Theo danh sách vừa công bố từ Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Khu vực I, tính đến ngày 30/6/2025, có tới 20.214 đơn vị sử dụng lao động tại Hà Nội đang chậm đóng bảo hiểm xã hội từ 2 tháng trở lên. Trong số đó, đáng chú ý là Công ty Cổ phần Giầy Thượng Đình (GTD) đã chậm đóng BHXH suốt 15 tháng liên tiếp, với số tiền lên tới 7,1 tỷ đồng.
Đây không phải lần đầu Giầy Thượng Đình bị "điểm danh" vì chậm nghĩa vụ bảo hiểm cho người lao động. Tình trạng kéo dài nhiều tháng cho thấy rõ dấu hiệu khó khăn về dòng tiền và quản trị tài chính tại một doanh nghiệp từng có lịch sử gắn bó lâu dài với ngành hậu cần quân đội.
Từ xưởng quân nhu đến doanh nghiệp niêm yết
Giầy Thượng Đình được thành lập từ năm 1957, tiền thân là xưởng X30 thuộc Cục Quân nhu Tổng cục Hậu cần, chuyên sản xuất dép cao su và mũ cứng phục vụ quân đội. Sau nhiều năm hoạt động trong cơ chế bao cấp, doanh nghiệp được cổ phần hóa từ ngày 19/07/2016 và chính thức niêm yết trên sàn UPCoM vào ngày 16/12/2016 với 9,3 triệu cổ phiếu mang mã GTD.

Hiện nay, Giầy Thượng Đình đặt trụ sở chính tại số 277 Nguyễn Trãi, phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Vốn điều lệ của công ty tính đến cuối năm 2024 đạt 93 tỷ, trong đó Nhà nước vẫn nắm giữ tỷ lệ chi phối lên đến 68,7%, tương đương gần 63,9 tỷ. Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại Thái Bình sở hữu 10% và phần còn lại thuộc về các cổ đông khác.
📉 Hoạt động kinh doanh ảm đạm: Thua lỗ kéo dài và tồn kho chậm luân chuyển
Theo Báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2024, doanh thu thuần của Giầy Thượng Đình đạt 78,8 tỷ giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2023. Tuy nhiên, lợi nhuận gộp chỉ còn 10,3 tỷ giảm mạnh tới 36,8%, cho thấy biên lợi nhuận đang co hẹp đáng kể.
Đáng chú ý, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng lên gần 20 tỷ trong khi chi phí tài chính dù giảm nhẹ vẫn ở mức gần 1,6 tỷ đồng. Chi phí bán hàng cũng tăng lên 487,8 triệu đồng. Kết quả, công ty báo lỗ ròng gần 13 tỷ gấp 2,6 lần mức lỗ của năm trước (5 tỷ đồng).
💰 Áp lực tài chính và nợ nần chồng chất
Tính đến thời điểm 31/12/2024, tổng tài sản của Giầy Thượng Đình là 120,3 tỷ đồng, giảm 5,2% so với đầu năm. Trong đó, hàng tồn kho chiếm 31,5% tổng tài sản với giá trị 37,9 tỷ đồng và tài sản cố định hữu hình chiếm gần 43%.
Ở phía bên kia bảng cân đối kế toán, tổng nợ phải trả đạt 94 tỷ đồng, tăng 7,3%, vượt xa tài sản ngắn hạn. Trong đó:
🚨Vay Vietcombank chi nhánh Thành Công: hơn 22 tỷ đồng
🚨Vay từ CTCP Đầu tư Thương mại Thái Bình: 6,8 tỷ đồng
🚨Vay dài hạn tại BIDV: 135 triệu đồng
🚨Phải nộp thuế và các khoản nộp Nhà nước: 13,8 tỷ đồng
🚨Phải trả người bán ngắn hạn: 21,7 tỷ đồng
Ngoài ra, vay và nợ thuê tài chính chiếm hơn 29 tỷ đồng, tương đương 30,9% tổng nợ phải trả.
⚠️ Kiểm toán “tuýt còi”: Rủi ro hoạt động liên tục và công nợ khó thu hồi
Trong báo cáo kiểm toán năm 2024, kiểm toán viên đã đưa ra ý kiến ngoại trừ đối với một số khoản công nợ phải thu tồn đọng hơn 14,6 tỷ đồng, do không thể xác minh được tính hiện hữu và khả năng thu hồi. Đồng thời, kiểm toán nêu rõ lo ngại về khả năng hoạt động liên tục của doanh nghiệp khi nợ ngắn hạn vượt tài sản ngắn hạn gần 14,2 tỷ đồng, trong khi kết quả kinh doanh vẫn lỗ liên tiếp.
Ngoài ra, một lượng hàng tồn kho trị giá hơn 5 tỷ đồng được xếp vào diện chậm luân chuyển, tuy chưa bị suy giảm giá trị theo đánh giá của Ban Tổng Giám đốc nhưng vẫn là yếu tố rủi ro trong thời gian tới.
👤 Ai đang điều hành Giầy Thượng Đình?
Theo thay đổi đăng ký doanh nghiệp ngày 26/6/2025, ông Nguyễn Văn Khiêm (SN 1972) hiện giữ chức Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện theo pháp luật. Với tình hình hiện tại, ông Khiêm và Ban lãnh đạo doanh nghiệp đang đối mặt với nhiều áp lực lớn về cải thiện hiệu quả hoạt động, xử lý nợ tồn đọng và đảm bảo quyền lợi cơ bản cho người lao động.