lai-suat-giam-1684219822.jpeg
 

Tính đến sáng 15/5, ba ngân hàng trong nhóm Big4 gồm Agribank, VietinBank và Vietcombank vừa có động thái điều chỉnh giảm lãi suất huy động ở các kỳ hạn 1 tháng và 3 tháng tiền gửi tại quầy.

Tại VietinBank, lãi suất huy động tại các kỳ hạn 1 - 5 tháng đồng loạt giảm 0,3 điểm phần trăm so với đầu tháng 5. Lãi suất kỳ hạn từ 1 đến dưới 3 tháng ở mức 4,6%/năm, kỳ hạn từ 2 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ giảm xuống còn 5,1%/năm. Các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên không thay đổi, hiện kỳ hạn 6 tháng và 9 tháng niêm yết ở mức 5,8%/năm, kỳ hạn 12 tháng ở mức 7,2%/năm.

Vietcombank cũng ghi nhận lãi suất giảm ở kỳ hạn 3 tháng từ 5,4% xuống còn 5,1%/năm. Đồng thời, giảm lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1-2 tháng từ 4,9%/năm xuống 4,6%/năm. Các kỳ hạn khác vẫn được giữ nguyên so với đầu tháng.

Từ ngày 10/5, Agribank đã giảm 0,2 điểm phần trăm lãi suất áp dụng cho các kỳ hạn trên 12 tháng xuống còn 7%/năm. Ngoài ra, Agribank cũng giảm 0,3 điểm % lãi suất huy động tại các kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng. Trong đó, lãi suất kỳ hạn 1-2 tháng còn 4,9% và kỳ hạn 3-5 tháng là 5,1%.

Tại BIDV, ngân hàng này vẫn đang giữ nguyên các mức lãi suất huy động so với đầu tháng. Lãi suất kỳ hạn 1 tháng ở mức 4,9%/năm, kỳ hạn 3 tháng ở mức 5,4%, kỳ hạn 6 tháng là 5,8%/năm, 9 tháng là 5,9%/năm và kỳ hạn 12 tháng là 7,2%/năm.

Sẽ tiếp tục có thêm một đợt giảm lãi suất điều hành?

Chia sẻ tại hội nghị ngành ngân hàng ngày 11/5, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục theo dõi diễn biến thị trường, nếu được sẽ giảm lãi suất điều hành, việc điều hành chính sách tiền tệ phải đánh đổi giữa các mục tiêu, để duy trì lạm phát thấp, ổn định tỷ giá. Theo Thống đốc, việc điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng của Ngân hàng Nhà nước không chỉ giải quyết một vấn đề mà điều hành để đạt nhiều mục tiêu đồng thời.

346046205-1061631688556479-1023236144038808876-n-1684219822.jpg
Các mức giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước từ đầu năm đến nay.

Trong báo cáo chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho rằng, Ngân hàng Nhà nước vẫn đang duy trì biện pháp điều hành linh hoạt, chờ đợi những diễn biến thuận lợi trên thị trường quốc tế nhằm thực hiện những mục tiêu giảm mặt bằng lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp và người dân trong tiếp cận vốn trong bối cảnh hoạt động sản xuất còn gặp nhiều khó khăn.

VCBS nhìn nhận, mặc dù chưa xác định thời điểm cụ thể về việc giảm lãi suất, thị trường vẫn kỳ vọng mức lãi suất mục tiêu không còn xa, đi kèm với dư địa của việc tăng lãi suất là không lớn. Trong điều kiện thuận lợi khi sức mạnh đồng USD không tăng, Ngân hàng Nhà nước hoàn toàn có thể có thêm một đợt giảm lãi suất điều hành nữa trong những tháng tới.

Theo các chuyên gia từ Công ty Chứng khoán Tiên Phong (TPS), lãi suất huy động được kỳ vọng sẽ tiếp tục giảm xuống trong bối cảnh chính sách tiền tệ của Việt Nam tiếp tục được nới lỏng và tăng trưởng tín dụng khá thấp ở 4 tháng đầu năm. Tăng trưởng tín dụng tăng trưởng thấp tính đến hết tháng 4 ở mức 3,24% (năm 2022 đạt 6.42%) do các doanh nghiệp không có đơn hàng, ngành bất động sản vẫn gặp khó khăn nên vốn không hấp thụ được.

Về phía Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), nhóm phân tích cho rằng Ngân hàng Nhà nước sẽ có nhiều dư địa để nới lỏng chính sách tiền tệ hơn trong năm 2023, với kịch bản cơ sở lạm phát bình quân được kiểm soát tốt quanh 4-4,5%. NHNN có thể sẽ hạ tiếp các loại lãi suất chính sách thêm 50 điểm cơ bản trong quý II để tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế.

Với áp lực từ lạm phát toàn cầu và tỷ giá trong nước được dự báo bớt căng thẳng hơn so với năm 2022, việc đứt gãy chuỗi cung ứng dần được cải thiện và nhu cầu tiêu thụ toàn cầu sụt giảm giúp giá hàng hoá hạ nhiệt, và Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) được dự báo sẽ sớm kết thúc chu kỳ tăng lãi suất vào cuối quý I sẽ là yếu tố hỗ trợ cho mặt bằng lãi suất huy động 12 tháng duy trì quanh ngưỡng 7%, và lãi suất cho vay bình quân quanh ngưỡng 10%.

Nguồn: NDH