NAM PHƯƠNG NỮ TƯỚNG
Giải mã phong cách lãnh đạo đặc biệt của những người phụ nữ đã làm nên nền kinh tế Việt Nam sau Đổi mới.
I. Quyết định không to – Bản lĩnh rất lớn
Giữa những năm 1990, khi liên doanh với nước ngoài được xem là “con đường tắt” để đưa doanh nghiệp Việt ra biển lớn (có vốn, công nghệ và danh tiếng) thì có hai người phụ nữ đã lặng lẽ từ chối đi lối ấy.
Không tuyên bố lớn tiếng. Không phản đối ai.
Họ chỉ âm thầm chọn một con đường khác: con đường tự lực.
Bà Mai Kiều Liên, Tổng giám đốc Vinamilk, từ chối liên doanh 30:70 để giữ quyền làm chủ. “Nếu mất quyền kiểm soát, tôi không thể đảm bảo triết lý phát triển của Vinamilk, không thể bảo đảm Vinamilk sẽ còn là của người Việt,” bà chia sẻ sau này.
Bà Cao Thị Ngọc Dung, lãnh đạo PNJ, sau khi khảo sát công nghệ của đối tác Úc, quyết định: “Chúng ta hoàn toàn có thể làm được. Không cần phải chia sẻ linh hồn của doanh nghiệp cho một người không sống trong văn hóa của mình.”
Hai câu chuyện, hai người phụ nữ, hai thời điểm… nhưng chung một bản lĩnh:
"Từ chối lối tắt – để đi con đường dài hơn, vững hơn, đúng hơn."

II. Tâm lý học lãnh đạo nữ: không chỉ “cố gắng Gồng”, mà là “sẵn sàng Gánh”
Từ góc nhìn tâm lý học lãnh đạo, lựa chọn ấy phản ánh một nội lực đặc biệt:
- Khả năng đưa ra quyết định đi ngược đám đông, kể cả khi trong đám đông ấy có cả lãnh đạo của mình.
- Tự chủ cao độ, tin vào năng lực của đội ngũ trong nước, vào giá trị mình tạo dựng.
- Trí tuệ cảm xúc sâu sắc, để biết đâu là thứ cần giữ, đâu là thứ có thể thoả hiệp.
Không ít người gọi đó là “trực giác nữ tính”. Nhưng khi nhìn kỹ, đó là thứ trực giác đã được rèn từ chuyên môn, trải nghiệm, và tự soi xét nội tâm trong những quyết định quan trọng.
Câu hỏi đặt ra:
"Liệu có thể mô tả kiểu lãnh đạo này bằng một cấu trúc rõ ràng hơn?"
III. 7C – Bộ mã lãnh đạo của “Nam phương Nữ tướng”
Những người như chị Liên, chị Dung, không tự nhận mình là “nữ tướng”. Nhưng hành xử của họ, qua năm tháng, đã tạo nên một hình mẫu có thể gọi tên.
Từ quan sát những nữ lãnh đạo như các chị, tôi tổng hợp được 7 đặc điểm thường thấy, tạo thành mô hình 7C của Nữ tướng Việt:
1. Can đảm – Dám đi ngược dòng, chọn điều đúng dù có khó đến mấy.
2. Chiến lược – Nhìn xa, chọn dài, không xao nhãng bởi những cám dỗ ngắn hạn.
3. Chuyên môn – Hiểu nghề sâu, dẫn dắt bằng tri thức thực chất.
4. Chịu đựng – Gánh áp lực trong thầm lặng, không thoái lui trước nghịch cảnh.
5. Chính trực – Làm điều đúng, giữ điều đáng, không thoả hiệp với sai lệch.
6. Chăm sóc – Đặt con người vào trung tâm, nuôi dưỡng phát triển bền vững.
7. Chí khí – Có lý tưởng và cốt cách riêng, vững tâm thế, không lay chuyển.
IV. Liệu 7C có thực sự giải thích được những quyết định và phong cách lãnh đạo của các Nam phương Nữ tướng?
Hãy nhìn lại câu chuyện của họ. Không phải theo kiểu liệt kê thành tích, mà nhìn vào cách họ sống, họ làm việc, họ đưa ra quyết định, họ đối diện với biến động.
