tc4-1-1024x188-1646121389.png
 

Từ năm 2016, hằng năm Forbes Việt Nam thực hiện bảng xếp hạng các thương hiệu giá trị nhất và liên tục mở rộng đối tượng tính toán. Trong lần thứ sáu thực hiện danh sách thương hiệu, Forbes Việt Nam có một điều chỉnh quan trọng. Thay vì đưa ra một danh sách với các công ty trong nhiều ngành, mỗi năm Forbes Việt Nam tính toán giá trị thương hiệu các công ty trong một lĩnh vực cụ thể và các năm sau đó xoay vòng sang các lĩnh vực khác. Sự điều chỉnh này nhằm mở rộng đối tượng tính toán. Năm 2021, danh sách tính toán ngành tài chính.


 


Sau gần 60 năm hoạt động, hiện tại Vietcombank là ngân hàng đa năng, hoạt động đa lĩnh vực, cung cấp các dịch vụ tài chính từ thương mại quốc tế huy động vốn, tín dụng, tài trợ dự án và các công cụ phái sinh, dịch vụ thẻ, ngân hàng điện tử. Tính đến cuối năm 2020, Vietcombank có gần 600 chi nhánh, phòng giao dịch và văn phòng đại diện. Là một trong các định chế tài chính lớn nhất Việt Nam, Vietcombank dẫn đầu thị trường chứng khoán về vốn hóa và đứng thứ hai về lợi nhuận. Nhiều năm liền định chế tài chính này nằm trong danh sách Global 2000 (2.000 công ty lớn nhất thế giới) của Forbes.


 

Techcombank là ngân hàng tư nhân có tốc độ phát triển nhanh và dẫn đầu hệ thống về hiệu quả hoạt động. Nhiều khách hàng ưa thích dịch vụ ngân hàng điện tử và việc miễn phí chuyển khoản tại nhà băng này. Tỉ lệ CASA (tiền gửi không kỳ hạn) của ngân hàng đạt 46%, cao nhất hệ thống. Năm 2020, ngân hàng tăng thêm một 1,1 triệu người dùng, nâng số lượng khách hàng của nhà băng này lên 8,4 triệu người. Hợp tác với đối tác One Mount Group, Techcombank đang thiết lập trải nghiệm số hóa xuyên suốt với các tập khách hàng như: “Thẻ ứng vốn” với chủ tiệm tạp hóa VinShop; trải nghiệm vay mua nhà toàn diện với OneHousing… Cuối năm 2020, mạng lưới của Techcombank có 309 điểm giao dịch.


 

Là một trong các ngân hàng lớn nhất Việt Nam, VietinBank có thế mạnh kinh doanh nguồn vốn với tập khách hàng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp và thương mại. Có bề dày phát triển, VietinBank thiết lập mạng lưới trải rộng toàn quốc với 155 chi nhánh, 958 phòng giao dịch. VietinBank có chín công ty trực thuộc hoạt động trong lĩnh vực chứng khoán, quản lý quỹ, cho thuê tài sản…
VietinBank thiết lập quan hệ ngân hàng đại lý với hơn 1.000 ngân hàng tại hơn 90 quốc gia và vùng lãnh thổ. Năm 2020 là lần thứ chín liên tiếp, VietinBank có mặt trong danh sách Global 2000 của Forbes.


Phát triển ngân hàng theo định hướng bán lẻ, VPBank đồng thời đẩy mạnh các sản phẩm tài chính dựa trên nền tảng công nghệ số. Về xây dựng thương hiệu, VPBank chọn cách quảng bá trên các nền tảng số hoặc các sự kiện thể thao, hòa nhạc lớn. Năm 2020, VPBank đã tăng thêm hơn nửa triệu tài khoản mở mới của khối khách hàng cá nhân. Sau khi bán 49% cổ phần FE Credit cho đối tác Sumimoto Mitsui Bank Corp (Nhật Bản), VPBank vẫn sở hữu 50% cổ phần ở công ty tài chính tiêu dùng có thị phần cho vay tín chấp 55%, dẫn đầu thị phần ở thị trường nội địa. Phục vụ nhóm khách hàng cao cấp, ngân hàng ra mắt dịch vụ VPBank Diamond với các giải pháp tài chính được thiết kế phù hợp nhu cầu của nhóm khách hàng bậc cao.


