IKEA là tập đoàn quốc tế Thụy Điển nổi tiếng với thương hiệu nội thất hàng đầu thế giới. Năm 2019, doanh thu đạt 45,5 tỷ USD và hiện đang có hơn 430 cửa hàng tại 52 thị trường trên khắp châu Âu, Bắc Mỹ, Trung Đông, châu Á và Úc với hơn 200 nghìn nhân viên. Đằng sau sự thành công của IKEA như hiện nay, chẳng phải ai khác chính là người đàn ông mang tên Ingvar Kamprad - “cậu bé bán diêm” ngoài đời thực. 

Khởi nguồn câu chuyện khởi nghiệp của Ingvar Kamprad

Ingvar Kamprad sinh ra tại Kronobergs län, tỉnh Småland, Thụy Sĩ năm 1943, mất năm 2018. Ông là một trong những tỷ phú tự thân giàu có nhất thế giới, cũng chính là người sáng lập ra IKEA - tập đoàn sở hữu chuỗi cửa hàng nội thất lớn nhất thế giới với lịch sử hơn 70 năm.
Chẳng phải ngẫu nhiên mà ông có tài kinh doanh hơn người bởi gia đình ông nổi tiếng với truyền thống kinh doanh lâu đời. Ông nội của Ingvar Kamprad là người Đức di dân, sở hữu nông trường trồng cây gỗ lớn nhất trong vùng. Ông ngoại của Kamprad lại là thương gia giàu có, kinh doanh đất đai và nông trường. Có thể do chịu sự ảnh hưởng từ gia đình, mẹ của ông Kamprad cũng rất giỏi kinh doanh, bà cho khách du lịch thuê nông trường của gia đình vào mùa hè, thu về được một khoản không nhỏ.
Bởi vậy, mà ông đã có tài kinh doanh thiên phú từ hồi nhỏ. Ông bắt đầu kinh doanh từ hồi 5 tuổi với những thứ rất đơn giản như: bán diêm, bán cá, đồ trang trí dịp Giáng Sinh, hạt giống các loại, bút bi và bút chì,....
Và câu chuyện khởi nghiệp của ông thực sự bắt đầu vào năm 17 tuổi, khi ông vay một ít tiền từ bố để khởi nghiệp công ty IKEA. Ban đầu, IKEA đơn thuần là công ty tại nhà, giao hàng qua bưu điện, không có cửa hàng. IKEA bán bất cứ món hàng nào mà ông Kamprad nghĩ là có thể thu hút được khách hàng. Những thứ mà IKEA từng kinh doanh có bút chì, ví, khung hình, đồng hồ đeo tay, nữ trang, vớ ni lông v.v…
Nhưng những ý tưởng không chỉ dừng lại ở đó, vào năm 1950, ông lại nảy ra ý tưởng về đồ nội thất có thể lắp ráp được, đây chính là “vũ khí bí mật” cho sự thành công của IKEA. Và trong suốt bảy thập kỷ đó, Kamprad đã biến thương hiệu hãng nội thất IKEA trở thành nhà bán lẻ nội thất lớn nhất thế giới. 
Đến năm 1951, ông Kamprad quyết định dừng việc bán những sản phẩm khác, tập trung sản xuất và kinh doanh đồ nội thất giá rẻ. Cùng năm đó, IKEA đã phát hành catalogue sản phẩm đầu tiên. Hai năm sau, ông mua lại cửa hàng gỗ Älmhult và biến nó thành phòng trưng bày đồ nội thất. Năm 1955 đã xuất hiện bao bì thô theo ý tưởng của nhà thiết kế Gillis Lundgren. Năm 1955, IKEA đã bắt đầu kinh doanh đồ nội thất tự thiết kế.
Năm 1958, ông Kamprad mở cửa hàng bán lẻ đầu tiên ở thành phố Almhult gần đó, cửa hàng đồ nội thất rộng 6.700 m2 này trở thành cửa hàng trưng bày đồ nội thất lớn nhất Bắc Âu lúc bấy giờ của IKEA, cũng là mẫu chuỗi cửa hàng "kiểu kho" và đây chính là trụ sở của công ty IKEA.
Năm 1963, ông Kamprad mở cửa hàng bên ngoài Thụy Điển đầu tiên ở thủ đô Oslo của Na Uy. Từ đó cho đến hiện nay, quy mô của IKEA luôn không ngừng mở rộng trên toàn thế giới.
Triết lý của Ingvar Kamprad - Điều làm nên thành công của IKEA 

