Báo cáo chiến lược 2023 của Chứng khoán ACB công bố có nhiều thông tin liên quan đến doanh nghiệp lớn tại Việt Nam, trong số đó có Tập đoàn FPT - doanh nghiệp công nghệ thông tin hàng đầu Việt Nam.

Theo số liệu công bố được cập nhật đến tháng 9/2022, doanh thu thuần của FPT đạt 30.975 tỷ đồng, tăng 24,1%và LNTT đạt 5.665 tỷ đồng, tăng 23,8%. Tăng trưởng tương ứng trong 11T2022 đạt 23,4% và 22,5%. 

Mảng Dịch vụ CNTT thị trường nước ngoài ghi nhận doanh thu tăng 29,4% trong 9 tháng và 31% trong 11T2022. Lợi nhuận trước thuế (LNTT) 9T2022 tăng 27,6%, với biên LNTT đạt 16,5%. Hầu hết các thị trường ghi nhận mức tăng trưởng cao, như Mỹ (+42,4% trong 9 tháng, +48,6% trong 11 tháng), châu Á-TBD (+56,4% trong 9 tháng, +47,3% trong 11 tháng), châu Âu (+23,4% trong 9tháng). 

Doanh thu từ thị trường Nhật Bản sau khi bị ảnh hưởng bởi COVID-19 và đồng JPY giảm giá sâu đã bắt đầu phục hồi, tăng 12% trong 9 tháng và 13% trong 11T2022 (so với mức tăng 8%trong 6T2022). Thị trường Nhật được kỳ vọng sẽ trở lại mức tăng trưởng cao 25-30% trong 2023 do các khách hàng đầu tư trở lại cho các hoạt động CNTT sau dịch. 

"Với tăng trưởng doanh thu ký mới khả quan (tăng 42,6% trong 9 tháng và 37,1% trong 11T2022), FPT có khả năng đạt được mục tiêu 1 tỷ USD doanh thu dịch vụ CNTT thị trường nước ngoài trong 2023, từ mức khoảng 800 triệu USD hiện tại... Công ty gần như hoàn thành một năm 2022 thành công với mức tăng trưởng 31% của mảng dịch vụ CNTT thị trường nước ngoài và được kỳ vọng tiếp tục duy trì đà tăngtrưởng trong 2023. Giá mục tiêu 96.000 đồng/cổ phiếu ", công ty chứng khoán này nhận định. 

Cùng với FPT, CTCP bán lẻ kỹ thuật số FPT (FRT) cũng nhận được đánh giá tích cực của Chứng khoán ACB.
FRT đạt doanh thu thuần 21.708 tỷ đồng (+54,9%) trong 9T2022. Doanh thu chuỗi FPT Shop đạt 15.233 tỷ đồng (+32,3%), với 98 cửa hàng mở mới, nâng số cửa hàng đang hoạt động lên 745 vào cuối tháng 9/2022 (cuối 2021: 647). 

Sau khi tăng mạnh trong nửa đầu năm, doanh thu laptop đã chậm lại trong Q3 (-35%) so với nền cao của cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu các sản phẩm khác, trong đó điện thoại và các sản phẩm Apple chiếm phần lớn, tăng 114,5% trong Q3 và 42,6% trong 9T2022.

Doanh thu Long Châu tăng 159% đạt 6.562 tỷ đồng. Theo ước tính của ACB, doanh thu bình quân mỗi cửa hàng theo quý là 3,2 tỷ đồng trong Q3/2022 sau khi chạm mức 3,95 tỷ đồng trong Q1/2022 do nhu cầu cho các sản phẩm chăm sóc sức khỏe/thuốc tăng cao trong giai đoạn dịch COVID-19 bùng phát.

Tính đến cuối Q3/2022, Long Châu có 800 cửa hàng đang hoạt động (cuối 2021: 400) ở 63 tỉnh/thành, so với 1.071 cửa hàng Pharmacity (63 tỉnh/thành) và 529 cửa hàng An Khang (33 tỉnh/thành).  Trong khi Long Châu đã bắt đầu có lãi từ 2021, Pharmacity và An Khang vẫn chưa.

Về lợi nhuận, FRT ghi nhận 301 tỷ đồng LNST trong 9T2022, tăng 177,5%, nhờ biên lợi nhuận gộp mở rộng (từ 13,4% trong 9T2021 lên 15,5% trong 9T2022) mặc dù tỷ lệ chi phí bán hàng và quản lý trên doanh thu thuần tăng (13,7% trong 9T2022 so với 12,8% trong 9T2021) và lợi nhuận tài chính chuyển từ 34 tỷ đồng trong 9T2021 thành -39,1 tỷ đồng trong 9T2022 (chủ yếu do chi phí lãi vay tăng 69%).

"Chúng tôi định giá cổ phiếu với giá mục tiêu 76.200 đồng/cổ phiếu cho năm 2023 dựa trên triển vọng tiềm năng và khả năng sinh lợi cải thiện của chuỗi nhà thuốc Long Châu", ACB nhấn mạnh trong bài phân tích.