CellphoneS – chuỗi cửa hàng bán lẻ điện thoại quen thuộc với người dùng Việt gần đây gây bất ngờ khi trở thành đại lý bán lẻ chính thức của Apple dù trước đó chỉ toàn bán hàng xách tay.

Những thương hiệu ít tên tuổi như Di Động Việt hay Minh Tuấn Mobile cũng tự thông tin mình là đại lý bán hàng chính hãng của Apple từ năm ngoái đến nay.

Thị trường hàng xách tay chứng kiến sự mở rộng mạnh mẽ khi FPT Studio không còn đơn vị uỷ quyền duy nhất của Apple. Thế Giới Di Động sau nhiều năm chỉ nhập hàng chính hãng về bán thì cũng đã tự nâng cấp trở thành đại lý uỷ quyền tương tự thông qua sự ra mắt của chuỗi cửa hàng TopZone.

Hàng xách tay kinh doanh giảm sút

Trong khi đó, các cửa hàng đang kinh doanh mặt hàng xách tay hiện tại lại nhiều khó khăn để tiếp tục duy trì hoạt động. Một nhân viên tại iShop, cửa hàng nổi tiếng các mặt hàng Apple xách tay cho biết kể từ khi đại dịch xảy ra, họ hầu như không thể nhập hàng về bán nữa, và cũng ít người mua hơn hẳn so với mọi năm. Họ cũng có giảm giá nhưng tình hình không khả quan.

Với dòng iPhone 13 series, các cửa hàng xách tay cũng đã mạnh tay giảm giá. Chẳng hạn như, iPhone 13 Pro giảm thêm 1 triệu so tuần trước, xuống còn 26,59 triệu đồng. Bản cao cấp nhất 13 Pro Max 1 TB giảm 6 triệu và hiện có giá 43,9 triệu đồng, rẻ hơn hàng chính hãng khoảng một triệu đồng. iPhone 13 Pro phiên bản Mỹ giảm 1 triệu đồng, còn xấp xỉ 35 triệu đồng.

ip13-xt-16346380418541891940893-1636625905.jpg

Sự ế ẩm này lại có phần trái ngược với nhu cầu các sản phẩm iPhone 13 series tăng vọt gần đây. Theo quan sát, các sản phẩm hiện đang ở tình trạng “cháy hàng” tại Việt Nam. Vào cuối tháng 10, FPT cho biết hãng đã nhập thêm 10.000 máy để “giải toả cơn sốt hàng” và liên tục nhập thêm trong tháng 10 và tháng 11.

Trước khi đại dịch xảy ra, các mặt hàng chính hãng chỉ chiếm 40% trong tổng số sản phẩm Apple được bán ra trong thị trường nội địa. Điều đó có nghĩa là hàng xách tay chiếm đến 60% thị phần phân khúc mặt hàng đến từ nhà Táo.

Theo một số nguồn tin, vào năm 2019 có khoảng 1 triệu chiếc iPhone chính hãng được bán tại Việt Nam trong khi đó số lượng hàng bán theo dạng không chính ngạch lên đến 1,2-1,3 triệu máy – đồng nghĩa tỷ lệ máy xách tay vẫn cao hơn chính hãng.

Kể từ năm 2019 trở về trước, giá hàng xách tay thường ít hơn từ 5-6 triệu đồng so với hàng chính hãng, và cũng được cung cấp nhiều dịch vụ chăm sóc bảo hành tương tự như ở Thế Giới Di Động hay FPT. Chính vì vậy, nhiều người tiêu dùng thời điểm đó chuộng hàng xách tay hơn hẳn.

Nhưng bây giờ sự việc đã khác. Giá cả hàng xách tay và hàng chính hãng chỉ chênh lệch ở mức 1-2 triệu. Và việc chỉ bỏ thêm 1-2 triệu để được sử dụng hàng chính hãng đã trở thành tâm lý tiêu dùng phổ biến của một bộ phận người dùng Việt hiện nay.

Gặp khó vì quy định

Nghị định 98/2020 NĐ-CP có hiệu lực vào tháng 10/2020 đã quy định các hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và cá nhân kinh doanh hàng nhập lậu phải chịu mức phạt 500.000 đồng đến 50 triệu đồng tuỳ theo giá trị của từng loại hàng. Đối với tổ chức vi phạm, mức phạt có thể tăng gấp đôi.

Nghị định cũng nêu rõ sẽ xử phạt các hàng hoá không có giấy phép nhập khẩu, không đi qua cửa khẩu quy định và không làm thủ tục hải quan. Hàng hoá nhập khẩu lưu thông trên thị trường không có hoá đơn, chứng từ kèm theo hoặc hoá đơn chứng từ không hợp pháp cũng nằm trong diện bị xử phạt.

Ngay sau đó, COVID-19 tái bùng phát đã đẩy nhanh quá trình này. Trong 2 năm qua, lượng iPhone xách tay về nước đã ở mức cực kỳ thấp, ước tính bằng khoảng 1/10 so với thông thường. Hàng ít, nhu cầu cao khiến giá iPhone xách tay tăng vọt dù đã về nước cả tháng.

Từ khi có nghị định này, mỗi chiếc iPhone xách tay về Việt Nam cần phải khai báo và nộp thuế đầy đủ. Như vậy thì giá cả bỏ ra rất cao, cũng ngang với giá chính hãng. Còn nếu không làm đúng luật thì phải phạt số tiền rất lớn và vi phạm pháp luật", một chủ cửa hàng kinh danh iPhone tại Hà Nội chia sẻ.

Apple quyết tâm dẹp hàng xách tay tại Việt Nam

monostore-1634638595472800715952-1636625811.jpg

Chính sách của Apple dành cho các hệ thống bán lẻ chính hãng cũng là một nguyên nhân kìm hãm đà kinh doanh của các mặt hàng xách tay. Nếu như trước đây, Apple gần như không có bất cứ động thái hỗ trợ nào cho thị trường Việt Nam khiến nhà bán lẻ phải nhập hàng với giá cao về để bán thì gần đây, hãng quan tâm đến thị trường nhiều hơn, cấp chiết khấu cho nhà bán lẻ cũng như các chính sách hỗ trợ bán hàng, cho phép đại lý nhập hàng giá tốt, tung nhiều chương trình giảm giá để kích cầu mua sắm. Từ đó, iPhone chính hãng tại Việt Nam đang có giá bán ngày càng tốt, khuyến mại nhiều.

Số điểm bán nhiều lên, giá rẻ đi, chương trình khuyến mại cho khách hàng nhiều hơn, hàng về sớm – iPhone chính hãng đang khiến cho mọi ưu thế cạnh tranh của máy xách tay bị triệt tiêu. Tất nhiên, nếu không có "chất xúc tác" là đại dịch Covid-19, quá trình này sẽ diễn ra chậm hơn và khó khăn hơn.

Sở dĩ có sự quan tâm ưu ái này là vì Việt Nam là một trong những thị trường tiêu thụ nhiều sản phẩm Apple nhất, thậm chí dẫn đầu trong khu vực, vượt cả Thái Lan.