Để IKEA có được sự thành công như ngày hôm nay, Ingvar Kamprad - nhà sáng lập IKEA luôn theo đuổi “giá trị cốt lõi” của sản phẩm. Nhắc đến các sản phẩm của IKEA, có lẽ người tiêu dùng nghĩ ngay đến sản phẩm có thiết kế bắt mắt, thân thiện với môi trường, cộng với mức giá thành vô cùng hợp lý và đi kèm với những chương trình khuyến mãi độc đáo, nhưng điều làm nên sự đặc biệt của IKEA chính là cách họ truyền “phong cách sống” thông qua các sản phẩm của mình. 
Bởi vậy, mà Kamprad đã từng nói rằng: “Hãy làm cuộc sống tốt đẹp hơn từng ngày từng ngày cho tất cả mọi người” - đây cũng là tầm nhìn của IKEA cho đến ngày hôm nay. 
Cụ thể hơn, Kamprad đã giải thích thế này: “Ở tất cả các quốc gia và hệ thống xã hội, Đông cũng như Tây, một lượng lớn nguồn lực không phù hợp chỉ phục vụ một nhóm nhỏ người. Trong kinh doanh cũng vậy quá nhiều sản phẩm mới và thiết kế đẹp nhưng lại chẳng đến được tay của phần lớn mọi người. Sứ mạng của IKEA là phải thay đổi tình hình này” hay “lãng phí nguồn lực là một tội lớn”
Và trong hơn bảy thập niên năm qua, IKEA đã chinh phục châu Âu, Bắc Mỹ, Úc. Giờ đây, nó đã có mặt ở Nga và Trung Quốc. Năm 2019, theo nhật báo The Age (Úc), có khoảng 400 triệu người tham quan các cửa hàng IKEA trên thế giới.
Triết lý kinh doanh của IKEA được thể hiện thông qua nguyên tắc: “Bất cứ vấn đề gì cũng phải được nhìn nhận như một khả năng mới. Chính các vấn đề mang lại cho chúng ta những cơ hội bất ngờ”.
Khi nhìn lại về cuộc đời kinh doanh của mình, ông đã có những chia sẻ: "Kinh doanh là công việc rất dễ chịu. Nhưng tôi còn thấy sung sướng hơn khi trong đầu xuất hiện những ý tưởng mới và sau đó thuyết phục được người khác rằng, chúng có thể thực hiện được. Điều này giúp tôi luôn tìm những khả năng mới và nghĩ xem cái gì có thể đem lại lợi nhuận". 
Một trong những bí quyết thành công của IKEA là lấy giá cả làm tiêu chí và lập ra quy trình sản xuất hiệu quả nhất. Sau đó, khâu thiết kế sản phẩm mới và quy trình sản xuất của IKEA phải tìm cách thỏa mãn tiêu chí giá thấp này. Nói một cách khác, tại IKEA, giá cả quyết định sản phẩm chứ không phải ngược lại. Việc lập ra những quầy hàng tự phục vụ và việc lắp ráp dễ dàng các loại đồ gỗ của IKEA không chỉ nhằm giảm chi phí mà còn mang lại cho khách hàng tính tự lập. 
Có lẽ cũng vì những lý do đó mà hình ảnh của ông luôn đại diện cho một cuộc sống tuy sung túc nhưng với giá cả phải chăng. 
Ngoài ra, câu nói mà ông Kamprad tâm đắc nhất là: “Chỉ cần chúng ta chịu bắt tay vào làm thì việc gì cũng sẽ tốt lên. Cuộc sống của chúng ta chính là lao động, công việc là bất tận”.
Với những triết lý này đã tạo nền tảng giúp ông đạt được nhiều thành công và đưa thương hiệu IKEA trở thành hãng nội thất nổi tiếng trên thế giới.