Là định chế tài chính có lịch sử phát triển lâu đời nhất Việt Nam, BIDV dẫn đầu hệ thống về quy mô tài sản và dư nợ tín dụng. Năm 2020, BIDV dẫn đầu về thị phần cho vay tổ chức kinh tế và dân cư trong khối ngân hàng thương mại cổ phần. Những năm qua, BIDV là nhà tài trợ vốn lớn nhất trong các dự án hạ tầng và đầu tư công nghiệp. Tính đến cuối năm 2020, BIDV có 189 chi nhánh, 906 điểm giao dịch trong nước, là ngân hàng quốc doanh đứng thứ hai hệ thống về mạng lưới hoạt động (sau Agribank). BIDV nhiều năm liền có mặt trong danh sách Global 2000 của Forbes.


 

Xuất phát điểm MB là tổ chức tín dụng ra đời phục vụ doanh nghiệp quân đội trong nhiệm vụ sản xuất kinh doanh thời kỳ hội nhập, giờ đây MB mang dáng dấp một tập đoàn tài chính đa năng hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, quản lý tài sản. Gần đây, MB mở rộng sang các sản phẩm ngân hàng số và cho phép khách hàng lựa chọn số tài khoản nên thu hút nhiều khách hàng mới. App MBBank của MB nhận được giải thưởng Sao Khuê năm 2019, có thời điểm vươn lên đứng đầu về lượt tải trên App Store tại Việt Nam. Năm 2020, MB có thêm 1,9 triệu khách hàng sử dụng App MBBank.

 


Sau 28 năm phát triển, ACB là ngân hàng tư nhân có mức độ nhận biết thương hiệu cao trong khối ngân hàng tư nhân. Năm 2020 đánh dấu sự thay đổi khi ACB chuyển niêm yết từ sàn HNX sang HOSE, thực hiện thương vụ bán bảo hiểm độc quyền với công ty bảo hiểm Sun Life Việt Nam. Tính đến cuối năm 2020, ACB có 371 chi nhánh và phòng giao dịch. Trong quá khứ ACB là ngân hàng tư nhân tiên phong phát hành thẻ tín dụng quốc tế cho khách hàng nội địa. Hiện tại, ACB có thế mạnh với các sản phẩm bán lẻ.Ngân hàng cũng đang đẩy mạnh đầu tư các dự án chuyển đổi số nâng cao trải nghiệm khách hàng.


HDBank là một trong các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân ra đời sớm nhất tại Việt Nam. Nhằm tăng quy mô phát triển, năm 2013 ngân hàng đã thực hiện hai thương vụ M&A như sáp nhập ngân hàng Đại Á và mua lại SGVF – công ty tài chính tiêu dùng HD Saison hiện nay. Tính đến cuối năm 2020, ngân hàng phát triển mạng lưới ra tại 63 tỉnh thành với 305 chi nhánh và điểm giao dịch. Chung cổ đông lớn với Vietjet Air, HDBank có khả năng tiếp cận tệp dữ liệu khách hàng đa dạng bậc nhất để phân loại khai thác, đẩy mạnh kinh doanh.


Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) là ngân hàng bán lẻ tập trung vào nhiều phân khúc khách hàng riêng biệt như cho vay mua xe, cho vay sửa chữa nhà cửa. Thị phần cho vay trả góp mua xe ô tô của nhà băng này chiếm 30% toàn thị trường theo công bố của VIB. Ngân hàng đẩy mạnh phát triển ngân hàng số, ứng dụng MyVIB năm qua lượt tải và đăng ký tăng gấp ba lần, đưa số lượng khách hàng của VIB lên ba triệu người. VIB cũng nắm bắt xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt trong xã hội, đẩy mạnh phát hành các loại thẻ tín dụng có số lượng phát hành mới và chi tiêu cao gấp 1,5-2 lần so với mức trung bình toàn ngành. Cuối năm 2020, VIB có 200 chi nhánh và điểm giao dịch.


