Ông Lê Phước Vũ “tái xuất” với khoản đầu tư 6.000 tỷ đồng, quyết tâm chinh phục thị trường bán lẻ vật liệu xây dựng 9 tỷ USD, liệu Hoa Sen có làm được điều mà ông lớn Thái Lan phải buông tay?

Tháng 6/2025, Tập đoàn Hoa Sen (HSG) bất ngờ phát đi thông báo tìm thuê từ 300 – 500 mặt bằng nhà xưởng trên cả nước, diện tích từ 1.200 – 3.000 m², mặt tiền ít nhất 30m, thời gian thuê tối thiểu 10 năm. Động thái này nhanh chóng gây chú ý trên thị trường bất động sản thương mại và được xem là dấu hiệu cho thấy tham vọng mở rộng chuỗi siêu thị vật liệu xây dựng Hoa Sen Home.

Kèm theo đó là sự trở lại điều hành trực tiếp của Chủ tịch HĐQT Lê Phước Vũ người từng tuyên bố “quy y cửa Phật” như một lời khẳng định cho chiến lược phát triển Hoa Sen Home với ngân sách đầu tư dự kiến lên đến 6.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2025–2030. Như những phát biểu trước đây “Đây là nỗ lực cuối cùng của tôi với Hoa Sen,” ông Vũ nhấn mạnh.

hoa-sen-home-va-tham-vong-6000-ty-no-luc-cuoi-cung-cua-ong-le-phuoc-vu-1752203388.jpg

Dồn lực về thị trường nội địa

Trong suốt một thập kỷ qua, Hoa Sen phát triển chủ yếu nhờ xuất khẩu chiếm khoảng 60% doanh thu. Tuy nhiên, nhiều thị trường xuất khẩu chủ lực như Mỹ và châu Âu đã siết chặt các biện pháp phòng vệ thương mại. Riêng Mỹ nâng thuế nhập khẩu thép từ 25% lên 50% từ tháng 6, còn châu Âu áp hạn ngạch và thuế nhập khẩu nhiều dòng thép.

Cùng lúc, ngành thép toàn cầu giảm tốc. 5 tháng đầu năm 2025, sản lượng thép thế giới giảm xuống 784 triệu tấn, trong đó Trung Quốc là quốc gia sản xuất lớn nhất, cũng ghi nhận mức sụt giảm 1,7% do thị trường bất động sản đi xuống.

🔥Ngược lại, thị trường thép trong nước lại tăng trưởng 11% nhờ phục hồi xây dựng và đầu tư công. “Bối cảnh hiện nay khôn ngoan nhất là phải quay lại thị trường nội địa và Hoa Sen Home chính là được định hướng để làm điều này” Ông Vũ nói.

Một thị trường tiềm năng nhưng phân mảnh

Theo PwC, quy mô thị trường bán lẻ vật liệu xây dựng tại Việt Nam năm 2024 đạt khoảng 8,9 tỷ USD, vẫn khiêm tốn so với Thái Lan (10,7 tỷ USD) hay Indonesia (29,5 tỷ USD). Tuy vậy, Việt Nam được dự báo có thể tăng trưởng kép 11%/năm và chạm mốc 22,4 tỷ USD vào năm 2033.

Dù thị trường rộng lớn, nhưng trên 95% thị phần lại nằm trong tay các cửa hàng nhỏ lẻ truyền thống. Chuỗi Hoa Sen Home, theo ông Vũ sẽ áp dụng mô hình “One-Stop-Shop” lấy cảm hứng từ Home Depot tập đoàn bán lẻ vật liệu xây dựng lớn nhất thế giới.

🔥Tuy nhiên, nếu Home Depot chỉ chuyên phân phối với các đại siêu thị diện tích từ 10.000 m² trở lên, thì Hoa Sen Home hướng đến mô hình “sản xuất kiêm bán lẻ” với diện tích mỗi cửa hàng nhỏ hơn (1.200 – 3.000 m²), dễ len lỏi vào các khu dân cư, phù hợp với hạ tầng và thói quen mua sắm của người Việt.

Từ 35 cửa hàng năm 2021, Hoa Sen Home hiện có 120 điểm bán, dự kiến đạt 140 cửa hàng vào năm 2025 và cán mốc 300 vào năm 2030.

Thách thức: Giá, mặt bằng, con người

Dù tham vọng lớn, nhưng thách thức của Hoa Sen Home cũng không nhỏ. Thị trường VLXD tại Việt Nam vốn bị phân mảnh sâu sắc, các cửa hàng nhỏ lẻ phủ khắp từ thành thị đến nông thôn, linh hoạt trong thanh toán và có mối quan hệ chặt chẽ với các nhà thầu.

Bên cạnh đó, việc quản lý hàng nghìn mã sản phẩm, phụ thuộc vào nguồn cung nguyên liệu đầu vào và chi phí logistics cao khiến mô hình chuỗi bán lẻ VLXD đòi hỏi hệ thống vận hành rất bài bản. Các mặt hàng nặng, cồng kềnh khó vận chuyển, nhất là ở các đô thị đông đúc, ngõ ngách chật hẹp.

Một rào cản khác là mặt bằng. Việc tìm được các địa điểm rộng rãi, mặt tiền lớn ở khu vực có nhu cầu xây dựng cao là thách thức không nhỏ về chi phí và khả năng triển khai.

Vận hành chuỗi bán lẻ còn đòi hỏi đội ngũ nhân sự có chuyên môn, hiểu rõ sản phẩm và am hiểu thị trường địa phương, điều không dễ duy trì ở quy mô lớn.

Tham vọng tỷ USD

Tập đoàn Hoa Sen đặt mục tiêu đưa doanh thu Hoa Sen Home từ 13.300 tỷ đồng năm 2024 lên 15.000 tỷ năm 2025 và đạt 33.000 tỷ đồng (1,3 tỷ USD) vào năm 2030, tương đương tốc độ tăng trưởng kép 16,3%/năm. Với riêng các sản phẩm mang thương hiệu Hoa Sen, mục tiêu tăng trưởng lên đến 50%/năm.

Để đạt được điều đó, Hoa Sen sẽ rót 6.000 tỷ đồng đầu tư vào hệ thống, bao gồm:

📌3.600 tỷ đồng mở rộng cửa hàng

📌1.400 tỷ đồng xây dựng 12 tổng kho

📌1.000 tỷ đồng đầu tư công nghệ (400 tỷ) và marketing (600 tỷ)

Nếu thành công, Hoa Sen Home sẽ trở thành nhà bán lẻ vật liệu xây dựng số 1 Việt Nam. Nếu không, chi phí đầu tư và vận hành khổng lồ có thể trở thành gánh nặng tài chính nghiêm trọng cho toàn Tập đoàn.

Chủ tịch Lê Phước Vũ tiết lộ: Chủ tịch HomePro (thương hiệu lớn đến từ Thái Lan) từng đề xuất bắt tay với Hoa Sen Home nhưng cuối cùng phải rút khỏi thị trường Việt Nam vào năm ngoái vì không thể trụ nổi.