Nhà sáng lập kiêm CEO Hiroshi Mikitani của Rakuten đã có thêm 760 triệu USD khi cổ phiếu gã khổng lồ thương mại điện tử của ông tăng vọt nhờ hợp đồng mạng di động đầu tiên ở châu Âu. Cổ phiếu Rakuten tăng khoảng 8%, lên 1.358 yen (12,4 USD) trong ngày 5.8, đưa tài sản Mikitani lên 7,7 tỉ USD, ông trở thành người giàu thứ sáu ở Nhật Bản trong Danh sách tỉ phú theo thời gian thực.
Theo hợp đồng, Rakuten sẽ cung cấp công nghệ viễn thông ảo 5G giá rẻ cho nhà mạng không dây 1&1 của Đức. Công nghệ này được kỳ vọng sẽ giúp 1&1 trở thành nhà mạng lớn thứ tư tại Đức, sau Deutsche Telekom, Vodafone và O2 của Telefónica. Theo Nikkei Asia, hãng sẽ nhận được từ 2,29 tỉ USD đến 2,74 tỉ USD trong 10 năm tới thông qua thương vụ bạc tỉ này.
Năm 2019, Mikitani khởi động đầu tư 5,5 tỉ USD cho mạng viễn thông mới ứng dụng công nghệ truy cập vô tuyến (RAN). Nhờ chi phí rẻ hơn và linh hoạt hơn, mạng viễn thông Rakuten đã phá vỡ thế độc quyền trong lĩnh vực viễn thông di động tại Nhật với các ông lớn như KKDI, NTT Docomo và SoftBank của tỉ phú Masayoshi Son.
Khác với các mạng truyền thống, thường do nhà mạng cung cấp trọn gói, các chức năng mạng của RAN được quản lý bằng phần mềm trên nền tảng đám mây. Nhờ đó RAN có thể cắt giảm chi phí vận hành và bảo trì ít nhất 30% và mang đến cho người vận hành sự linh hoạt khi làm việc với các nhà sản xuất khác nhau, vì họ không bị phụ thuộc cố định với nhà cung cấp phần cứng.
Đầu tháng 3.2021, Rakuten cũng đã huy động được 2,2 tỉ USD từ các nhà đầu tư Japan Post, Walmart và Tencent để hỗ trợ triển khai hoạt động kinh doanh mạng di động của mình.
Vào tháng 4 năm 2020, Rakuten đã ra mắt mạng di động RAN tại Nhật Bản và giờ đây, công nghệ này sẽ giúp 1&1 trở thành nhà mạng lớn thứ tư tại Đức, chỉ sau Deutsche Telekom, Vodafone và Telefónica's O2.
Trong bài phát biểu với Forbes Asia vào hai năm trước, Mikitani cho biết Rakuten đã lên kế hoạch giới thiệu 100 triệu khách hàng ở Nhật Bản, những người đang sử dụng thương mại điện tử, thẻ tín dụng, ngân hàng trực tuyến và giao dịch trực tuyến sử dụng dịch vụ di động của Rakuten.
Rakuten muốn xây dựng một mạng lưới viễn thông mới ở Nhật Bản trong thời gian ngắn nhất, với chi phí thấp hơn tới 40% so với những gì cần thiết để xây dựng một hệ thống thông thường.
“Hoạt động của chúng tôi nhanh gọn hơn nhiều so với các đối thủ cạnh tranh và chúng tôi có thể làm phong phú thêm dịch vụ bằng cách sử dụng hệ sinh thái mà Rakuten hiện có. Tôi không nghĩ mọi người thực sự quan tâm đến việc đó là NTT, SoftBank hay Rakuten.
Cái họ quan tâm chủ yếu là khả năng kết nối, tốc độ, giá cả và loại dịch vụ mà chúng tôi có thể cung cấp thêm.”, Mikitani chia sẻ với Forbes vào năm 2019.
Rakuten cũng đã công bố về việc mua lại Altiostar Networks, công ty vận hành mạng RAN có trụ sở tại Hoa Kỳ.
Sự hợp tác của họ nhằm mục đích “đẩy nhanh việc triển khai phần mềm, các dịch vụ ảo hóa cho ngành công nghiệp di động trên toàn cầu.”
“Chúng tôi đang bước vào một kỷ nguyên mới, nơi các nhà khai thác mạng di động có thể chọn cách xây dựng và triển khai mạng bằng cách hợp tác với các công ty phần mềm sáng tạo nhất thế giới để tạo ra các giải pháp mở và tăng khả năng tương tác.”, Mikitani lên tiếng tuyên bố.
Theo Forbes