 

Là một trong hai ngân hàng cuối cùng được cấp phép thành lập, TPBank là ngân hàng trẻ nhất trong danh sách. Ngân hàng có chiến lược riêng biệt, tập trung phát triển ngân hàng số và hướng vào tập khách hàng trẻ thế hệ Millennials và thế hệ Z. Tính đến cuối năm 2020 TPBank có 400 điểm giao dịch, trong đó hơn 300 điểm giao dịch tự động LiveBank – các box giao dịch hoàn toàn tự động 24/7, đáp ứng 90% các dịch vụ tài chính của ngân hàng. Hiện tại 85% các giao dịch của ngân hàng được thực hiện trên kênh số.



Năm 2021, đánh dấu bước tiến mới của OCB khi niêm yết trên sàn HOSE, góp phần minh bạch hóa và đưa thương hiệu ngân hàng này được biết đến nhiều hơn. Là ngân hàng có tuổi đời trung bình, OCB có quy mô vừa phải, hoạt động an toàn và hiệu quả với hệ thống mạng lưới 134 điểm. Năm 2020 OCB bán cổ phần cho đối tác chiến lược ngân hàng Azura (Nhật Bản). OCB là ngân hàng phát triển đa kênh đầu tiên cho phép khách hàng giao dịch trên nhiều nền tảng song song. OCB OMNI, ngân hàng số do OCB phát triển bên cạnh việc cung cấp cho khách hàng các dịch vụ tài chính tới đối tác liên kết như bảo hiểm, đầu tư.


Với 566 điểm giao dịch, Sacombank là ngân hàng bán lẻ có hệ thống mạng lưới lớn thứ hai trong khối các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân. Được biết đến với các sản phẩm bán lẻ hướng vào từng phân khúc khách hàng riêng biệt, năm 2020 để quảng bá các dịch vụ ngân hàng cao cấp nhà băng này đã mời nhà thiết kế – doanh nhân trẻ Lý Quí Khánh trở thành đại sứ thương hiệu. Bình quân mỗi khách hàng sử dụng hơn ba sản phẩm dịch vụ của Sacombank. Nhà băng tư nhân này cũng mở rộng phát triển máy POS, hệ thống ATM cũng như cung ứng nhiều sản phẩm thẻ, dịch vụ tài chính linh hoạt.


Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB), tiền thân là ngân hàng TMCP Nông thôn Nhơn Ái, được thành lập năm 1993 tại Cần Thơ. Năm 2006, ngân hàng chính thức đổi tên thành ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB), chuyển trụ sở từ Cần Thơ ra Hà Nội và niêm yết trên HNX. Mạng lưới của ngân hàng đã mở rộng tại gần 50 tỉnh thành với 530 điểm giao dịch trong nước và nước ngoài. Cuối năm 2020, SHB đứng trong nhóm năm ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân có quy mô lớn, thu hút năm triệu khách hàng cá nhân. Trong quá khứ, SHB đã sáp nhập ngân hàng cổ phần Nhà Hà Nội (Habubank) để tăng quy mô và góp phần tái cơ cấu hệ thống ngân hàng.


LienVietPostBank hay ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt tiền thân là ngân hàng TMCP Liên Việt được thành lập vào năm 2008. Năm 2011, ngân hàng sáp nhập với công ty Dịch vụ Tiết kiệm Bưu điện để trở thành ngân hàng tư nhân có mạng lưới rộng nhất hệ thống với 556 phòng giao dịch và 613 phòng giao dịch bưu điện và mang tên mới. LienVietPostBank phát triển theo định hướng ngân hàng bán lẻ. Hệ thống mạng lưới rộng khắp đã tạo điều kiện cho LienVietPostBank thực hiện tốt việc chi trả bảo hiểm xã hội, đặc biệt tại các địa phương vùng sâu, vùng xa khi dịch vụ ngân hàng còn chưa phủ đến.


Maritime Bank là một trong các ngân hàng tư nhân ra đời sớm với trụ sở đầu tiên đặt tại Hải Phòng, sau đó chuyển về Hà Nội. Theo công bố, hiện tại ngân hàng thu hút 1,8 triệu khách hàng cá nhân, 45 ngàn khách hàng doanh nghiệp.
Nhằm gia tăng vị thế, năm 2015 Maritime Bank đã sáp nhập Mekong Bank trở thành một trong năm ngân hàng thương mại cổ phần dẫn đầu về hệ thống mạng lưới. Gia tăng dịch vụ và trải nghiệm khách hàng, Maritime Bank là ngân hàng tiên phong kết nối mã M-QR cùng lúc với hai ví điện tử Payoo và VNPay.


