo, tiêu hoá tiếp: nếu cả đám chúng nó bảo thế hay mỗi đứa mỗi kiểu như thế… thì cả làng sẽ làm gì? Mà nếu cả làng làm thế thì ta sẽ phải hành động thế nào thì có lợi nhất?

Chính hành động của các nhà đầu tư đôi khi sẽ làm dự báo dù đúng lúc đầu thành sai lúc sau.

Đọc dự báo phải biết “tiêu hoá” thành của mình. Dự báo thông minh là thế! Và hơn nhau là ở đó!

4. Dự báo muốn chính xác phải có số liệu đầu vào mình bạch và chính xác, bao gồm cả tính dự báo của hành vi con người và mô hình thống kê, đo lường chính xác. Cái ấy gọi là tính dự báo, tính logic trong việc ra quyết định và hành động của thị trường, xã hội. Mọi mô hình đều đòi hỏi sự tồn tại của tính logic - quy luật - cũng như số liệu đúng. Các dấu hiệu cảnh báo sớm được gọi là “Chỉ số dẫn dắt - Leading Indicator”.

Hồi học lái xe ông thầy dặn: “Lái xe ra đường cậu nhớ tránh 3 đối tượng: người say, trẻ em và phụ nữ”. Hỏi tại sao ông ấy bảo: “Vì không thể dự báo được hành vi của đám người này. Chả có logic nào cả!”. Rất chuẩn! Xã hội Kinh tế cũng vậy thôi: tránh xa những chú khó dự báo hành vi!

(Xin lỗi phụ nữ nếu tôi nói vậy có vẻ như xúc phạm hay phân biệt giới tính. Ngược lại ạ: các bạn hấp dẫn vì cái sự khó dự báo ấy).

5. Quy trách nhiệm, chửi bới những người dự báo khi họ sai, do vậy là sai mọi nhẽ. Bởi đúng sai rất phụ thuộc vào môi trường khách quan và hành vi chủ quan. Dự báo chỉ đúng trong khoảng [T0,T0+Delta] mà thôi. Để đúng và có giá trị sử dụng phải cập nhật số liệu và điều chỉnh liên tục, có khi phải điều chỉnh một cách trọng yếu cả mô hình. Lấy kết quả dự báo làm ra ở T0 với các môi trường khách quan và hành vi chủ quan này áp cho T1 cách đó hàng tỷ năm (là so với vòng quay sự kiện trong xã hội hay vòng quay vốn trong kinh tế) hay với môi trường khách quan và hành vi chủ quan khác là sự ngớ ngẩn. Mà quy trách nhiệm cho người làm dự báo còn ngớ ngẩn hơn: Ai quyết định người ấy chịu trách nhiệm.

Tôi, một người mòn đít trong trường đại học và nghiên cứu trong 10 năm trời ít nhất 12h/ngày chỉ để học và nghiên cứu cách xây dựng mô hình và tính toán chính xác quỹ đạo vận động của hệ các vật thể trong các điều kiện nhiễu loạn khác nhau, xin khẳng định như thế.

Hãy biết tôn trọng những người làm dự báo tử tế.

6. Làm quản lý kinh doanh và đầu tư cũng như lái xe trên con đường thời gian, đặc biệt là đầu tư, rất cần phải biết dự báo.

- Không dự báo không khác gì lái xe ban đêm không đèn.

- Chỉ nhìn về quá khứ để “quy nạp không toàn bộ” không khác gì chỉ nhìn gương chiếu hậu để lái xe về phía trước.

- Không biết nghe người khác dự báo chả khác gì lái xe không nhìn biển báo tín hiệu giao thông.

- Chỉ nghe dự báo của người khác mà không “tiêu hoá” thành của mình không khác gì lái xe chỉ nhìn biển báo mà không nhìn đường và phương tiện, người giao thông khác trên đường.

- Dự báo rồi không cập nhật các điều kiện để nuôi sống dự báo để hành động không khác gì lái xe theo bản đồ vẽ cách đây 100 năm.

- Tiêu hoá rồi, dự báo rồi, cập nhật rồi mà không hành động theo dự báo chả khác gì lái xe công nông bằng mắt./.

Tác giả: Lý Xuân Hải