CTCP Đầu tư Thế giới Di động (Mã: MWG) vừa công bố báo cáo tình hình kinh doanh 6 tháng đầu năm với doanh thu thuần hợp nhất đạt 62.487 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 2.552 tỷ đồng, tăng lần lượt 12% và 26% so với cùng kỳ 2020. Với kết quả này, công ty đã hoàn thành 50% kế hoạch doanh thu và 54% kế hoạch LNST cả năm.

Riêng tháng 6/2021, doanh thu thuần đạt hơn 10.650 tỷ đồng và LNST đạt 380 tỷ đồng, tăng lần lượt 31% và 25% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu nhờ sự đóng góp của hơn 1.000 cửa hàng tăng thêm so với cuối tháng 6/2020.

z2647632053140-0f8acc44d661f03f16b2e72b065f075f-1627553051.jpg
Kết quả kinh doanh của MWG trong 6 tháng đầu năm. (Nguồn: MWG)

Động lực tăng trưởng chính của MWG trong nửa đầu năm đến từ mảng Bách Hóa Xanh với doanh thu 6 tháng đạt 13.360 tỷ đồng, tăng 42% so với cùng kỳ và chiếm 21,4% trong cơ cấu doanh thu của cả công ty. Đây là mức doanh thu bán niên cao nhất kể từ khi thành lập của chuỗi hệ thống bán lẻ này.

Riêng tháng 6/2021, Bách Hóa Xanh vượt mốc doanh thu 2.700 tỷ đồng, tăng 7% so tháng 5 và tăng 69% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu trung bình trên mỗi cửa hàng trong tháng 6 đạt hơn 1,4 tỷ đồng. Với kết quả này, Bách Hóa Xanh tiếp tục cải thiện biên EBITDA nhưng vẫn đang ghi nhận lỗ ở cấp độ công ty. 

Tại thời điểm 30/6/2021, chuỗi Bách Hóa Xanh có tổng cộng 1.888 điểm bán (tăng 37 cửa hàng trong tháng 6) tại 25 tỉnh thành. Theo phạm vi phân bố, 70% số cửa hàng hoạt động ở tỉnh, so với tỷ lệ 67% cùng kỳ năm trước. Theo loại cửa hàng, hơn 45% số cửa hàng có diện tích từ 300m2 trở lên, so với tỷ lệ 17% vào cuối tháng 6/2020. Đến cuối tháng 6/2021, chuỗi có 435 cửa hàng diện tích từ 500m2 trở lên. Trong đó, gần 80% số cửa hàng đã hoạt động tối thiểu 12 tháng (khai trương trước 01/07/2020). 

Theo lãnh đạo công ty, trong tháng 7, trung bình Bách Hóa Xanh phục vụ từ 800 ngàn đến 1 triệu lượt khách hàng/ngày. Đây vừa là cơ hội lớn vừa là thách thức cho vận hành của BHX khi nhu cầu tiêu dùng, nguồn cung và cả cách thức cung ứng hàng hóa đồng loạt thay đổi một cách đột ngột nhưng nhân lực thì có giới hạn chưa thể đáp ứng kịp tải công việc, nhiệm vụ nhập hàng và đưa hàng lên kệ nhanh nhất có thể được ưu tiên tập trung nguồn lực. Do đó, những thiếu sót trong quá trình phục vụ khách hàng là điều không thể tránh khỏi và Bách Hóa Xanh đang cố gắng rà soát để xử lý.

Trước đó, ngày 13/7, hệ thống bán lẻ Bách Hóa Xanh đã thông báo tăng giá bán một số mặt hàng do phải bù đắp cho chi phí vận chuyển, xét nghiệm, nhân công... tăng cao. Sự việc này khiến người tiêu dùng tại khu vực miền Nam và dư luận xã hội phản ứng gay gắt, cho rằng Bách Hóa Xanh tăng giá kiếm lời mùa dịch. Trên mạng xã hội nhiều ý kiến kêu gọi tẩy chay mua hàng tại hệ thống lớn với 1.905 điểm bán này.

Ngày 16/7, Cục Quản lý Thị trường TP HCM đã thực tế kiểm tra một số cửa hàng kinh doanh thuộc hệ thống Bách Hóa Xanh. Làm việc với cơ quan quản lý, ông Trần Kinh Doanh, Tổng giám đốc hệ thống Bách Hóa Xanh thừa nhận việc hệ thống Bách Hóa Xanh đã tăng giá bán một số mặt hàng nhưng "không phải vì mục đích lợi nhuận".

Ông Trần Kinh Doanh cho biết giá hàng hóa được điều chỉnh theo giá nhập đầu vào tại những thời điểm nhất định. Do vậy, giá tăng do tăng chi phí vận chuyển, phí nhân công, tài xế, hư hỏng hàng hóa tươi sống do kéo dài thời gian lưu thông...

Tại buổi kiểm tra, Cục Quản lý Thị trường TP HCM cũng xác định Bách Hóa Xanh không tăng giá đột biến mà chỉ tăng theo điều kiện khách quan.