Khi thế giới phải đối mặt với những cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng, ngân hàng trung ương của các nước sẽ liên tục tung ra các gói cứu trợ quy mô lớn nhằm đối phó lại tình hình trên. Mới đây, Fed đã thông báo sẽ liên tục giữ mức lãi suất tiệm cận bằng zero để hỗ trợ cho các nỗ lực khôi phục kinh tế. Như vậy, Fed sẽ không thể giảm lãi suất hơn nữa, và do đó, “tủ thuốc” của NHTW này đã trống rỗng. Vậy khi các chính sách tiền tệ hết hiệu nghiệm thì chính sách tài khóa nào sẽ được lựa chọn?

Quan sát chuỗi thời gian hoạt động của nền kinh tế toàn cầu, từ cuộc Đại Suy thoái giai đoạn 1929-1933 cho đến nay, chúng ta có thể thấy, hầu như tất cả các tình trạng xuống dốc của nền kinh tế đều có nguyên nhân chung là do tổng cầu không đủ lớn. Khi đó các doanh nghiệp không thể bán hết được số lượng hàng hóa và dịch vụ của mình, giá cả sẽ giảm xuống trên quy mô lớn và có khả năng đe dọa chỉ tiêu lạm phát. Tiếp sau đó, các doanh nghiệp nhận thấy thị trường không còn đủ lớn nên sẽ tiến hành cắt giảm sản lượng đầu ra, khiến cho lượng cầu việc làm bị thu hẹp và làm cho tỉ lệ thất nghiệp gia tăng. Chìa khóa để kết thúc thời kỳ suy thoái chính là tái tạo lại tổng cầu đến mức tương thích với mức toàn dụng nhân công trong toàn thị trường lao động. Hiển nhiên, chính sách tiền tệ sẽ là phòng tuyến đầu tiên nhằm chống lại tình trạng xuống dốc kinh tế này.
Gần đây, để đối phó với những hệ lụy của dịch COVID-19 lên nền kinh tế, nhiều ngân hàng trung ương mà dẫn đầu là Fed đã tiến hành cắt giảm lãi suất mạnh tay nhằm tung ra thị trường các gói cứu trợ quy mô lớn để giữ cho nền kinh tế không thêm phần trầm trọng. Mức lãi suất hiện nay của Fed đã tiệm cận bằng zero, tức là không còn đủ room để cơ quan này có thể tiếp tục bơm tiền ra thị trường. Trong nước, Ngân hàng Nhà nước cũng đã thông báo giảm lãi suất điều hành lần thứ 3 trong năm với mục tiêu hỗ trợ nhiều hơn cho nền kinh tế ứng phó trước đại dịch chưa biết hồi kết. Vấn đề quan trọng dài hạn là khi cơ quan hoạch định chính sách tiền tệ phải “bó tay” vì đã dùng hết các “phương thuốc” mà mình sở hữu, Chính phủ sẽ phải ra tay như thế nào bằng các chính sách tài khóa để kích thích nền kinh tế.
Công cụ chính sách tài khóa thường xuyên được sử dụng chính là tăng chi tiêu công của Chính phủ và giảm thuế. Vậy mỗi chính sách có những đặc điểm gì có thể giúp ích cho việc thúc đẩy nền kinh tế.
Tăng chi tiêu công giúp mở rộng ngay tổng cầu
Phân tích của Keynes từng chỉ ra rằng việc gia tăng chi tiêu của Chính phủ là một công cụ mạnh mẽ hơn là giảm thuế. Bởi trong thực tế, khi Chính phủ tiến hành cắt giảm thuế $1 thì dân cư thường có xu hướng tiết kiệm một phần của $1 đó thay vì chi tiêu toàn bộ. Vì họ cho rằng việc giảm thuế chỉ mang tính tạm thời thay vì lâu dài. Một phần của $1 đó đưa vào tiết kiệm thì sẽ không đóng góp được cho tổng cầu. Ngược lại, khi Chính phủ tăng chi tiêu công thêm $1 mua hàng hóa và dịch vụ thì khoản tiền đó ngay lập tức được đưa hoàn toàn vào tổng cầu.
Trong trường hợp cụ thể, vào năm 2009 khi chính quyền Tổng thống Obama đối phó với cuộc Đại Khủng hoảng, các nhà kinh tế của Nhà Trắng đã thực hiện một phép tính toán với kết quả cho ra là việc giảm thuế chỉ làm tăng GDP thêm $0.99 còn thực hiện tăng chi tiêu công thì giúp GDP tăng thêm đến $1.59. Vì vậy, Washington đã thi hành một chính sách tài khóa kích thích kinh tế, trong đó nghiêng về các biện pháp tăng chi tiêu Chính phủ.
Theo thông lệ, các nhà hoạch định chính sách tài khóa thường tập trung vào ba loại chi tiêu lớn nhằm mở rộng tổng cầu: đầu tư vào các cơ sở hạ tầng quy mô lớn, tăng các khoản trợ giúp của trung ương đến địa phương và trợ giúp trực tiếp cho những đối tượng dễ tổn thương của xã hội.
