Công ty Cổ phần Chứng khoán VPS (VPS) giữ vị trí số 1 thị phần môi giới của Quý IV và cả năm 2021 trên cả 4 bảng xếp hạng: HNX, HSX, UPCoM và chứng khoán phái sinh.
Trong 2 năm qua, VPS đã trở thành hiện tượng đáng nể, vươn lên nhanh chóng và chiếm vị trí số một về thị phần môi giới cổ phiếu, vốn là ngôi vị quen thuộc của SSI. Cùng với HSC và VCI, thị phần của ba ông lớn này sụt giảm thê thảm và ngày càng bị VPS bỏ xa.
‘Gốc tích” VPS ra sao mà có thể gây bão thị trường như vậy?
Từ CTCK của VPBank
Được thành lập vào năm 2006, VPS ban đầu có tên gọi là Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBS) do VPBank nắm giữ đa số vốn. Tuy nhiên, tới tháng 12/2015, VPBank đã thoái 89% vốn tại VPBS. Mức giá chuyển nhượng và đối tác của thương vụ không được tiết lộ.
Sau khi VPBank thoái vốn, VPBS đã cải thiện đáng kể quy mô vốn điều lệ nhằm phục vụ cho việc mở rộng hoạt động kinh doanh. Đến cuối năm 2018, VPBS vốn điều lệ của công ty này đã được nâng lên mức 3.500 tỷ đồng, trở thành công ty chứng khoán có quy mô vốn hàng đầu tại Việt Nam.
Cũng trong năm 2018, VPBS đã đổi tên thành CTCP Chứng khoán VPS (VPS) nhằm giúp khách hàng dễ dàng nhận diện, tiếp cận hơn và không bị trùng lắp các ký tự khi phát âm tên viết tắt.
Vị trí Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc VPS do ông Nguyễn Lâm Dũng đảm nhiệm kể từ đầu năm 2016. Ông Dũng từng là Giám đốc của CTCK Habubank và là Tổng giám đốc CTCK VPS từ năm 2010.
Tính đến cuối năm 2019, VPS có vốn điều lệ 3.500 tỷ đồng, trong đó 2.530 tỷ đồng (tương đương 72%) là vốn cổ phần ưu đãi cổ tức 6%. Các cổ đông nắm giữ số cổ phần ưu đãi này của VPS không được tiết lộ, sẽ nhận cố định 6% cổ tức mối năm mà không phụ thuộc vào kết quả kinh doanh của công ty.
“Chiêu” chiếm thị phần của VPS
Mặc dù VPBank đã bán cổ phần tại VPS nhưng có thể thấy mối quan hệ thân thiết giữa 2 tổ chức, khi mà VPBank vẫn đóng vai trò là nguồn cung cấp tài chính cho VPS hay VPS là đại lý phát hành, đăng ký, phân phối hàng nghìn tỷ đồng trái phiếu của VPBank.
Theo đánh giá của chuyên gia, sự chiếm lĩnh thị phần môi giới của VPS được góp sức lớn từ VPBank. Với nguồn vốn huy động 3 bên hùng hậu, VPS có thể áp dụng cho vay high margin (đòn bẩy rất cao).
Ban đầu VPS đánh mạnh vào mảng phái sinh, miễn phí để thu hút nhà đầu tư. Thị phần phái sinh của họ lên tới hơn 50%. Với nhà đầu tư, khi họ đã chơi phái sinh mà thị trường cơ sở tốt, họ sẽ lập tức chuyển sang thị trường cơ sở. Vì tính tiện lợi, nhà đầu tư sẽ sử dụng luôn dịch vụ chứng khoán cơ sở của VPS thay vì chuyển sang công ty chứng khoán khác để giao dịch.
Chính sách về môi giới của VPS cũng nổi trội hơn so với các công ty chứng khoán khác khi mức chia hoa hồng rất cao. Môi giới của VPS vô cùng đông đảo, bao gồm cả giới showbiz.
Như vậy, bản chất VPS đi theo mô hình của VPBank, tức là trong quá trình giao dịch sẽ phát sinh rất nhiều chi phí, và những chi phí đó sẽ bù đắp lại cái công ty bị thiệt. Giống như trong ngành thương mại điện tử, câu chuyện bây giờ là đốt tiền để lấy thị phần, họ chấp nhận điều đó.