Đại dịch Covid-19 xảy ra khiến cho nền kinh tế gần như đóng băng. Ngành xây dựng, vật liệu xây dựng không tránh khỏi tình trạng thiếu việc, giảm doanh thu. Thế nhưng ông chủ Hòa Phát Trần Đình Long vẫn đặt tham vọng vượt Formosa trở thành công ty thép lớn nhất Việt Nam. Và một trong những chiến lược trong thời gian tới của Hòa Phát là tăng sản lượng sắt thép bằng cách bán cho những dự án đầu tư công, đẩy mạnh mảng chăn nuôi heo, bò gà...
Là doanh nghiệp tư nhân đầu đàn trong lĩnh vực thép, CTCP Tập đoàn Hòa Phát được giới phân tích đánh giá là sẽ chịu ảnh hưởng không nhỏ và chắc chắn doanh thu cũng như lợi nhuận sẽ đi xuống. Cùng với dự báo này, giá cổ phiếu HPG đã lao dốc xuống sát 16.000 đồng/cp.
Như để chứng minh điều ngược lại, ông Trần Vũ Minh - con trai Chủ tịch HĐQT Hòa Phát Trần Đình Long đã liên tục mua vào cổ phiếu HPG. Trong giai đoạn 17/3-23/3, ông Minh chi không dưới 340 tỷ đồng để mua vào 20 triệu cổ phiếu Hòa Phát. Từ 27/3 đến 24/4, ông Trần Vũ Minh tiếp tục mua vào 20 triệu cổ phiếu Hòa Phát.
Số tiền thiếu gia của chủ tịch Hòa Phát chi ra trong hơn một tháng để gom 40 triệu cổ phiếu trên ước tính trên dưới 700 tỷ đồng.
Và sau đó, doanh nghiệp này đã đưa ra những con số khả quan bất ngờ cho tình hình kinh doanh.
Kết thúc Quý I/2020, doanh thu đạt 19.450 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 2.305 tỷ đồng, tương ứng tăng 28% và 27% so với cùng kỳ 2019.
Thép xây dựng Hòa Phát đã cung cấp cho thị trường trên 732.000 tấn (chưa bao gồm sản lượng phôi thép) chiếm 31,9% thị phần tiêu thụ toàn thị trường, tăng nhẹ so với cùng kỳ.
Riêng xuất khẩu tăng trưởng rất mạnh với cơ hội đến từ thị trường Trung Quốc. Thông tin cho biết, lượng thép thành phẩm xuất khẩu gần 135.000 tấn, tăng 74,8% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, lượng phôi thép Hòa Phát cung cấp cho thị trường đạt khoảng 350.000 tấn, chủ yếu là xuất khẩu cho Trung Quốc, các nước Đông Nam Á.
Theo ông Long, động lực cho kết quả của quý I đến từ chính sách trải rộng của tập đoàn. “Chúng tôi không phụ thuộc vào một vài khách hàng. Quý I tăng trưởng doanh thu nhiều tại bộ phận thép dân dụng và đây là mặt mạnh của công ty”.
Tháng 4/2020, sản lượng thép xây dựng của Hòa Phát đạt 270.000 tấn, tăng 13,8% so với cùng kỳ. Trong đó, sản lượng xuất khẩu tăng 17% so với tháng 4/2019 với hơn 20.000 tấn. Ngoài thép xây dựng thành phẩm, Hòa Phát đã xuất khẩu hơn 180.000 tấn phôi, và thị trường chủ yếu vẫn là Trung Quốc, quốc gia luôn áp đảo ngành thép thế giới. Ngoài Trung Quốc, Các thị trường xuất khẩu trong tháng bao gồm các nước Nhật Bản, Canada, Malaysia, Indonesia, Đài Loan.
Sản lượng bán hàng thép xây dựng tăng trưởng ở cả 3 miền so với cùng kỳ năm 2019, đặc biệt là khu vực phía Nam, tăng trưởng 67,1% với gần 56.000 tấn.