Thứ nhất, việc tăng các khoản đầu tư công vào các công trình lớn hay xây dựng cầu, đường cao tốc,... sẽ cần huy động rất nhiều nhân công để làm việc. Từ đó giải quyết vấn đề việc làm cho những người đang thất nghiệp. Khi những người này có việc làm và nhận được thu nhập, họ sẽ tiến hành chi tiêu. Việc chi tiêu đó sẽ đóng góp ngay vào tổng cầu, giúp mở rộng tổng cầu và kích thích để tổng cung hồi phục. Khi tổng cung hồi phục, tức là các doanh nghiệp có thêm thị trường để sản xuất và kinh doanh, đến lượt nó sẽ tạo thêm việc làm cho nền kinh tế.
Thứ hai, chính quyền trung ương tiến hành tăng các khoản trợ giúp cho các cấp chính quyền địa phương nhằm làm giảm áp lực cân đối ngân sách cho họ. Khi kinh tế khó khăn, nguồn thu ngân sách nội địa cũng giảm sút, một phần trong nguồn thu này các tỉnh cũng sẽ phải điều tiết về trung ương, nên áp lực cân đối ngân sách để chi tiêu trả lương cho công chức, viên chức trên địa bàn cũng gặp phải những khó khăn không nhỏ. Chính phủ bổ sung các khoản trợ giúp cho địa phương để giảm bớt gánh nặng ngân sách cho địa phương, đồng thời, chính quyền các cấp cũng có thêm điều kiện quy hoạch, tổ chức hỗ trợ các đơn vị kinh doanh trong phạm vi quản lý.
Thứ ba, những đối tượng dễ bị tổn thương trong xã hội thường là người nghèo, những người thất nghiệp. Đây là những người chịu áp lực rất lớn về tài chính, nên họ được đánh giá là sẽ chi tiêu ngay thay vì tiết kiệm đối với các khoản hỗ trợ này. Những khoản chi tiêu đó sẽ đóng góp được ngay vào tổng cầu, giúp tăng sản lượng tiêu thụ trên thị trường và nhờ đó tăng cao chỉ tiêu sản xuất của các đơn vị kinh doanh, giúp họ tạo ra nhiều việc làm và giảm tỉ lệ thất nghiệp.
Như vậy, sử dụng công cụ chi tiêu công giúp việc mở rộng tổng cầu nhanh chóng, đáp ứng nhu cầu cấp bách cần giải cứu của nền kinh tế khi chống chịu khủng hoảng.
Giảm thuế giúp tối đa hóa lợi ích của mỗi đồng thu nhập tăng thêm
Việc sử dụng công cụ giảm thuế có thể nói là một truyền thống lâu đời của các Chính phủ - nơi ban hành các chính sách tài khóa của quốc gia. Trong quá khứ ở nước Mỹ, khi Kennedy đắc cử Tổng thống, ông ấy cam kết một giải pháp cắt giảm thuế quy mô lớn mà sau này được người kế nhiệm là Tổng thống Johnson tiếp nối. Hay chính quyền Reagan sau này cũng có những biện pháp giảm thuế quan trọng nhằm kích thích động cơ tăng trưởng của nền kinh tế. Cả hai kế hoạch giảm thuế đó đều mang lại những kết quả hết sức khả quan cho xã hội Mỹ đương thời.
Giảm thuế có ảnh hưởng đáng kể đến cả tổng cung và tổng cầu. Giảm thuế làm tăng tổng cầu thông qua việc làm tăng thêm thu nhập của người lao động và làm tăng lợi nhuận của các đơn vị kinh doanh.
Khi Chính phủ giảm thuế thu nhập và tăng mức giảm trừ gia cảnh, người lao động được giữ lại một tỷ phần lớn hơn trong thu nhập hàng tháng của mình và danh sách các đối tượng được miễn đóng thuế cũng được mở rộng. Nhờ đó, những người thất nghiệp sẽ có động cơ mạnh mẽ hơn để tiếp tục tìm kiếm việc làm và những người đang làm việc sẽ có động cơ mạnh mẽ hơn để làm việc thêm nhiều giờ, tạo thêm nhiều thu nhập. Từ những mức thu nhập tăng thêm đó, thúc đẩy hành vi tiêu dùng gia tăng, làm tăng tổng cầu và kích thích tổng cung, khi đó cả tổng cầu và tổng cung cùng đi lên mà không tạo ra áp lực gia tăng lạm phát, góp phần chống đỡ tốt hơn cho nền kinh tế.
Khi các doanh nghiệp nhận được các mức ưu đãi về thuế suất, họ sẽ tiết kiệm được nhiều chi phí kinh doanh của mình, làm nền tảng để thúc đẩy động cơ gia tăng sản xuất, hoặc ít nhất là duy trì nhịp độ sản xuất để không làm nghiêm trọng thêm gánh nặng thất nghiệp của xã hội. Điển hình, Bộ Tài chính đã điều chỉnh xuống đối với các mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay và thuế VAT. Tuy động thái này sẽ dẫn đến tổng số thu thuế bảo vệ môi trường sẽ giảm khoảng 72 - 81 tỷ đồng/tháng nhưng việc giảm thuế như vậy được kỳ vọng là sẽ góp phần giúp các doanh nghiệp vận tải hàng không giảm bớt gánh nặng tài chính, duy trì hoạt động kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19 trên thế giới vẫn còn đang diễn biến phức tạp và khó lường, thời gian hạn chế nhập cảnh được dự báo vẫn còn kéo dài.
