Tại Việt Nam, ông Đỗ Quang Hiển (bầu Hiển) – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn T&T, Chủ tịch Ngân hàng SHB; ông Trần Đình Long -  Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát; hay ông Nguyễn Đức Vinh - Tổng giám đốc của ngân hàng VPBank, ông Nguyễn Tiến Dũng (thường được gọi là Dũng Gami) - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Quốc dân NCB… là những “đại gia” nức tiếng.
Gần đây, con trai các đại gia này bắt đầu lộ diện trên sàn chứng khoán với việc chi hàng trăm, nghìn tỷ đồng để mua cổ phiếu của công ty bố.
Cùng với độ nóng hiện tại của cổ phiếu Hòa Phát thì không thể không nhắc đến câu chuyện mua cổ phiếu của ông Trần Vũ Minh - Con trai ông Trần Đình Long, hiện đang là Giám đốc công ty TNHH Thương mại và đầu tư Đại Phong.
Giữa tháng 3, khi các nhà đầu tư nước ngoài bán hàng triệu cổ phiếu Hòa Phát, ông Trần Vũ Minh đã mua vào 20 triệu cổ phiếu theo phương thức khớp lệnh trên sàn.
Sau giao dịch, giá cổ phiếu tiếp tục giảm và Trần Vũ Minh lại tiếp tục mua vào 20 triệu cổ phiếu, nâng số lượng nắm giữ lên 40 triệu cổ phiếu. Trong chưa đầy 2 tháng, ông Trần Vũ Minh đã mua vào 40 triệu cổ phiếu Hòa Phát với số tiền chi ra trên 700 tỷ đồng.
Và với kết quả kinh doanh khả quan bất ngờ trong quý 1, giá cổ phiếu Hòa Phát đã đảo chiều tăng điểm mạnh mẽ, mang lại khoản lãi hơn 140 tỷ đồng cho con trai ông Trần Đình Long.
Năm 2019, Hòa Phát đạt gần 65.000 tỷ đồng doanh thu và hơn 7.500 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Thông tin mới công bố, kết thúc Quý I/2020, doanh thu của Hòa Phát đạt 19.450 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 2.305 tỷ đồng, tương ứng tăng 28% và 27% so với cùng kỳ 2019.
Tại buổi gặp chuyên viên phân tích chiều 15/5. Chủ tịch HĐQT Trần Đình Long cho biết, sau khi 4 lò cao của Hòa Phát đi vào hoạt động năm 2020, Hòa Phát dự kiến sản xuất 8 triệu tấn thép mỗi năm, vượt Formosa (6 triệu tấn), trở thành công ty thép lớn nhất Việt Nam.
Trong ĐHCĐ sắp tới, Ban điều hành dự kiến sẽ trình cổ đông doanh thu dao động từ 85.000 – 90.000 tỷ đồng và lợi nhuận 9.000 – 10.000 tỷ đồng.
Gây sốt nhất trên thị trường chứng khoán phải là Đỗ Vinh Quang – con trai thứ 2 của bầu Hiển. Ông Đỗ Vinh Quang sinh năm 1995, vừa được bổ nhiệm làm Chủ tịch CLB Bóng đá Hà Nội (Hà Nội FC), trở thành vị Chủ tịch CLB trẻ nhất trong lịch sử bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam.
Trong khoảng thời gian từ 15/1 đến 3/2/2020, ông Đỗ Vinh Quang mua vào 35,9 triệu cổ phiếu SHB theo phương thức khớp lệnh trên sàn. Với thị giá cổ phiếu SHB trong khoảng thời gian đó dao động quanh mức 7.500 đồng/cp (trước điều chỉnh), số tiền mà ông Quang chi ra khoảng 270 tỷ đồng.
Ngày hoàn tất giao dịch của ông Đỗ Vinh Quang cũng là ngày giao dịch không hưởng quyền (4/2) nhận cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 20,9% và chào bán ưu đãi tỷ lệ 4:1 với giá bằng mệnh giá.
Sau khi ông Quang mua vào, SHB đã tăng bất chấp sự lao dốc của thị trường chung. Liên tục từ cuối tháng 2, cổ phiếu này tăng một mạch lên gần 18.000 đồng/cổ phiếu. So với thời điểm ông Đỗ Vinh Quang hoàn tất mua vào, SHB đã tăng tăng 170% (tính giá giá điều chỉnh). So với đầu năm thì cổ phiếu này tăng tới 230%.
