Thương hiệu băng vệ sinh Diana được hai anh em ông Đỗ Anh Tú và Đỗ Minh Phú thành lập vào năm 1997. Khi còn ở Tiệp Khắc vào những năm 90, ông Tú nảy ra ý tưởng từ lần xuất hàng thủy tinh từ Tiệp Khắc về Việt Nam của gia đình. Lúc này mẹ ông kêu nên dùng băng vệ sinh để lót thủy tinh rồi sau đó có thể dùng lại, vì băng ở Việt Nam khan hiếm và không tốt. Thế là ông Tú quyết định về Việt Nam cùng ông Phú xây dựng thương hiệu băng vệ sinh Diana với số vốn ban đầu 600.000 USD. 

Hai anh em ông Đỗ Anh Tú và Đỗ Minh Phú

Kể từ khi bắt đầu sản xuất, Công ty Cổ phần Diana Việt Nam nhanh chóng phát triển cùng slogan “Là con gái thật tuyệt”, cạnh tranh thị phần với thương hiệu quốc tế như Kotex của Kimberly-Clark. Ngoài sản xuất băng vệ sinh cho khách hàng nữ, công ty còn sở hữu cả thương hiệu tã trẻ em Bobby, tã người lớn Caryn. Như những thương vụ bán cổ phần thương hiệu Việt cùng thời điểm, Diana cũng quyết định bán gần như toàn bộ cổ phần cho công ty nước ngoài khi đang ở thời điểm đỉnh cao.

Diana rơi vào tay người Nhật

Từ 600.000 USD khởi nghiệp ban đầu, hai anh em nhà họ Đỗ đã xây dựng Diana thành công ty nghìn tỷ với doanh thu năm 2010 lên đến 1.020 tỷ và tổng tài sản 1.425 tỷ. Đặc biệt công ty đang nắm giữ 30% thị phần tã giấy, 40% thị phần giấy vệ sinh. Bất ngờ năm 2011, Tập đoàn Unicharm - công ty đa quốc gia của Nhật Bản chuyên kinh doanh hàng tiêu dùng nhanh - tuyên bố mua lại 95% cổ phần của Diana Việt Nam. Trị giá của thương vụ được báo chí trong nước thông tin là 128 triệu USD, nhưng theo một tạp chí tài chính hàng đầu châu Á thì lên đến 184 triệu USD. Mức giá này đã đưa CTCP Diana Việt Nam trở thành một trong những doanh nghiệp tư nhân Việt Nam được bán với giá cao nhất khi ấy.

Các thương hiệu nổi bật thuộc sở hữu CTCP Diana Việt Nam

Tuy nhiên mức giá đó đã gây xôn xao dư luận khi ấy. Bởi vì mặc dù doanh thu nghìn tỷ, nhưng lợi nhuận sau thuế của Diana năm 2010 chỉ đạt vỏn vẹn 40 tỷ đồng. Một số người cho rằng với tình hình tài chính như vậy thì hai anh em ông Tú thu được số tiền “quá hời”. Theo một số phân tích thì Diana đang có hai giá trị mà Unicharm rất cần nên họ sẵn sàng giá cao như vậy, đó là: sức mạnh thương hiệu Diana và hệ thống phân phối toàn quốc. Diana hàng năm chi ra 9-13% doanh thu chỉ để dành cho ngân sách tiếp thị và sở hữu 30.000 cửa hàng, đại lý phân phối sau hàng chục năm xây dựng.

Theo tổng giám đốc của công ty ông Đỗ Anh Tú, lý do bán bởi vì không phải công ty đang gặp khó khăn nên bán. Mà do ông nhận thấy được nếu chỉ dựa vào khả năng hiện tại của mình thì không thể trở thành thương hiệu toàn cầu. Nên cần phải sáp nhập với một đối tác đủ khả năng lẫn về tài chính và kinh nghiệm để đưa Diana ra thế giới. Khi ấy ông Phú đang là chủ tịch HĐQT của công ty và ông Tú là tổng giám đốc. Do khát vọng muốn đưa “đứa con” của mình có mặt trên thị trường thế giới, ông Tú quyết định tiếp tục giữ chức tổng giám đốc của công ty. Kể từ thời điểm này, tình hình kinh doanh của Diana thay đổi kinh ngạc.