Nhằm minh bạch hóa thông tin và xây dựng thương hiệu, đầu năm 2021, ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) đã niêm yết trên HOSE. Trong hệ thống, SeABank là ngân hàng quy mô nằm ở nhóm giữa bảng xếp hạng. Với định hướng phát triển thành ngân hàng bán lẻ đa năng, nhà băng này có 166 điểm giao dịch vào cuối năm 2020. SeABank đã liên kết với 420 đối tác lớn, với hơn 4.000 điểm ưu đãi và hơn 30 đối tác trả góp tên tuổi trên thị trường.


Tiền thân của ABBank là ngân hàng Nông thôn An Bình được cấp giấy phép hoạt động năm 1993. Năm 2004 ngân hàng được nâng cấp thành ngân hàng đô thị và đặt trụ sở tại Hà Nội. Trong hệ thống ngân hàng Việt Nam, ABBank có quy mô trung bình nằm ở giữa bảng xếp hạng. Tính đến cuối năm 2020, ABBank có 165 chi nhánh và phòng giao dịch. Năm 2008 tập đoàn Maybank (Malaysia) mua cổ phần trở thành cổ đông chiến lược của ABBank.




Công ty cổ phần Chứng khoán Kỹ thương – Techcom Securities (TCBS) là công ty chứng khoán trực thuộc ngân hàng Techcombank. Những năm qua TCBS là một trong những công ty chứng khoán có tốc độ tăng trưởng nhanh và hiệu quả nhất thị trường. Với định hướng chiến lược phát triển riêng, có sự hỗ trợ của ngân hàng mẹ, TCBS chiếm 40% thị phần trái phiếu phát hành, gần 70% thị phần giao dịch trái phiếu tại HOSE. Về môi giới cổ phiếu, nửa đầu năm 2021, TCBS thuộc tốp 10 thị phần môi giới cổ phiếu với 3,85%. Năm 2020, lợi nhuận của TCBS gần bằng tổng lợi nhuận của ba công ty chứng khoán hàng đầu thị trường là SSI, HCM và VCSC cộng lại.


SSI là một trong ba công ty chứng khoán đầu tiên của Việt Nam và hiện tại đang dẫn đầu thị trường về quy mô doanh thu và tài sản. Suốt giai đoạn dài SSI dẫn đầu thị phần môi giới và chứng chỉ quỹ trước khi tụt xuống vị trí thứ hai. Niêm yết trên thị trường chứng khoán từ năm 2007, giữa năm 2021 vốn hóa công ty đạt gần 1,8 tỉ đô la Mỹ. Công ty quản lý quỹ Tầm nhìn SSI trực thuộc SSI, tính đến giữa năm 2021, đang quản lý tài sản gần 10 ngàn tỉ đồng với nhiều chứng chỉ quỹ đang niêm yết: SSIAM VN30, SSIAM VNFIN.


Tên tuổi công ty chứng khoán Bản Việt gắn với nhiều thương vụ M&A và IPO của các công ty tư nhân lớn như: Masan Group, Techcombank, VPBank… Mới nhất, năm 2021, công ty chứng khoán này tư vấn cho FE Credit bán 49% cổ phần cho Sumitomo Mitsui Banking Corp, với giá trị công ty tài chính tiêu dùng này được định giá 2,8 tỉ đô la Mỹ. Nửa đầu năm 2021, VCSC chiếm 5,25% thị phần môi giới tại HOSE, xếp thứ năm.


 

Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC) là nhà môi giới chứng khoán có tên tuổi. Giữa năm 2020, HSC đứng thứ ba về thị phần môi giới tại HOSE với 7,52% thị phần. Niêm yết trên HOSE từ năm 2009, công ty nhạy bén với các sản phẩm mới trên thị trường như giao dịch hợp đồng tương lai, chứng khoán phái sinh. Quỹ đầu tư Anh Quốc, Dragon Capital hiện đang nắm 30,5% cổ phần tại công ty chứng khoán này.