Điều đó tương đương với việc lượng cổ phiếu mà thiếu gia sinh năm 1995 đang nắm giữ - bao gồm cả số cổ trả cổ tức – có trị giá 770 tỷ đồng, tăng 500 tỷ so với thời điểm mua.
Tuy nhiên, trong 1 tháng nay, cổ phiếu SHB diễn biến đi xuống và giảm sàn 2 phiên gần nhất.
Năm 2019, SHB đạt 2.418 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế - tăng 47% so với năm 2018. Do ảnh hưởng của Covid-19, SHB dự kiến tiết giảm chi phí kinh doanh và chi phí hoạt động, điều chỉnh lại kế hoạch kinh doanh hạ lợi nhuận năm 2020 với mức giảm tối thiểu 1.000 tỷ đồng.
Đồng thời các cấp lãnh đạo HĐQT, Ban Điều hành và cán bộ quản lý cấp cao của ngân hàng đã tự nguyện giảm lương 50% cho đến khi công bố hết dịch, các cấp quản lý toàn hệ thống từ cấp Phó phòng trở lên (và các chức danh tương đương) giảm 10-30% tùy theo mức thu nhập.
Cuối tuần qua, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank - VPB) thông báo kết quả giao dịch cổ phiếu của ông Nguyễn Đức Giang - con trai ông Nguyễn Đức Vinh - Tổng Giám đốc ngân hàng.
Theo đó, ông Giang đã mua được 10 triệu cổ phiếu trong tổng đăng ký mua 12 triệu cổ phiếu. Ước tính, ông Giang đã bỏ ra 190 tỷ đến 240 tỷ đồng để thực hiện giao dịch. Trước đó, ông Nguyễn Đức Giang chưa sở hữu cổ phiếu nào của VPBank.
Đóng cửa phiên giao dịch 15/5, giá cổ phiếu VPB đạt 23.850 đồng/cp. Cổ phiếu VPB bắt đầu bật tăng mạnh kể từ đầu tháng 4 đến nay sau thông tin về kế hoạch mua 122 triệu cổ phiếu quỹ và giảm tỉ lệ sở hữu nước ngoài tại VPBank từ mức 22,77% xuống 15%.
Trước đó, vào cuối tháng 2, một thiếu gia khác trong lĩnh vực ngân hàng là ông Nguyễn Trần Trung Sơn, con trai ông Nguyễn Tiến Dũng, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Quốc Dân NCB. Ông Sơn đã mua vào 8,01 triệu cổ phiếu NVB của Ngân hàng Quốc dân, nâng lượng sở hữu cổ phiếu NVB lên 9,16 triệu đơn vị tương ứng tỷ lệ 2,25%. Giao dịch thực hiện ngày 24 đến 25/2/2020.
Với giá thỏa thuận bình quân 8.217 đồng/cổ phiếu, ông Trung Sơn chi khoảng 66 tỷ đồng để mua số cổ phiếu trên. Hiện tại, giá cổ phiếu NVB vẫn loanh quanh dưới 8.000 đồng/cp.
Việc mua cổ phiếu của ông Sơn được thực hiện ngay sau khi kế hoạch tăng vốn của NCB được thông qua.
Ngoài các thiếu gia nói trên thì một thiếu gia ngành xây dựng là ông Lê Viết Hiếu - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình, con trai ông Lê Viết Hải – Chủ tịch kiêm TGĐ của Hòa Bình cũng liên tục mua vào cổ phiếu HBC.
Sau khi chỉ mua 930.000 cổ phiếu trong số 5 triệu cổ phiếu đăng ký do chưa đạt được thỏa thuận, ông Hiếu đăng ký mua tiếp 4 triệu cổ phiếu qua phương thức khớp lệnh hoặc thỏa thuận từ ngày 7/5 đến 5/6.
Tuy nhiên, dù được cả thiếu gia và hàng loạt lãnh đạo đăng ký mua vào nhưng giá cổ phiếu HBC chưa có những biến động tích cực, hiện vẫn giao dịch quanh mức 8.000 đồng/cp.
Năm 2019 Xây dựng Hòa Bình đạt 18.610 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 1,7% so với năm trước đó và lợi nhuận sau thuế đạt 406 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt 417 tỷ đồng, giảm mạnh so với năm trước. Công ty vừa quyết định thông qua kế hoạch doanh thu, lợi nhuận năm 2020 với tổng doanh thu 12.500 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 125 tỷ đồng.