Mới đây, tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Hậu Giang năm 2022, UBND tỉnh Hậu Giang đã trao chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 12 dự án với tổng mức đầu tư 19.000 tỷ đồng.

Trong đó có nhiều dự án lớn có thể kể đến như: Dự án Trung tâm công nghiệp thực phẩm Miền Tây (3.500 tỷ đồng); Dự án Khu dân cư thương mại Vị Thanh (5.649 tỷ đồng); Dự án Nhà máy chế biến gạo chất lượng cao Vì Dân (1.134 tỷ đồng)….

Đồng thời, hội nghị cũng chứng kiến lễ ký kết 8 biên bản ghi nhớ giữa UBND tỉnh Hậu Giang với các nhà đầu tư với tổng giá trị 204.649 tỷ đồng.

Trong đó, dự án được ký biên bản ghi nhớ có quy mô lớn nhất là của CTCP Him Lam – doanh nghiệp gắn liền với tên tuổi của ‘đại gia’ Dương Công Minh - Chủ tịch HĐQT Sacombank và nguyên Chủ tịch HĐQT LienvietPostBank. Được biết, đây là dự án đầu tư trong lĩnh vực hạ tầng giao thông, đô thị, du lịch với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 6,2 tỷ USD (tương đương khoảng 142.600 tỷ đồng).

~~~~~~~~~~~~~~~~~

Tiềm lực của Him Lam - doanh nghiệp của đại gia Dương Công Minh 'khủng' cỡ nào?

CTCP Him Lam (Him Lam) được thành lập vào năm 1994 với ngành nghề kinh doanh chính là bất động sản và đầu tư tài chính. Theo giới thiệu trên trang web của Him Lam, doanh nghiệp này hiện là một trong những công ty kinh doanh bất động sản có vốn chủ sở hữu lớn nhất Việt Nam.

Him Lam gắn liền với tên tuổi của đại gia Dương Công Minh -  Chủ tịch HĐQT Sacombank và nguyên Chủ tịch HĐQT LienvietPostBank.

duong-cong-minh-4-1658138570.jpg
Ông Dương Công Minh -  Chủ tịch HĐQT Sacombank và nguyên Chủ tịch HĐQT LienvietPostBank.

Với lịch sử hơn 25 năm hoạt động, Him Lam đầu tư xây dựng trên 80 dự án bất động sản. Tại TP.HCM, Him Lam có các dự án như: Him Lam Tân Hưng, Him Lam Chợ Lớn, Him Lam Phú An, Him Lam Riverside, Sân golf Tân Sơn Nhất… Ở Hà Nội, Him Lam được biết đến qua loạt dự án như: Him Lam Vĩnh Tuy, Him Lam Vạn Phúc, Him Lam Green Park, Sân golf Long Biên...

Bên cạnh bất động sản, Him Lam còn đầu tư loạt dự án liên quan trong lĩnh vực nông nghiệp và giáo dục như: đầu tư xây dựng Trường THPT Chuyên Bắc Ninh, dự án Trường quốc tế liên cấp Him Lam Bắc Ninh, dự án khu nuôi tôm công nghệ cao Him Lam ở Sóc Trăng và Cà Mau, vùng nguyên liệu mắc ca ở Lâm Đồng…

golf-1-1658138909.jpg
Sân golf Long Biên - một trong những dự án của Him Lam

Cập nhật kết quả kinh doanh năm 2021, doanh thu của Him Lam đạt 2.227 tỷ đồng, giảm 2.267 tỷ đồng, tương đương 50,4% so với năm 2020.

Còn về tổng tài sản, tính đến cuối năm 2021 Him Lam ghi nhận ở mức 96.599 tỷ đồng (khoảng 3 tỷ USD), tăng 39,1% so với cuối năm 2020, tương đương tăng 27.155 tỷ đồng. Nếu chỉ xét về tổng tài sản, Him Lam chỉ đứng sau Top 3 doanh nghiệp bất động sản có vốn hóa thị trường lớn nhất sàn chứng khoán Việt Nam, bao gồm Tập đoàn Vingroup (428.384 tỷ đồng), Vinhomes (230.516 tỷ đồng) và Novaland (201.834 tỷ đồng).

Tuy nhiên, dù tổng tài sản nhiều nhưng khối nợ của Him Lam cũng không ít. Cụ thể, tại thời điểm cuối năm 2021, tổng tài sản tại Tập đoàn Him Lam đạt 96.599 tỷ đồng nhưng nợ phải trả lên tới 90.027 tỷ đồng, cao gấp... 1.370% vốn chủ sở hữu và chiếm 93,2% tổng nguồn vốn.

Về doanh nhân Dương Công Minh, ông được biết đến là người sáng lập tập đoàn Him Lam. Ông sinh ngày 10/5/1960 tại Quế Võ, Bắc Ninh. Ông từng sinh viên chuyên ngành vật giá, Đại học Kinh tế Kế hoạch, nay là Đại học Kinh tế Quốc dân.

Về quá trình công tác của ông, giai đoạn từ 1985-1988, ông là sỹ quan của Công ty Xuất nhập khẩu, Bộ Quốc phòng. Giai đoạn 1989-1994, ông làm cán bộ Công ty Xuất nhập khẩu Cà phê, Liên hiệp các xí nghiệp cà phê, Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp Thực phẩm. Giai đoạn 1994-1997, ông đảm nhiệm vị trí Giám đốc - Xí nghiệp Xây dựng, Công ty Thanh Bình, Bộ Quốc phòng. Năm 1997, ông là Chủ tịch HĐQT CTCP Him Lam.

Từ 2008-6/2017, ông là Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt. Ngoài ra, ông còn từng giữ chức Chủ tịch HĐQT CTCP Dụng cụ Thể Thao Bảo Long (2006), HĐQT CTCP Phát triển Xín Mần (2010) và CTCP Chứng khoán Liên Việt (2013).

Ông Minh bắt đầu khởi nghiệp với việc kinh doanh bằng việc bằng việc xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc. Thời gian đầu, ông xuất khẩu mặt hàng chuối và khá thành công. Sau đó, ông mở rộng việc xuất khẩu sang những mặt hàng khác như thanh long hay xoài. Tuy nhiên, ông lại gặp thất bại ở việc xuất khẩu xoài bởi khi xe chở xoài đến cửa khẩu thì bị hư hỏng. Thế là ông thu lỗ nặng, mất cả vốn lẫn lãi và phá sản. Vì vậy, ông đã biệt danh là “Minh Xoài”.

Sau khi phá sản, ông phải làm thủ tục bán nhà để trả nợ và đây cũng chính là cơ duyên dẫn ông với con đường kinh doanh bất động sản. Tại thời điểm đó vào những năm 1989 việc làm tục bán nhà khá phức tạp và phí dịch vụ khá cao. Để tiết kiệm chi phí, ông đã tự tìm hiểu thủ tục và tự làm. Từ đó, ông đã nảy ra ý định mở trung tâm dịch vụ nhà đất. Nhờ công việc kinh doanh này, ông đã tích lũy thêm kinh nghiệm để phát triển trong lĩnh vực bất động sản sau này.

Đến năm 1994, ông Dương Công Minh đã thành lập Him Lam, được xem là doanh nghiệp tư nhân kinh doanh bất động sản đầu tiên tại TP. Hồ Chí Minh lúc bấy giờ và tên tuổi của ông cũng gắn liền với biệt danh lừng lẫy  “Minh Him Lam” từ đó cho đến nay.