Theo đánh giá sơ bộ của Sở Nội vụ TP.HCM, hiện Bình chánh đã đạt 26/30 tiêu chí để thành lập quận. Dự kiến đến năm 2025, Bình Chánh sẽ đạt đủ bộ tiêu chí lên quận hoặc thành phố thuộc TP.HCM tương tự như đề án thành phố phía Đông.
“Đòn bẩy” hạ tầng trước khi lên quận
VnDirect cho biết, trong nửa cuối 2021-2022, Bình Chánh tiếp tục trở thành điểm sáng của thị trường nhờ hàng loạt dự án hạ tầng giao thông đang rục rịch triển khai. Đơn cử như đề án nâng cấp trục quốc lộ 50 với ngân sách gần 1.500 tỉ đồng; mở rộng quốc lộ 1A chiều dài 2,5km, lộ giới 120m với quy mô 3.353 tỉ đồng.
Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng tập trung đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các tuyến đường giao thông huyết mạch như đại lộ Võ Văn Kiệt, Nguyễn Văn Linh giúp việc di chuyển về trung tâm Quận 1 hay Phú Mỹ Hưng trở nên vô cùng thuận lợi.
Đáng chú ý, dự án Metro 3A (Bến Thành - Tân Kiên) cũng đã được UBND TP.HCM gửi công văn trình Chính phủ xem xét phê duyệt vào cuối tháng 4/2020. Dự án do Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) thực hiện, có chiều dài 20km với 18 nhà ga và tổng mức đầu tư khoảng 68.000 tỉ đồng, nối trực tiếp với tuyến Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) để tạo thành một hành lang vận chuyển hành khách hiện đại, đi qua trung tâm, kết nối khu vực Đông Bắc và Tây Nam thành phố. Trong tương lai, với sự hiện diện của mạng lưới Metro hoàn chỉnh cùng hệ thống xe buýt kết nối, khoảng thời gian di chuyển từ khu vực này vào trung tâm TP.HCM sẽ được rút ngắn chỉ còn 15-20 phút.
Đáng chú ý, dự án tuyến xe buýt nhanh BRT số 1 trị giá gần 3.300 tỉ đồng, đi qua địa bàn các quận 1, 2, 5, 6, 8, Bình Tân, Bình Chánh đã được TP.HCM dự kiến khởi công năm 2022, hoạt động năm 2023. Sau khi bến xe Miền Tây mới (huyện Bình Chánh) hoàn thành, lộ trình tuyến sẽ được nối dài đến bến xe này. Dọc theo tuyến có 31 trạm dừng, 4 nhà ga, 2 trạm trung chuyển.
Ngoài ra, khu vực Bình Chánh còn sở hữu tuyến cao tốc tiêu chuẩn quốc tế TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận với tổng chiều dài hơn 110 km và vốn đầu tư trên 22.000 tỉ đồng. Dự án đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong kết nối TP.HCM với vùng Tây Nam Bộ, góp phần giảm tải cho quốc lộ 1A. Hơn thế, tuyến đường sắt cao tốc TP.HCM - Cần Thơ dự kiến khởi công năm 2023 cũng sẽ góp phần tạo thành hệ thống giao thông hiện đại, thông suốt không chỉ kết nối Bình Chánh với Quận 1, Thủ Thiêm mà còn đến Bình Dương, Đồng Nai hay các tỉnh ĐBSCL.
Có thể nói, tính đến thời điểm hiện tại, dòng vốn chảy vào các dự án hạ tầng mà Bình Chánh hưởng lợi ước tính khoảng hơn 5 tỉ USD và con số này vẫn đang không ngừng tăng lên. Ngoài việc đáp ứng nhu cầu đi lại, giao thương của người dân, sự phát triển mạnh mẽ về mạng lưới giao thông còn thu hút nhiều nhà đầu tư chuyển hướng vào Bình Chánh để đón đầu cơ hội, khiến bất động sản tại khu vực này có tiềm năng tăng giá lớn.
Giá bất động sản tăng “nóng”
Chỉ tính riêng từ đầu năm nay, sau khi chủ trương lên quận của Bình Chánh được thành phố chấp thuận, nhà đất Bình Chánh đã có biến động mạnh. Ghi nhận từ năm 2018, giá đất trung bình ở Bình Chánh khoảng 28 triệu đồng/m2. Đến thời điểm hiện tại, giá đất đã tăng lên hơn 40 triệu đồng/m2 tùy vị trí. Một số nơi như Bình Hưng hiện trung bình là 80 triệu đồng/m2 (khu Trung Sơn lên tới 130 triệu đồng/m2).
Trong khi đó, giá căn hộ tại Bình Chánh từng được xem là thấp nhất đô thị, nay ghi nhận giá bình quân ở mức trên 1.000 USD/m2. Mức giá này đã tăng trung bình 13,37%/năm. Thậm chí, có một số dự án từ thời điểm mua đến thời điểm dự án xây dựng lên, mức chênh có thể đạt 150-170 triệu đồng/căn (trong khoảng 4-5 tháng) do sở hữu vị trí đẹp, nhu cầu ở thực cao. Mặt khác, biên độ dao động giá luôn rơi vào ngưỡng trung bình từ 15-20%/năm. Lúc thị trường diễn biến tốt, ở các dự án có lợi thế mặt tiền đường lớn giá có thể tăng lên mức 30%/năm. Dù vậy, giá nhà đất Bình Chánh vẫn đang nằm trong vùng “trũng” và có nhiều dư địa tăng giá cao.
Dự báo, nguồn cung nhà ở tại khu vực Bình Chánh nửa cuối năm 2021 vẫn sẽ tiếp tục hạn chế do không nhiều dự án mới được triển khai. Duy chỉ có tổ hợp gần 2.000 căn hộ ngay trung tâm hành chính Bình Chánh (Tân Túc).
Theo ông David Jackson - TGĐ Colliers Việt Nam, việc phát triển cơ sở hạ tầng là yếu tố tiên quyết cho sự phát triển bền vững của các đô thị vệ tinh. Trong đó, hệ thống giao thông công cộng nên được tiếp tục đầu tư mạnh mẽ. Thực tế, đây cũng chính là xu hướng của thế giới. Người dân ở các nước phát triển thường chọn các đô thị vùng ven là nơi sinh sống và di chuyển đến khu vực trung tâm để làm việc bằng các phương tiện công cộng. Do đó, “việc xây dựng và mở rộng các con đường huyết mạch ở các khu vực này cũng cần được đảm bảo vì đây là các cửa ngõ quan trọng của TP.HCM với các tỉnh lân cận", đại diện Colliers Việt Nam cho biết thêm.