Đối với phôi thép, lượng xuất khẩu phôi thép trong tháng 4 cũng tăng tới 35,5% so với tháng 3/2020 khi đạt gần 183.000 tấn. Thị trường nhập khẩu phôi thép của Hòa Phát chủ yếu là Trung Quốc, Philipines, Thái Lan.
Tính chung cả sản lượng tiêu thụ thép xây dựng thành phẩm và phôi thép, trong tháng 4 vừa qua, Hòa Phát đã cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu hơn 450.000 tấn sản phẩm thép các loại.
Lũy kế 4 tháng đầu năm, Hòa Phát đã cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước trên 530.000 tấn phôi thép. Sản lượng thép xây dựng thành phẩm đạt trên 1 triệu tấn, tăng hơn 7% so với 4 tháng đầu năm 2019. Trong đó, sản lượng lượng thép thành phẩm xuất khẩu là 155.000 tấn, tăng 63,5% so với cùng kỳ.
Tại buổi gặp chuyên viên phân tích chiều 15/5. Chủ tịch HĐQT Trần Đình Long cho biết, sau khi 4 lò cao của Hòa Phát đi vào hoạt động năm 2020, Hòa Phát dự kiến sản xuất 8 triệu tấn thép mỗi năm, vượt Formosa (6 triệu tấn), trở thành công ty thép lớn nhất Việt Nam.
Trong ĐHCĐ sắp tới, Ban điều hành dự kiến sẽ trình cổ đông doanh thu dao động từ 85.000 - 90.000 tỷ đồng và lợi nhuận 9.000 - 10.000 tỷ đồng. Năm 2019, Hòa Phát đạt gần 65.000 tỷ đồng doanh thu và hơn 7.500 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế
Trong kế hoạch năm 2020, doanh thu mảng thép khoảng 70.000 tỷ đồng, sản lượng thép xây dựng dự kiến 3,6 triệu tấn, 800.000 tấn phôi và khoảng 500.000 tấn thép cuộn cán nóng (HRC).
Ông Long nhận định tiêu thụ thép xây dựng năm nay tăng trưởng dương dù có đại dịch. Ngành thép sẽ ít bị ảnh hưởng do các nước tập trung đầu tư công nhiều. Những con đường, những cây cầu, công trình công… do Chính phủ đầu tư xây dựng sẽ là động lực tăng trưởng cho Hòa Phát.
Do Hòa Phát không sử dụng hết phôi thép nên bắt đầu bán sang Trung Quốc.
Xuất khẩu phôi có lãi, dù biên lợi nhuận (margin) không cao như thép thành phẩm. Công ty sẽ tiếp tục tìm kiếm các thị trường để xuất khẩu trên tiêu chí "không bỏ hết trứng vào một giỏ". Ngoài Trung Quốc, công ty xuất khẩu sang các nước Đông Nam Á khác. “Hiện tại, giá thép thành phẩm cao, giá phôi đang thấp. Vì thế, càng sản xuất thép càng có lợi so với làm phôi và bán phôi đi”, ông Long giải thích.
Cảng Hòa Phát Dung Quất hiện thực hiện 85%, tháng 6 này sẽ đón tàu 200.000 tấn đầu tiên. Việc các tàu lớn vào được cảng Hòa Phát Dung Quất giúp công ty có thể mua quặng qua các tàu lớn từ Nam Phi và nhiều nước khác, giúp chi phí quặng có thể giảm xuống.
Một lĩnh vực khác của Hòa Phát đang chứng kiến những kết quả khả quan là nông nghiệp. Hòa Phát tham gia lĩnh vực nông nghiệp từ năm 2015 bao gồm chăn nuôi gia súc, gia cầm và sản xuất thức ăn chăn nuôi thông qua việc thành lập công ty cổ phần phát triển nông nghiệp Hòa Phát có điều lệ 2.500 tỉ đồng. Tính đến cuối năm 2019, công ty này đã tăng vốn điều lệ lên mức 3.100 tỉ đồng.
