Hiện tại rất nhiều người Việt Nam cho rằng chơi game là xấu, game gây ra nhiều hệ luỵ xấu về sức khỏe, tốn tiền, tốn thời gian, bỏ bê việc học hành, bỏ bê công việc, hạn chế giao tiếp xã hội, dễ cáu gắt, nói chung là nhiều hệ luỵ xấu cho bản thân, gia đình và xã hội, nên cấm.
Trước khi đi vào chủ đề chính “Việt Nam có nên coi việc sản xuất, xây dựng Mobile Game là một ngành kinh tế tiềm năng, cần thúc đẩy và khuyến khích hay không”, tôi muốn phân tích về mặt tốt cũng như mặt xấu của Mobile Game một cách công bằng.
Có một thực tế là số người chơi Mobile Game trên thế giới hiện rất đông đảo, theo thống kê trên toàn cầu có trên 2,5 tỷ người tham gia chơi game, chiếm 32% dân số thế giới (Việt Nam tỷ lệ chơi game rất thấp chỉ cỡ 3%), những nước có nhiều người chơi game online nhất là Trung Quốc (660 triệu), Mỹ (150 triệu), Nhật (67,6 triệu) Nga (65,2 triệu), Đức (44,3 triệu), Pháp (32,6 triệu), Canada (19 triệu), Italy (26,2 triệu), Tây Ban Nha (16,8 triệu), Hàn Quốc (18 triệu), hầu hết đều là nước giàu có và văn minh cả.
Dưới đây là post thứ hạng top 10 công ty mobile game khu vực Đông Nam Á - Úc Châu (bao gồm cả Úc và New Zealand), trong đó Việt Nam chiếm 5/10, giữ luôn ngôi số 1, số 2, số 4, số 8 và số 10, nhường vị trí số 3 và 7 cho Singapore, số 5, số 6 và số 9 cho Úc.
Thứ hạng này chứng minh cho tiềm năng của Việt Nam trong lĩnh vực Mobile Game, lĩnh vực có qui mô 110 tỷ USD vào năm 2021 và 233 tỷ USD vào năm 2028.
Không những thế nhiều quốc gia, chính phủ còn thành lập quĩ để hỗ trợ ngành công nghiệp Mobile Game, năm 2019 số tiền chính phủ Đức chi cho quĩ hỗ trợ Mobile Game lên đến 50 triệu EURO (sau khi thấy Anh, Pháp, Canada hỗ trợ cho Mobile Game từ quĩ hỗ trợ công ty công nghệ thành công). Chưa hết, esport (Mobile Game) đã được đưa vào thành bộ môn thi đấu chính thức ở Sea Games và Asian Games từ nhiều kỳ đại hội trước.
Công bằng mà nói, nếu chơi Mobile Game một cách hợp lý và khoa học, điều tiết được thời gian chơi, không nghiện game, thì chơi Mobile Game là một trò giải trí lành mạnh, giúp mọi người tương tác, kết nối với nhau trong một cộng đồng, rèn luyện tư duy, khả năng suy luận, nhanh tay, nhanh mắt, giữ cơ thể thăng bằng (theo nghiêm cứu của Đại học Harvard, Harvard Medical School).
Chúng ta hãy thử đặt và trả lời các câu hỏi như sau “tại sao người dân các nước văn minh giàu có lại chơi Mobile Game nhiều thế”, “tại sao chính phủ các nước văn minh lại ủng hộ Mobile Game và coi Mobile Game là một cấu thành của nền kinh tế số”, “có phải chỉ mình chơi game là có hại, có hệ luỵ xấu không?”, “tại sao nghiện rượu, bia, nghiện thuốc lá cũng có nhiều tác hại nhiều hệ luỵ xấu mà xã hội Việt Nam lại không có nhiều định kiến xấu như chơi game?”.
Như vậy Mobile Game có mặt tốt, có mặt xấu, có cả lợi và có cả hại, nhưng tác hại của Mobile Game chưa chắc đã nhiều bằng tác hại của rượu, bia, thuốc lá; số người chết vì nghiện game chắc chắc thấp hơn hàng trăm lần số người chết vì nghiện rượu, bia, thuốc lá (chết vì tai nạn giao thông, đánh nhau, đột quỵ, bệnh gan, bệnh dạ dày, bệnh phổi do sử dụng bia, rượu, thuốc lá), số gia đình lục đục vì chơi game chắc chắn ít hơn rất nhiều lần số gia đình lục đục vì nghiện rượu, bia.
Phải chăng vì uống rượu, bia, hút thuốc lá toàn là người lớn cả, còn chơi game phần lớn là học sinh, sinh viên, người trẻ tuổi, chưa làm ra tiền, thế là người lớn chúng ta lấy suy nghĩ của mình áp đặt cho người trẻ, lấy quyền của mình phán xét chơi game là xấu, là có hại và cấm người trẻ chơi game.
Cùng là tệ nạn mà rượu, bia, thuốc lá có cả tổng công ty, rất nhiều công ty hoạt động công khai dăm bẩy chục năm nay còn các công ty game thì hoạt động trong âm thầm mặc dù mỗi năm mang lại cho đất nước cả tỷ USD ngoại tệ, còn rượu bia, thuốc lá thì tốn cả tỷ USD ngoại tệ để nhập về.
Rõ ràng mobile game đang bị nhìn sai lệch và đối xử không công bằng.
Tác giả: Đỗ Cao Bảo - Phó chủ tịch HDQT FPT