Mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam đã có công văn gửi Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lào, Chủ tịch Ủy ban Hợp tác Lào - Việt Nam về đề xuất tham gia hợp tác nghiên cứu, đầu tư dự án tuyến đường sắt Viêng Chăn - Vũng Áng của Công ty CP Tập đoàn FLC.
Như công văn dưới đây của Bộ KHĐT giới thiệu TĐ FLC với Chính phủ Lào về việc nghiên cứu đầu tư tuyến đường sắt kết nối từ cửa khẩu Cha Lo thuộc tỉnh Thà Khẹk (Lào) và tỉnh Quảng Bình đến cảng Vũng Áng (Hà Tĩnh) với chiều dài khoảng 160km trên đất Việt Nam (CP Việt Nam đã thỏa thuận cho CP Lào thuê 50 năm khu cảng 1,2,3 thuộc cảng Vũng Áng mở rộng) thì đây thực sự là dự án khá quan trọng.
Theo kế hoạch, Tập đoàn FLC sẽ liên doanh với Laos’ PTL Holding là Tập đoàn lớn nhất của Lào trong lĩnh vực tài chính, hàng không, BĐS, xây dựng, dầu khí…để triển khai Dự án tuyến đường sắt từ năm 2022 đến 2024.
Theo Liên danh Tư vấn Dohwa-KRTC-Sambo, dự án tuyến đường sắt nối từ Vientiane (Lào) đến cảng Vũng Áng (Hà Tĩnh, Việt Nam) có tổng mức đầu tư 5 tỷ USD (khoảng 113.500 tỷ đồng), có thể sẽ được đầu tư theo hình thức hợp tác công tư (PPP) trong thời gian 7 năm xây dựng.
Dự án hỗ trợ kỹ thuật nghiên cứu khả thi dự án tuyến đường sắt nối từ Vientiane (Lào) đến cảng Vũng Áng (Việt Nam) do Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tài trợ.
Theo Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA), đơn vị tư vấn nghiên cứu đã khảo sát và thu thập dữ liệu liên quan tại 5 địa phương của Việt Nam và Lào thuộc diện ảnh hưởng trực tiếp của dự án gồm: Quảng Bình, và Hà Tĩnh (Việt Nam); Viêng Chăn, tỉnh Bolikhamxay, Khammuanae (Lào) và đưa ra 2 phương án hướng tuyến.
Tuyến đường sắt nối từ Vientiane đến cảng Vũng Áng có tổng chiều dài toàn tuyến 554,7km, trong đó phạm vi thuộc lãnh thổ Việt Nam từ đèo Mụ Giạ đến cảng Vũng Áng dài 102,km.
Để đảm bảo tính hiệu quả đầu tư tối ưu, đoạn từ Thakhek đến cảng Vũng Áng có chiều dài 241,9km được đề nghị đầu tư xây dựng trước (Lào 139,1km, Việt Nam 102,7km) với mức đầu tư khoảng 2,84 tỷ USD (khoảng 63.500 tỷ đồng); trong đó Việt Nam bỏ ra 1,587 tỷ USD (khoảng 34.000 tỷ đồng), Lào là 1,25 tỷ USD (khoảng 27.200 tỷ đồng).
Dự án có 63 cầu tổng chiều dài 6,9km; 15 hầm với tổng chiều dài 37,6km; 8 nhà ga (1 Depot, 3 ga giữa và 4 ga trung chuyển). Tại phạm vi biên giới Việt Nam - Lào sẽ kết nối bằng đường hầm có chiều dài 2,3km.
Tuyến đường sắt đoạn từ Thakhek đến cảng Vũng Áng sẽ được xây dựng tuyến đường sắt điện khí hóa, có tốc độ 150km/giờ, khổ đường ray 1.435mm, bán kính đường cong tối thiểu là 1.200mm, bề rộng nền đường trên 8m.
Dự án được triển khai nhằm mục tiêu để phát triển các cơ sở hạ tầng đường sắt mới của Lào và Việt Nam, góp phần vào việc thúc đẩy hội nhập kinh tế ASEAN bằng cách tăng cường kết nối đường sắt giữa Lào và Việt Nam.
Trước đó, tại buổi hội kiến giữa Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính với Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith vào tháng 6/2021, hai bên nhất trí phối hợp tìm nguồn vốn đầu tư và thúc đẩy sớm triển khai các dự án kết nối giao thông chiến lược, trong đó có đường sắt Vientiane - Vũng Áng (Hà Tĩnh).