Điều đáng quan tâm là có một vài ý kiến được viện dẫn để ủng hộ cho lựa chọn thực hiện các bước đi giảm thuế của Chính phủ bởi họ cho rằng không thể biết chắc được liệu Chính phủ có thể chi tiêu ngân sách một cách khôn ngoan hay không. Khi khủng hoảng xảy ra và áp lực giải quyết mớ hỗn động đó ngày càng lớn khiến Chính phủ nhận thấy mình cần phải có ngay những quyết định nhanh chóng. Vì thế, Chính phủ dễ rơi vào trường hợp tăng chi tiêu công một cách vội vàng và kết thúc bằng việc mua sắm hoặc đầu tư hàng loạt những vào thứ có thể mang lại giá trị kinh tế thấp. Dù đúng là việc này có tác dụng ngay lập tức mở rộng tổng cầu và làm giảm sức nóng của cơn khủng hoảng, tuy nhiên, những hệ lụy tương lai khi những khoản đầu tư và chi tiêu không mang lại hiệu quả, gánh nặng thâm hụt ngân sách sẽ lại là mối đe dọa khác lên nền kinh tế quốc gia.
Giảm thuế có lợi thế là thúc đẩy cho các quyết định chi tiêu phi tập trung. Khi người lao động có thêm thu nhập hoặc các doanh nghiệp nhận được thêm lợi nhuận. Họ sẽ không chi tiêu hoặc đầu tư vào những món đồ hoặc dự án mà không mang lại lợi ích gì cho mình. Do đó, việc chi tiêu khi diễn ra, sẽ bảo đảm cả tính hiệu quả tương lai của các gói kích thích kinh tế thông qua giảm thuế này. Tuy việc giảm thuế có độ trễ chính sách, do đó không thể mở rộng tổng cầu được ngay, nhưng khi quá trình này diễn ra, nó đảm bảo từng đồng tiền được sử dụng luôn mang lại lợi ích thích đáng.
Vậy Chính phủ nên lựa chọn công cụ tài khóa nào?
Xét về bình diện tổng thể, các hai công cụ tài khóa đều mang những đặc điểm thuận lợi riêng, tuy nhiên, câu trả lời tốt nhất trong mọi hoàn cảnh trước hết phải là đừng phung phí các chính sách tiền tệ. Khi tình huống xấu xảy ra buộc Chính phủ phải đóng vai trò quyết định duy nhất, việc cân nhắc các bước đi phù hợp luôn là bài toán khó của các nhà hoạch định chính sách.
Trong trường hợp thú vị chúng ta đang nêu ra, nếu chính sách tiền tệ hết hiệu nghiệm thì việc kết hợp thật khéo léo cả hai công cụ tài khóa này sẽ là đáp án tốt nhất cho bài toán này. Chính phủ cần phải làm rõ và quy hoạch chi tiết, cụ thể những đối tượng cần áo dụng chính sách hỗ trợ trực tiếp và đối tượng nào sẽ thông qua việc giảm thuế để tăng thêm thu nhập.
Ví dụ đối với các tập đoàn lớn, những doanh nghiệp có khả năng tài chính vượt trội, cơ quan hành chính cao nhất cần có các biện pháp hỗ trợ thiên về cắt giảm thuế, để giúp họ giữ lại nhiều hơn phần lợi nhuận thu được, củng cố cho sức khỏe nội tại của doanh nghiệp để tiếp tục kinh doanh. Đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, cần có các giải pháp thiên về hỗ trợ bằng các gói cung cấp vốn trực tiếp, bởi đây là những doanh nghiệp có sức đề kháng yếu hơn, rất cần ngay các dòng vốn bổ sung để đáp ứng ngay các nhiệm vụ chi khi mà nguồn doanh thu hiện tại còn rất eo hẹp do anh hưởng của đại dịch.
Tương tự đối với những người đang có việc làm ổn định với mức thu nhập tương đối, cần có các biện pháp thiên về giảm thuế thu nhập và các loại thuế có liên quan. Còn đối với những người thất nghiệp hoặc có mức thu nhập thấp thì cần “phát thẳng tiền cho họ” bởi nhu cầu chi tiêu luôn thường trực hàng ngày cho nhu cầu sống tối thiểu.
Tóm lại, không cần đợi đến lúc ngân hàng trung ương hầu như không còn khả năng cứu vãn nền kinh tế thì Chính phủ mới can thiệp mà sự can thiệp này cần tích cực ngay từ đầu. Đồng thời, Chính phủ cần có sự định hình rõ trọng tâm, trọng điểm của các công cụ tài khóa trong hỗ trợ từng loại đối tượng để tối đa hóa hiệu quả chính sách và tiết kiệm nguồn lực quốc gia.