lam-an-thua-lo-lien-tuc-hai-co-phieu-hang-khong-co-nguy-co-bi-huy-niem-yet-1662620599.jpeg

Vietnam Airlines thua lỗ hai năm liên tiếp

Báo cáo tài chính hợp nhất quý I của Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) cho biết, vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp này âm 2.160 tỷ đồng, và trong 2 năm gần nhất, lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ cũng là số âm. Vì vậy, hiện tại cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines đang nằm trong diện kiểm soát.

Ngày 7/9, HOSE cũng đã gửi công văn lưu ý Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines – Mã: HVN), nếu báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2022 tiếp tục ghi nhận lợi nhuận cổ đông công ty mẹ hoặc vốn chủ sở hữu âm thì khả năng hủy niêm yết hơn 2,2 tỷ đơn vị cổ phiếu HVN có thể sẽ xảy ra. 

Năm 2020, Vietnam Airlines lỗ sau thuế 11.178 tỷ đồng, đến năm 2021, con số này tăng lên tới 13.279 tỷ đồng. Báo cáo hợp nhất soát xét nửa đầu năm 2022 của doanh nghiệp này cho thấy mức lỗ sau thuế là 5.237 tỷ đồng. Tính đến ngày 30/06/2022 vừa qua, lỗ sau thuế chưa phân phối ghi nhận mức 28.904 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 4.897 tỷ đồng.

Đầu tháng 8/2022, Vietnam Airlines cũng đã gửi giải trình đến HOSE về biện pháp để khắc phục chứng khoán bị kiểm soát. Theo đó, doanh nghiệp này cho biết sẽ thực hiện 3 nhóm giải pháp để khắc phục tình trạng âm vốn chủ và lỗ hợp nhất, thời gian cam kết thực hiện là trong năm nay. Cụ thể, Vietnam Airlines sẽ tái cơ cấu danh mục tài sản và danh mục đầu tư để gia tăng thu nhập, dòng tiền. Bên cạnh đó, doanh nghiệp sẽ chuẩn bị phương án phát cổ phiếu để tăng vốn chủ khi được phê duyệt.

Năm ngoái, nhờ việc phát hành gần 800 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, Vietnam Airlines cũng thoát âm vốn chủ sở hữu. Phương thức này đã làm tăng vốn thêm gần 8.000 tỷ đồng hồi cuối tháng 8. Kết quả là công ty này đã tránh được khả năng bị hủy niêm yết trên sàn HoSE.

Tuy vậy, lần này Vietnam Airlines sẽ phải thật cẩn trọng hơn với nguy cơ cũng như những lưu ý mà HOSE đã gửi về. 

Không 'thua kém' Vietnam Airlines, Hàng không Taseco cũng thua lỗ liên tiếp 2 năm...

Ngày 6/9 vừa qua, Công ty CP Dịch vụ Hàng không Taseco (Taseco) cũng được HOSE ban hành quyết định về việc chuyển cổ phiếu từ diện cảnh báo sang diện kiểm soát đối với cổ phiếu AST. Bên cạnh đó, đây cũng là lưu ý cho AST về khả năng hủy niêm yết cổ phiếu, vì Taseco cũng thua lỗ liên tiếp trong năm 2020, 2021 và nửa đầu năm 2022. theo luật chứng khoán nói trên, đây chính là các yếu tố dẫn đến kết quả hủy niêm yết cổ phiếu doanh nghiệp này.

Tại ngày 30/6 năm nay, lỗ lũy kế của Taseco là hơn 84 tỷ đồng. Trước đó, báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2020 ghi nhận mức âm 49,1 tỉ đồng cho lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ của Taseco; năm 2021 là âm 118 tỉ đồng; 

Tính đến ngày 30/06/2022, nhuận sau thuế chưa phân phối của doanh nghiệp này ghi nhận mức âm 84,35 tỉ đồng; lợi nhuận sau thuế cổ đông của công ty mẹ là âm 7,5 tỉ đồng.

lam-an-thua-lo-lien-tuc-hai-co-phieu-hang-khong-co-nguy-co-bi-huy-niem-yet-3-1662624185.jpeg

Công ty CP Dịch vụ Hàng không Taseco thành lập năm 2005, tiền thân là Công ty Cổ phần Dịch vụ Hàng không Taseco Nội Bài. Công ty được thành lập để vận hành hoạt động kinh doanh dịch vụ khu vực Nội Bài và các sân bay lân cận. Bao gồm các dịch vụ như: Dịch vụ du lịch, lưu trú, đón tiễn; kinh doanh hàng bách hóa lưu niệm, rượu, thuốc lá, bánh kẹo; cung cấp đồ ăn nhanh, giải khát; đại lý cung cấp dịch vụ viễn thông; dịch vụ quảng cáo thương mại; dịch vụ thu đổi ngoại tệ tại các sân bay quốc tế Nội Bài, Đà Nẵng, Phú Bài (Huế), Tân Sơn Nhất, Phú Quốc… Ngoài ra, đơn vị này còn kinh doanh dịch vụ nhà hàng, khách sạn và cung cấp suất ăn cho các hãng hàng không. Hiện tại, để chuyên môn hoá hoạt động kinh doanh, Taseco đã chuyển toàn bộ mảng dịch vụ kinh doanh hàng không sang vận hành chuyên biệt tại các công ty con riêng biệt. 

Taseco đã niêm yết lần đầu vào tháng 4/2018. Đóng cửa phiên giao dịch ngày 6/9, AST vẫn tăng 200 đồng/cổ phiếu, dừng ở mức 60.700 đồng/cổ phiếu.