1-1630029258.jpg

Hans Wilsdorf sinh vào ngày 22 tháng 03 năm 1881 tại Kulmbach, Đức. Ông là con trai thứ hai trong gia đình có ba anh em. Cha là ông chủ một cửa hàng vật dụng còn mẹ là con cháu của một gia đình có truyền thống sản xuất rượu - Maisel Bavarian. Wilsdorf mồ côi cả cha lẫn mẹ khi ông chỉ vừa 12 tuổi, ông được cô và chú họ chăm sóc. Theo lẽ thường, ông và các anh em của mình sẽ kế thừa và duy trì công việc của gia đình, nhưng không, các chú của ông quyết định ngừng công việc kinh doanh thịnh vượng đó, bán cửa hàng và đem số tiền đó gửi vào ngân hàng, đợi cho đến khi anh em nhà Wilsdorf trưởng thành.

Trong cuốn tự truyện tên Rolex Jubilee Vade Mecum được xuất bản vào năm 1946, Hans Wildorf có viết: “Các chú của chúng tôi không thờ ơ với số phận của chúng tôi; cách giáo dục của họ khiến tôi trở nên tự chủ từ rất sớm trong cuộc sống đã khiến tôi có thói quen chăm sóc tài sản của mình và khi nhìn lại, tôi tin rằng điều đó đã ảnh hưởng lớn đến thành công của chúng tôi”.

Vào năm 18 tuổi, Hans Wildorf tham gia học tại trường nội trú ở Coburg của nước Đức. Ông thể hiện niềm yêu thích đặc biệt với toán học và ngôn ngữ (đặc biệt là tiếng anh), điều này đã thúc đẩy ông đi làm việc ở nước ngoài. Sau khi tốt nghiệp, ông bắt đầu làm việc tại một công ty chuyên xuất khẩu ngọc trai, công ty này có mạng lưới bán hàng khắp toàn thế giới. Tại đây ông đã được học nhiều chiến thuật kinh doanh cũng như đã có được nhiều trải nghiệm quý báu trong sự nghiệp của mình.

Năm 1990, Hans Wilsdorf chuyển đến La Chaux-de-Fonds của Thụy Sĩ để tham gia làm việc cùng các nhà xuất khẩu đồng hồ Cuno Korten. Wilsdorf chịu trách nhiệm cho việc lên dây cót cho những chiếc đồng hồ bỏ túi và đảm bảo rằng những chiếc đồng hồ này chạy đúng thời gian. Vào thời điểm đó, hằng năm Cuno Korten xuất khẩu đồng hồ bỏ túi trị giá khoảng một triệu franc. Hans Wilsdorf đã có được những kiến thức về công nghệ đồng hồ, đặc biệt là đồng hồ bỏ túi.

Sự ra đời của Wilsdorf & Davis - nền tảng của Rolex 

Năm 1903, Hans Wilsdorf đến London làm việc trong ngành công nghiệp đồng hồ Anh Quốc. Nhưng không may, ông bị lấy trộm hết tài sản mà mình có lúc đó - 33,000 miếng vàng Đức. Từ đó, ông bắt đầu lên kế hoạch mở công ty đồng hồ của riêng mình. Hai năm sau khi đến London, Wilsdorf đã gặp và quen được Alfred James Davis. Với kiến thức về tài chính và thương mại quốc tế của Davis và kinh nghiệm nhiều năm về đồng hồ của Wilsdorf, vào tháng 05/1905 họ quyết định cùng nhau thành lập và xây dựng công ty sản xuất đồng hồ của riêng họ - công ty Wilsdorf & Davis. Hans Wilsdorf cũng đã vay mượn một khoản tiền từ anh chị em của mình để hợp tác cùng Davis và mỗi người bình đẳng sở hữu 50% cổ phần công ty. Mục tiêu của Wilsdorf & Davis là sản xuất ra những chiếc đồng hồ với giá hợp lý nhưng chất lượng cao.

3-1630029726.jpg

Công ty Wilsdorf & Davis tập trung vào độ chính xác của thời gian nên chỉ sản xuất duy nhất 2 loại đồng hồ, đó là đồng hồ đeo tay và đồng hồ bỏ túi. Thời điểm đó, đồng hồ bỏ túi sẽ dành cho các quý ông còn đồng hồ đeo tay có kích thước khá nhỏ và thường chỉ dành cho nữ giới. Các quý ông vẫn thường nói rằng họ “sẽ sớm mặc váy nếu họ đeo đồng hồ đeo tay”. 

