ceo-reed-hastings-nexflix-1635908909.png
Reed Hastings

Reed Hastings sinh năm 1960 tại Boston. Cha của ông, Wilmot Reed Hastings, làm việc trong bộ Y tế, Giáo dục và Phúc lợi dưới thời của tổng thống Richard Nixon.

Sau khi tốt nghiệp trung học, thay vì học thẳng lên đại học, Hastings đã làm nhân viên bán máy hút bụi trong suốt một năm dài. Sau đó, ông đã chọn học chuyên ngành toán ở đại học vì cho rằng tính trừu tượng trong toán học làm cho ông cảm thấy vô cùng lôi cuốn. Mục tiêu đầu tiên của Hastings là MIT. Nhưng do không được chọn vào, cuối cùng ông đã dừng chân tại đại học Stanford và tốt nghiệp ở đây.

Netflix không phải công ty đầu tiên của Hastings.

Ở độ tuổi 31, Hastings cùng 2 người đồng sáng lập là Raymond Peck và Mark Box đã ra mắt Pure Software vào năm 1991. Sản phẩm này được Hastings coi như một "công cụ gỡ lỗi cho các kỹ sư."
"Khi chèo thuyền kayak, nếu bạn chỉ nhìn chằm chằm và tập trung vào những vấn đề tiêu cực, nhiều khả năng là bạn sẽ gặp nguy hiểm", Hastings nói với The Times về kinh nghiệm của mình khi điều hành Pure Software. "Tôi tập trung vào những gì tôi hướng đến và muốn nó xảy ra. Tôi không nghe theo hay bận tâm về những hoài nghi của người khác."

Theo đó, công ty của ông đã rất thành công và tăng gấp đôi doanh thu hàng năm trước khi lên sàn lần đầu tiên vào năm 1995. Sau đó 2 năm, Rational Software (hiện công ty này không còn tồn tại) đã mua lại Pure Software với giá 750 triệu đô la. Việc mua bán này đã tạo nên tiền đồ cho Hastings để ông có thể bắt đầu Netflix.

Hastings có ý tưởng về Netflix sau một trải nghiệm tồi tệ với cửa hàng cho thuê phim truyền thống.

"Tôi đã phải trả một khoản phí lớn cho 'Apollo 13'. Tại thời điểm đó, tôi nợ cửa hàng cho thuê phim 40 đô la và trễ 6 tuần so với lịch hẹn. Tất cả đều là lỗi của tôi nhưng tôi không muốn nói với vợ về điều này. Sau đó, trên đường đến phòng tập gym, tôi nhận ra họ có một mô hình kinh doanh tốt hơn nhiều khi mà bạn có thể trả 30 hoặc 40 đô la một tháng và có thể tập luyện bao nhiêu tùy ý."

Ý tưởng này đã đặt nền móng cho Netflix, công ty mà Hastings và doanh nhân Marc Randolph cùng nhau sáng lập vào năm 1997. Tuy nhiên, Randolph đã luôn nắm vị trí đứng đầu trước khi rời công ty vào năm 2002.

Công ty nhận được 239.000 người đăng ký chỉ trong năm đầu tiên. Ở thời điểm đó, cách Netflix hoạt động là để người dùng liệt kê toàn bộ các đĩa DVD mà họ muốn xem trên Netflix.com và công ty có nhiệm vụ gửi từng đĩa một trong những phong bì màu đỏ. Người đăng ký có thể giữ phim bao lâu tùy thích mà không phải trả phí trễ hạn.
Sau hàng loạt những khó khăn, Netflix hiện là một trong những công ty công nghệ mạnh nhất của Mỹ.

Netflix ra mắt công chúng vào năm 2002 và cổ phiếu của công ty đạt mức cao mới vào năm 2011. Sau đó, Hastings đã đưa ra những quyết định mà cựu phóng viên Forbes, Brian Solomon, gọi là "một loạt các quyết định đáng ngờ". CEO này đã chia gói đăng ký DVD truyền thống của Netflix và mảng kinh doanh phát trực tuyến còn non trẻ khi đó thành các dịch vụ riêng biệt với những mức phí khác nhau. Điều này đã đẩy công ty vào một cuộc khủng hoảng lớn.

"Chúng tôi muốn bất cứ khi nào có yêu cầu video từ khách hàng, Netflix có thể phục vụ ngay lập tức", Hastings nói với Inc. vào năm 2005. "Đó là lý do tại sao công ty được gọi là Netflix chứ không phải là DVD-by-Mail." Tuy nhiên, khách hàng đã cảm thấy không hài lòng thậm chí vô cùng phẫn nộ bởi các tùy chọn đăng ký mới và giá cổ phiếu của Netflix đã giảm 75% vào cuối năm 2011.

Sau đó, Netflix dần phục hồi nhờ vào những đánh giá cao về nội dung của các nhà phê bình. Hiện tại, gã khổng lồ trong ngành giải trí đã có thể cảm thấy tự hào với 193 triệu thành viên trả phí trên toàn cầu.

Hastings trở thành tỷ phú vào năm 2014 khi cổ phiếu của Netflix tăng mạnh.

Giá trị tài sản ròng của Hastings không ngừng tăng lên cùng với giá cổ phiếu của Netflix. Vị tỷ phú này đã được thêm vào danh sách Forbes 400 (400 người giàu nhất nước Mỹ) vào năm 2017. Ông sở hữu khoảng 1% của Netflix. Forbes ước tính tài sản của ông hiện tại ở mức 5 tỷ đô la. Tại Netflix, Hastings được biết đến là nhà lãnh đạo với phong cách quản lý chặt chẽ.

Hastings là một nhà hỗ trợ tài chính lớn cho Đảng Dân Chủ.

CEO của Netflix đã chi tổng cộng 8,1 triệu đô la cho các khoản quyên góp chính trị ở California từ năm 2001 đến năm 2011. Gần đây, Hastings cũng là một trong 137 tỷ phú quyên góp cho Joe Biden trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2020, với số tiền 2.800 đô la. Trước khi ủng hộ Biden, Hastings đã từng ủng hộ hàng nghìn đô la cho cuộc tranh cử tổng thống thất bại của cựu Thị trưởng Pete Buttigieg. Ngoài ra, ông cũng đã từng quyên góp 5.000 đô la cho chiến dịch tái đắc cử năm 2012 của cựu Tổng thống Barack Obama.

Hastings dành hàng triệu đô la cho các hoạt động từ thiện, đặc biệt là về giáo dục.

Vào năm 2012, Hastings và Quillin đã ký kết The Giving Pledge, hiệp ước từ thiện do Bill Gates và Warren Buffett sáng lập, yêu cầu những người ký kết phải cho đi phần lớn tài sản của họ. Chỉ riêng trong năm 2020, Hastings và Quillin đã trao 120 triệu đô la để tài trợ học bổng cho những sinh viên là người da đen, đồng thời tài trợ một trại huấn luyện cao cấp cho giáo viên ở Colorado. Tuy nhiên, theo đuổi của ông trong lĩnh vực giáo dục không chỉ giới hạn ở việc hỗ trợ tài chính. Hastings gia nhập Hội đồng Giáo dục Bang California vào năm 2000 và đã trải qua ba năm với tư cách là chủ tịch.

Theo Business Insider