VNDirect là nhà môi giới chứng khoán mở rộng thị phần nhanh trong những năm gần đây. Tính đến tháng 6.2021, VNDirect nắm 7,13% thị phần môi giới tại HOSE. So với các đối thủ cạnh tranh khác, VNDirect nổi bật với đội ngũ môi giới trẻ, năng động. Công ty chứng khoán này tự phát triển phần mềm giao dịch kể từ khi mới hoạt động.



Với bề dày gần 60 năm hoạt động, thương hiệu Bảo Việt được biết đến rộng khắp từ nông thôn đến thành thị, đặc biệt gắn với lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ. Năm 2020, Bảo Việt dẫn đầu thị trường với 21,9% thị phần doanh thu khai thác mới ở mảng bảo hiểm nhân thọ và ở mảng bảo hiểm phi nhân thọ, họ chiếm 16,9% thị phần doanh thu phí bảo hiểm gốc. Hiện tại, Bảo Việt hoạt động như một tập đoàn tài chính đa năng, trong đó lĩnh vực bảo hiểm đóng vai trò hạt nhân. Thương hiệu Bảo Việt xuất hiện trong lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, quản lý tài sản.


Là thành viên của tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), cổ đông đang kiểm soát 35% cổ phần, thương hiệu PVI dễ nhận biết với logo hình ngọn lửa. Từ xuất phát điểm, PVI chiếm thị phần tuyệt đối về bảo hiểm cho các dự án khai thác và thăm dò dầu khí trên thềm lục địa Việt Nam và các dự án của PVN ở nước ngoài. PVI cũng dẫn đầu thị phần bảo hiểm trong lĩnh vực công nghiệp, ngoài dầu khí PVI còn có thế mạnh trong mảng bảo hiểm hàng hải. Năm 2020, PVI chiếm 13,7% thị phần bảo hiểm gốc trong mảng bảo hiểm phi nhân thọ, xếp thứ hai trên thị trường. Tập đoàn Talax của Đức đang nắm giữ 42,34% cổ phần PVI. Kể từ khi có cổ đông ngoại, PVI đã từng bước đa dạng hóa các sản phẩm bảo hiểm.


Theo thống kê của hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, hiện nay, tổng CTCP Bảo hiểm Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIC) nằm trong top 3 nhà bảo hiểm phi nhân thọ có tỉ suất sinh lời cao nhất thị trường. BIC là một trong các công ty dẫn đầu thị trường về phát triển kênh phân phối bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance) và kênh bảo hiểm trực tuyến (e-business). BIC là công ty bảo hiểm nội địa đầu tiên có mạng lưới hoạt động phủ thị trường Đông Dương.


Phương pháp tính
Trong lần thứ sáu thực hiện danh sách những thương hiệu dẫn đầu, Forbes Việt Nam có một điều chỉnh. Thay vì tính toán danh sách đa ngành như trước đây, Forbes Việt Nam tính toán giá trị thương hiệu của các công ty trong một lĩnh vực cụ thể. Sự điều chỉnh này nhằm mở rộng đối tượng tính toán và tập trung vào từng lĩnh vực.
Năm 2021, Forbes Việt Nam tính toán danh sách 25 thương hiệu dẫn đầu ngành tài chính. Sử dụng phương pháp của Forbes (Mỹ), Forbes Việt Nam định lượng giá trị của một thương hiệu thông qua những số liệu tài chính, dựa trên khả năng tạo ra lợi nhuận. Theo nguyên tắc chung, lợi nhuận của các doanh nghiệp có phần tạo ra từ tài sản hữu hình và vô hình. Vì vậy, thương hiệu có đóng góp vào lợi nhuận, đó là giá trị thương hiệu.
Để tính toán, chúng tôi xác định lợi nhuận tạo ra từ tài sản vô hình (loại bỏ lợi nhuận tạo ra từ các tài sản hữu hình). Giá trị thương hiệu được xác định từ lợi nhuận ở trên sau khi phân bổ hệ số đóng góp của thương hiệu trong từng ngành và hệ số P/E trung bình của ngành đó tại thời điểm tính toán. Forbes Việt Nam cảm ơn FiinGroup đã hỗ trợ quá trình tính toán.