Doanh thu của Diana giai đoạn 2010 - 2018 (Nguồn ảnh: CafeF)

Sự thay đổi của Diana khi về với những ông chủ người Nhật

Ngay năm đầu đổi chủ, Diana tăng trưởng doanh thu lên 1.700 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế tăng gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm 2010 khi ghi nhận 100 tỷ. Đến năm 2014, công ty “bức tốc” doanh thu đạt 3.900 tỷ và lợi nhuận sau thuế đạt con số 800 tỷ đồng. Nếu lấy mức P/E bình quân ngành sản xuất hàng tiêu dùng khoảng 15-20 lần, thì giá trị của Diana Unicharm có thể lên đến gần 700 triệu USD. Mức giá gấp nhiều lần so với 184 triệu USD mà công ty Nhật Bản phải bỏ ra để sở hữu 95% cổ phần vào năm 2011.

Đến năm 2016, Diana đã vượt qua Kotex cả về doanh thu và lợi nhuận sau thuế. Mức doanh thu của Diana 5.050 tỷ đồng cao hơn so với 4.948 tỷ của Kimberly-Clark Việt Nam - đơn vị sở hữu thương hiệu Kotex. Nếu doanh thu chỉ nhỉnh hơn khoảng 100 tỷ đồng, thì về lợi nhuận sau thuế của Diana Unicharm cao gấp 1,6 lần so với đối thủ của mình khi lần lượt ghi nhận 819 tỷ và 485,6 tỷ đồng. Khoảng cách giữa hai công ty ngày càng gia tăng và đỉnh điểm năm 2018, Diana lãi ròng 1.109 tỷ đồng bỏ xa 400 tỷ đồng của công ty sở hữu bởi những ông chủ người Mỹ. Theo số liệu thống kê giai đoạn 2011 - 2018, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm (CAGR) của Diana Unicharm về doanh thu là 21% và lợi nhuận lên đến 34%.

Mức lãi ròng bỏ xa đối thủ của Diana so với công ty sở hữu Kotex (Nguồn: CafeF)

Năm 2020 công ty tiếp tục tăng trưởng doanh thu lên 7.700 tỷ và lãi ròng 1.200 tỷ. Kể từ thời điểm về với Unicharm, kết quả kinh doanh của Diana liên tục bứt tốc và cạnh tranh với các đối thủ khác vị trí top 1 thị trường.

Hai anh em ông Đỗ Minh Phú đã vực dậy Ngân hàng TPBank bên bờ vực phá sản

Về ông Đỗ Anh Tú, dự định bán đầu sau khi bán cổ phần là đảm nhiệm vị trí tổng giám đốc Diana Unicharm chỉ trong vòng 2 năm. Nhưng thực tế ông đã điều hành hoạt động kinh doanh của công ty gần 1 thập kỷ kể từ lúc bán cổ phần vào năm 2011. Đến năm 2021, ông chính thức được bổ nhiệm làm Phó chủ tịch thường trực CTCP Diana Unicharm, chuyển lại chiếc ghế tổng giám đốc cho vị phó tổng người Nhật. 

Ngoài ra sau khi bán cổ phần, ông Tú cùng anh trai mình là Đỗ Minh Phú - ông chủ của thương hiệu vàng bạc đá quý DOJI - đã đầu tư vào Ngân hàng Thương mại Cổ phần Tiên Phong (TPBank). Thời điểm đó ngân hàng đang bên bờ vực phá sản, chính anh em nhà họ Đỗ đã bước vào vực dậy ngân hàng. Từ đó ngân hàng phát triển vũ bão, trở thành một trong những ngân hàng thương mại hàng đầu Việt Nam. Hiện tại ông Tú đang là Phó chủ tịch HĐQT TPBank và ông Phú là Chủ tịch HĐQT TPBank.

CAO CHÍ CANG - Vietnam Business Insider