Mới đây, CTCP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (Mã CK: TAR) cho biết đã nhận được đơn xin từ nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT của bà Lê Thị Tuyết và chức vụ Tổng Giám đốc của ông Phạm Thái Bình. Lý do được hai lãnh đạo cấp cao này đưa ra là nhằm "cơ cấu lại nhân sự công ty".

giua-boi-canh-gia-gao-xuat-khau-tang-cao-vi-sao-2-vo-chong-chu-tich-va-tong-giam-doc-cong-ty-gao-trung-an-cung-tu-nhiem-1692264195.png
Bà Lê Thị Tuyết - Chủ tịch HĐQT TAR và chồng là ông Phạm Thái Bình - Tổng Giám đốc TAR

Ông Bình và bà Tuyết là vợ chồng. Hiện bà Tuyết không nắm giữ cổ phần nào tại Trung An trong khi ông Bình sở hữu 14,04% vốn của công ty, tương đương 11 triệu cổ phiếu TAR. Đồng thời, ông Bình cũng đang giữ vị trí Phó Chủ tịch HĐQT Trung An.

Theo tìm hiểu bà Tuyết sinh năm 1956, quê quán tại Cần Thơ. Từ tháng 12/2015 đến nay, bà giữ chức Chủ tịch HĐQT công ty và không sở hữu bất kỳ cổ phiếu TAR nào. Trước đó, giai đoạn 1976 – 1996, bà kinh doanh đại lý thu mua lý gạo. Giai đoạn 1996-2015 bà là Chủ tịch Hội đồng thành viên – Công ty TNHH Trung An.

Ông Bình sinh năm 1956. Hiện tại, ông đang giữ vị trí Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc TAR. Ông Bình đảm nhiệm đồng thời hai vị trí này từ tháng 12/2015 đến nay. Trước đó, giai đoạn 1996-2015 ông là Tổng Giám đốc - Công ty TNHH Trung An.

Hiện tại, hai con gái của ông Bình và bà Tuyết đều giữa những chức vụ quan trọng tại công ty. Trong đó, bà Phạm Lê Khánh Hân là thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc và bà Phạm Lê Khánh Huyền giữ vị trí Kế toán trưởng.

giua-boi-canh-gia-gao-xuat-khau-tang-cao-vi-sao-2-vo-chong-chu-tich-va-tong-giam-doc-cong-ty-gao-trung-an-cung-tu-nhiem-1-1692264369.PNG
Một số sản phẩm gạo của Trung An

"Ông lớn" của ngành gạo Việt Nam – Trung An đang làm ăn ra sao?

Về CTCP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An, tiền thân là Công ty TNHH Trung An, được thành lập năm 1996 tại Cần Thơ. Ngành nghề kinh doanh chính là kinh doanh chế biến xay xát gạo.

Trung An cũng một trong những "ông lớn" xuất khẩu gạo của Việt Nam. Công ty này đã xuất khẩu gạo sang nhiều thị trường nước ngoài như: Trung Quốc, Malaysia, Singapore, HongKong, Philippines, Australia, Mỹ, Đức, Dubai, Abu Dhabi, Abidjan, Qatar, Canada…

Theo giới thiệu trên website của công ty, Trung An cũng là đơn vị quản lý quỹ đất trồng lúa sạch lớn nhất Việt Nam, trực tiếp quản lý, canh tác trên diện tích 1.747 ha trải dài trên 4 tỉnh thành: Cần Thơ, Hậu Giang, Kiên Giang, An Giang. Đồng thời, công ty cũng liên kết với hộ nông dân canh tác theo mô hình hợp tác doanh nghiệp – nông dân với năng suất lúa bình quân đạt mức 9 tấn/ha/vụ.

Về tình hình kinh doanh, kết thúc quý II/2023, Trung An ghi nhận doanh thu thuần đạt hơn 1.615 tỷ đồng, gấp 2 lần cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, giá vốn, chi phí hoạt động cùng lãi vay tăng khiến công ty báo lỗ sau thuế gần 8 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 24 tỷ đồng.

Giải trình về kết quả này, công ty cho biết khoản lỗ chủ yếu do chi phí lãi vay cao hơn cùng kỳ và công ty phải thanh lý hủy không thể thu hồi một số hàng hóa hư hỏng giao tại cảng cho khách hàng nước ngoài.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, công ty ghi nhận doanh thu thuần đạt 2.513 tỷ đồng, tăng 46% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế khoảng 606 triệu đồng trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi gần 51 tỷ đồng.

Năm nay, công ty đặt kế hoạch lãi 50 tỷ đồng, như vậy với kết quả kinh doanh trong 6 tháng đầu năm như trên thì công ty còn cách rất xa mục tiêu đề ra.