Sau 4 năm đầu tư, Hòa Phát đưa vào vận hành hai nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi với công suất 600.000 tấn/năm đặt tại Hưng Yên và Đồng Nai. Hòa Phát cũng đẩy mạnh mảng chăn nuôi heo giống, heo thương phẩm đầu tiên với hệ thống trang trại tại Yên Bái, Hòa Bình, Bắc Giang và Bình Phước, bắt đầu cung cấp heo thịt từ năm 2018. Ngoài ra tập đoàn cũng tham gia vào lĩnh vực chăn nuôi bò và gia cầm.
Lĩnh vực nông nghiệp của Hòa Phát đã bắt đầu "cất cánh" từ năm 2019 với doanh thu tăng 172% nhờ mảng chăn nuôi và thức ăn chăn nuôi. Tăng trưởng mạnh mẽ của các mảng chăn nuôi và thức ăn chăn nuôi. Sản lượng tiêu thụ bò Úc chiếm trên 50% thị phần toàn quốc (từ mức 42% năm trước đó); sản lượng trứng gà đạt 450.000 quả/ngày. Đối với lĩnh vực chăn nuôi heo, với hệ thống trại ở cả 2 miền, giá heo hơi trên thị trường tăng mạnh đã góp phần tăng trưởng doanh thu cho mảng chăn nuôi heo của Hòa Phát.
Kế hoạch năm 2020, doanh thu nông nghiệp khoảng 10.000 tỷ đồng và lợi nhuận 1.200 tỷ đồng. Công ty dự kiến tiêu thụ 150.000 bò Úc, khoảng 200.000 lợn và trứng gà 700.000 quả.
Trong quý I, lãi từ lợn chiếm 60%, bò đóng góp 30% còn lại đến từ mảng khác.
Mới đây, Hòa Phát cho biết lô hàng 4.500 con bò Úc sẽ cập cảng tại Việt Nam giữa tháng 5 này, nhằm tăng tính chủ động trong chuỗi chăn nuôi bò thịt. Đây là lô bò đầu tiên Hòa Phát trực tiếp lựa chọn, thu mua giống thông qua công ty con tại Úc thay vì thông qua các đơn vị cung cấp tại nước này như trước nay.
Hòa Phát bắt đầu chăn nuôi bò thịt từ năm 2017 theo hình thức nhập bò từ Úc về các trang trại chăn nuôi tại Việt Nam. Năm ngoái, nhà sản xuất thép số 1 Việt Nam đã thành lập một công ty chuyên thu mua giống bò tại Úc, theo thông cáo: "nhằm đảm bảo đủ nguồn cung cho các trang trại bò của Hòa Phát hiện nay, tiến tới cung cấp cho các đơn vị chăn nuôi khác.”
Đề cập đến mảng bất động sản, Chủ tịch Hòa Phát cho biết mảng này chiếm 1% doanh thu và 3% lợi nhuận trong quý I. Trong tương lai, đóng góp từ mảng này sẽ còn nhỏ hơn, công ty không quá chú trọng vào lĩnh vực này.
Công ty vay dài hạn 20.000 tỷ đồng và ngắn hạn 21.000 tỷ đồng. Trong đó, 5.000 tỷ đồng công ty mẹ vay nước ngoài. Ước tính, vay dài hạn sẽ tăng lên 22.000-23.000 tỷ đồng và vay ngắn hạn 24.000 tỷ đồng vào cuối năm. Tổng vay nợ cuối năm ước tính khoảng 46.000 tỷ đồng. Công ty sẽ có dòng tiền mặt nên vay nợ ròng khoảng 35.000-36.000 tỷ đồng, tỷ lệ vay nợ ròng trên vốn chủ sở hữu khoảng 0,7%. Chi phí lãi vay vào trong năm nay ước tính khoảng 3.000 tỷ đồng.
Khuếch trương nhà máy thép, mở rộng nuôi heo, gà, bò - ông chủ Hòa Phát Trần Đình Long tham vọng vượt Formosa trở thành công ty thép lớn nhất Việt Nam
10:12 16/05/2020