Hình thành thương hiệu đồng hồ đình đám thế giới - Rolex

Vào thời điểm những năm 1900, các công ty rất chú trọng vào logo và tên thương hiệu. Cái tên Wilsdorf & David quá đơn giản và không có gì đặc biệt do đó hai ông chủ đã nghĩ đến một cái tên khó để viết sai và dễ phát âm bằng nhiều thứ tiếng và cuối cùng họ đã quyết định cái tên Rolex. Một số người suy đoán rằng cái tên Rolex có nguồn gốc phức tạp nhưng Hans Wilsdorf đã chia sẻ về bắt nguồn của cái tên này: “Tôi đã thử kết hợp các chữ cái trong bảng chữ cái với nhau, nó cho ra hàng trăm cái tên nhưng không có cái nào hợp lý cả. Vào một buổi sáng, khi tôi đang cưỡi ngựa đi dạo ở London, tôi đã nghe được một giọng nói thì thầm vào tai tôi: “Rolex” (có thể là giọng nói của thần linh). Và thế là thương hiệu Rolex được đăng ký chính thức tại Thụy Sĩ”

Hans Wilsdorf đăng ký thương hiệu Rolex tại La Chaux-de-Fonds vào ngày 02/07/1908, lúc này Rolex là thương hiệu của công ty Wilsdorf & Davis. Đến năm 1914, Hans Wilsdorf đổi tên công ty từ Wilsdorf & Davis thành công ty The Rolex Watch. Rolex phát triển rất nhanh và có hơn 40 nhân viên vào năm 1914. Cũng vào thời điểm đó, Hans Wilsdorf từng chia sẻ: “Theo ý kiến cá nhân của tôi, đồng hồ bỏ túi sẽ gần như biến mất và đồng hồ đeo tay sẽ thay thế chúng. Rồi các bạn sẽ thấy là tôi đúng.”

2-1630029693.jpg

Năm 1915, chính phủ Anh thực hiện việc đánh thuế hải quan ở mức 33% khiến Rolex phải chuyển trụ sở quốc tế từ London đến Bienne, Thụy Sĩ. Đến năm 1919, Rolex chuyển trụ sở chính đến Geneva, Thụy Sĩ. Bước phát triển quan trọng nhất trong lịch sử của Rolex là Hans Wilsdorf đã quyết định mua lại bằng sáng chế loại đồng hồ chống thấm nước từ hai nhà phát minh Georges Peret và Paul Perregaux. Năm 1926, đồng hồ chịu nước đầu tiên trên thế giới có tên Oyster ra đời. Oyster đóng vai trò tiên phong trong sự phát triển đồng hồ đeo tay hiện đại của Rolex. Không những vậy, Oyster trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều đổi mới khác từ đó đặt ra các tiêu chuẩn về đồng hồ và tạo ra danh tiếng cho Rolex. Có thể kể đến một số phát minh quan trọng của Rolex như: 

- Đồng hồ đeo tay chịu nước đầu tiên (Rolex Oyster, 1926)

- Đồng hồ lên giây vĩnh cữu đầu tiên (1932)

- Đồng hồ đeo tay tự động thay đổi ngày, tháng trên mặt đồng hồ (Rolex Datejust, 1945)

- Đồng hồ đeo tay hiển thị hai múi giờ cùng một lúc (Rolex GMT Master, 1954)

- Là nhà sản xuất đồng hồ đầu tiên đạt chứng nhận Chronometer đối với dòng sản phẩm đồng hồ đeo tay.

Ngày nay, nhắc đến đồng hồ Thụy sĩ là phải nhắc đến Rolex - một thương hiệu đồng hồ sang trọng, đắt đỏ. Thương hiệu này đã thu hút các dân chơi đồng hồ bằng sự đẳng cấp và hoàn hảo trong từng thiết kế. Mỗi chiếc đồng hồ Rolex hiện nay đều nằm trong phân khúc cao cấp vì vật liệu sử dụng vô cùng đắt đỏ, các bước kiểm tra vô cùng nghiêm ngặt cùng với danh tiếng lâu năm. Rolex đã tạo nên một thương hiệu đồng hồ dẫn đầu về sự sang trọng, đẳng cấp và siêu xa xỉ và không phải ai cũng có thể mua được trên thị trường.

Quỹ Wilsdorf

Năm 1944, vợ của Hans Wilsdorf qua đời. Ông đã thành lập quỹ Hans Wilsdorf và để lại toàn bộ số cổ phiếu của mình cho mục đích từ thiện. Hiện nay, quyền sở hữu của Rolex vẫn thuộc về quỹ Hans Wilsdorf. Quỹ này vẫn đang tích cực hỗ trợ cho các trẻ em mồ côi thông qua các tổ chức từ thiện. Hans Wilsdorf qua đời ngày 06/07/1960 tại Geneva, Thụy Sĩ.

238794652-387790896049449-5657592964102600878-n-1630029859.jpg
Mộ của Hans Wilsdorf tại Thụy Sĩ

*Bài viết cần sự đồng ý của tác giả trước khi dẫn lại về website khác. Mọi hình thức copy không xin phép đều vi phạm bản quyền.

Nguyên Thảo

Vietnam Business Insider