CAN ĐẢM chẳng phải lúc nào cũng là đứng lên ồn ào to tiếng nói.
Có khi, nó là việc ngồi lặng trong phòng họp, nghe hết mọi lời khuyên “nên liên doanh đi” – rồi vẫn khẽ lắc đầu.
Bà Mai Kiều Liên đã làm điều đó. Và sau này, thị phần sữa Vinamilk đã tăng từ 20% lên gần 50% – mà không cần “dựa lưng” vào ai.
Chiến lược không phải là vẽ một roadmap đầy mũi tên, mà đôi khi chỉ là lựa chọn điều gì không làm.
Bà Cao Thị Ngọc Dung không chọn “buôn vàng cho giàu nhanh”, mà chọn “làm đẹp cho đời”, đưa PNJ đi con đường dài: sản xuất trang sức cao cấp – giữa thị trường vốn thích vàng miếng.
Ai cũng thấy rủi ro. Nhưng bà thấy… hướng đi.
CHUYÊN MÔN ở họ không phải bằng cấp, mà là sự am hiểu đến tận gốc rễ ngành nghề.
Người ta nói “thành công rồi thì đâu cần biết kỹ thuật”. Nhưng cả hai bà đều là người có thể ngồi đọc báo cáo sản xuất, hiểu tỷ lệ hao hụt, hoặc cắt nghĩa vì sao sản phẩm chưa tối ưu.
Không “lãnh đạo từ ghế”, họ lãnh đạo từ trái tim và từng con số.
CHỊU ĐỰNG là năng năng lực không ghi trên CV.
Nó nằm trong những ngày mất ngủ khi thị trường giảm, khi đội ngũ nản, khi tin đồn xoay quanh… nhưng họ vẫn kiên định giữ một chữ: trách nhiệm.
CHÍNH TRỰC là điều thấy rõ nhất trong những lựa chọn họ không bao giờ nói ra.
Không “chạy theo đám đông”, không nói điều dễ nghe, không làm điều dễ nổi.
Ở Vinamilk hay PNJ, bạn sẽ không thấy quảng cáo giật gân, bạn sẽ thấy chất lượng, tử tế, và niềm tin.
CHĂM SÓC, có lẽ, là “vùng sức mạnh” chỉ lãnh đạo nữ mới thể hiện trọn vẹn.
Không chỉ là chính sách phúc lợi, mà là việc bà Liên dành thời gian đến tận chuồng bò, hay bà Dung lắng nghe nhân viên trẻ nói về giấc mơ của mình.
Không ai bắt họ làm vậy. Nhưng họ vẫn làm. Vì họ biết: con người là tài sản bền vững nhất.
Còn CHÍ KHÍ?
Không ai dạy họ điều đó. Không có trường lớp nào cho bạn một tinh thần “dấn thân mà không phô trương, chịu đựng mà không nản lòng, tự tin mà không cần phải chứng minh”.
Nhưng ở họ, ta thấy điều ấy.
Không hô to “tự hào dân tộc”, mà là hành xử từng ngày như một người không dễ khuất phục, không dễ lung lay, không dễ đổi vai.
V. KẾT LUẬN
Vậy 7C có lẽ đã mô tả khá tốt tính cách lãnh đạo của các chị.
Nhưng liệu có còn những nữ doanh nhân khác cũng đang thầm lặng đáp ứng được 7C ấy?
Tôi tin chắc chắn rằng, còn nhiều người phụ nữ chưa được gọi tên, chưa lên sóng khác vẫn đang âm thầm lãnh đạo, kiến tạo, và nuôi dưỡng những giá trị bền vững cho doanh nghiệp, tổ chức, cộng đồng.
Bạn có ai là Nam phương Nữ tướng của mình?
Hãy kể tôi nghe.
Biết đâu, họ sẽ là nhân vật trong bài viết kế tiếp.
P/S: À, tôi quên nói rằng doanh nghiệp của họ là dẫn đầu 2 ngành của nền kinh tế Việt Nam, vượt qua tất cả các doanh nghiệp trong và ngoài nước khác trong ngành. Và các doanh nghiệp ấy cũng mỗi năm đang tăng tỷ trọng doanh thu từ thị trường quốc tế...
---------------------------