Diễn mà giả quá thì vô hình chung bạn tự chăm điều khó, tự làm cho khán giả thay vì tin tưởng thì đâm ra nghi ngờ mình. Còn khi diễn thật, vì chia sẻ sự thật, nhưng có kỹ năng sân khấu nên chia sẻ sự thật đó một cách đi vào lòng người hơn, được yêu thích và ủng hộ hơn. Vậy, thay vì học diễn giả, nghĩ là các bạn nên xem lại sự không hiệu quả của nó, và học cách diễn thật. Sau đây là vài điều chia sẻ từ trải nghiệm thực tế của cá nhân.

ky-nang-trinh-bay-hieu-qua-1666137765.jpeg
 

Hiểu khán giả của mình là ai và xây dựng bài trình bày theo cách tiếp nhận của họ

Tôi hay hỏi, có bao nhiêu cách để trình bày một vấn đề? Câu trả lời là vô giới hạn cách. Mỗi khi chúng ta đối diện với một đối tượng khác nhau, bài trình bày của chúng ta phải được chuẩn bị khác nha. Tại sao ư? Vì mỗi người là một bản thể độc lập, hoàn toàn khác nhau, có cách học, cách tiếp nhận thông tin khác nhau. Có người thích đọc. Có người thích hình ảnh, có người thích động tay động chân. Có người thích đủ thứ. Cảm xúc cũng vậy. Có người thích logic, khoa học, gãy gọn. Có người thích con người, câu chuyện có dẫn dắt, có đầu có đuôi. Có người thích hành trình. Có người quan tâm đích đến, vv. Cho nên, trước khi xây dựng bài trình bày, mình cần tìm hiểu người nghe là ai, họ muốn nghe gì, họ đề cao điều gì, họ có cảm tình với chất liệu gì…. Không có 1 bài nói cho tất cả mọi người, quên đi. Phải tư duy đủ về người nghe, và thiết kế bài trình bày của mình theo cách nghe, cách tiếp nhận và xử lý thông tin của họ thì bài nói của mình mới có hiệu quả.

Hiểu bản thân

Vấn đề chưa bao giờ là nói. Bạn nên nhớ là, chỉ có đâu đó khoảng 30% giao tiếp của con người là qua lời nói. 70% còn lại là giao tiếp vô ngôn, hay nói cách khác là qua biểu hiện, cử chỉ, sắc mặt, vv. Khi con người nói thật, toàn bộ các biểu hiện khác của cơ thể, tức là ngôn ngữ không lời sẽ vận hành theo hệ thống một cách rất tự nhiên, thoải mái. Ngược lại, khi cố nói quá, nói sai, thổi phồng sự thật thì thần thái, biểu hiện, sắc mặt không đồng bộ, miệng nói vậy nhưng mắt đảo láo liên không đúng vậy chẳng hạn, dễ làm cho khán giả nghi ngờ, đặt dấu chấm hỏi, thậm chí thấy làm quá thì đâm ra phản cảm. Đó là phản ứng đương nhiên của con người khi thấy ai đó “tỏ vẻ”.

Ngoài ra, khi đối diện với những người có tầm hơn, có trải nghiệm, EI - trí thông minh cảm xúc cao, họ có khả năng quan sát rất tinh vi, có khả năng độc vị cực kỳ chuẩn, nên sẽ dễ dàng nhận ra sự không đồng bộ trong lời nói và giao tiếp vô ngôn của bạn. Bên cạnh đó, khả năng và kinh nghiệm của họ trong chuyên môn và cuộc sống khiến họ xử lý thông tin rất nhanh, logic, khoa học và tìm ra những điểm không khớp cực nhanh khi bạn trình bày. Cả hai điều này đều mang đến một kết quả như nhau, là họ không tin, không ủng hộ, không muốn hỗ trợ bạn. Nếu việc chia sẻ của bạn là cơ hội để xây dựng quan hệ với những nhân vật có thể trở thành mentor, người ủng hộ, người dẫn dắt, hay thậm chí là nhà đầu tư cho bạn, thì việc bạn tự tố cáo mình không trung thực trên sân khấu đã là thiệt hại quá lớn cho bản thân. Cho nên, đừng múa rìu qua mắt thợ. Đừng cố lập lờ thông tin. Đừng ra sức biến không thành có hay ngược lại. Sự thật mãi mãi sẽ là sự thật. Sự thật được soi rọi một cách khiêm tốn, đúng bản chất của nó thật ra sẽ mang lại Đức mạnh ghê gớm hơn rất nhiều. Bạn không cần phải diễn, chỉ tạo điều kiện cho thông tin thật, câu chuyện thật, cảm xúc thật được thể hiện, thế là xong. Đâu có diễn sâu diễn lố làm cho cho mệt.

Không cần nói nhiều, nên nói đúng trọng tâm

Một trong những cách tiếp cận thiếu hiểu biết của các bạn trẻ là kể lể, có bao nhiêu mang lên kể hết trên sân khấu. Một là bạn chẳng bao giờ có đủ thời gian để kể, trừ phi người ta đã quan tâm và mong muốn dành cho bạn nhiều thời gian riêng tư hơn. Hai là kể dài dòng thì sẽ mất trọng tâm, lan man, mà span of attention - khung chú ý hay thời gian có thể tập trung của con người cực kỳ ngắn. Do đó, khi bạn bắt đầu lan man thì người ta bắt đầu chán, mất tập trung, và bực mình. Thành ra, phải hiểu khán giả của mình muốn biết điều gì, rồi tập trung vào đó. Cái gì quan trọng thì phải mang ra nói trước, nói súc tích, rõ ràng, minh bạch, dễ hiểu nhất có thể cho người ta hiểu được ý chính. Sau đó muốn giải thích gì thêm thì giải thích sau, nhưng cũng giải thích ngắn gọn thôi. Ai quan tâm sẽ đào sâu tìm hiểu thêm. Đừng có dẫn người ta qua 36 phố phường, lòng vòng một hồi như cái mê cung mà vẫn không hiểu bạn muốn nói điều gì, ý gì, để làm gì….

Nhưng cũng đừng chỉ duyệt binh rập rập không chút cảm xúc nào. Nói ý chính xong có thể kể câu chuyện hay trải nghiệm bản thân liên quan để thổi hồn cảm xúc vào đó. Từ khoá là chữ “liên quan” nha. Đừng mang râu ông này cắm cằm bà kia không ai hiểu bạn muốn nói gì. Ngoài ra, nên lưu ý nếu đã kể chuyện thì phải kể câu chuyện thật, là trải nghiệm cá nhân của bản thân, với cảm xúc thật của chính mình. Đừng bịa ra hay vẽ vời câu chuyện khiến cho cảm xúc mang sắc màu giả tạo. Bạn không fake được cảm xúc đâu. Nó sẽ phản bội bạn, vì không ai control được hết mọi biểu hiện vô ngôn của bản thân, đặc biệt là khi nó fake.

Cuối cùng, chỉ cần học cách làm quen và thở được trên sân khấu. Trình bày hiệu quả không khó. Che dấu sự thiếu chân thành mới khó. Cứ chân thành, chính trực, mang sự thật ra chia sẻ thì ai mà chẳng thích, chẳng đồng cảm, ủng hộ? Đâu cần phải bày binh bố trận làm gì. Vậy nha. Chúc các bạn trẻ sẽ chuẩn bị và trình bày hiệu quả hơn vì được là chính mình, kể câu chuyện của chính mình, nói những điều mà bản thân thật tình trải nghiệm….

www.nguyenphivan.com/post