trinh-van-quyet-tai-san-1633655617.jpg
Ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC

Tập đoàn FLC vừa cập nhật phương án chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. Cụ thể, Hội đồng quản trị FLC quyết định khối lượng chào bán dự kiến là xấp xỉ 497 triệu đơn vị, tương đương với 70% số cổ phiếu FLC đang lưu hành.

Với giá chào bán 10.000 đồng/cp (thấp hơn 11% so với giá đóng cửa 7/10), Tập đoàn FLC dự kiến thu về gần 4.970 tỷ đồng nếu bán được toàn bộ số cổ phiếu trên. Đồng thời vốn điều lệ công ty sẽ tăng từ 7.100 tỷ lên 12.070 tỷ đồng, tương đương hơn 1,2 tỷ cổ phiếu.

Theo kế hoạch sử dụng vốn, Tập đoàn dự kiến chi khoảng 4.500 tỷ sẽ được dùng để đầu tư vào loạt dự án bất động sản, cụ thể:

- Khu đô thị tại phường Hà Khánh, TP Hạ Long (giai đoạn 1 và 2): 800 tỷ đồng

- Trung tâm hội nghị, khách sạn, du lịch nghỉ dưỡng và biệt thự nghỉ dưỡng FLC Quảng Bình: 1.050 tỷ đồng

- Khu biệt thự nghỉ dưỡng FLC Hải Ninh 2: 150 tỷ đồng

- Tổ hợp khách sạn và nhà phố thương mại tại số 29 Nguyễn Văn Cừ, phường Ia Kring, TP Pleiku, Gia Lai: 240 tỷ đồng.

- Tổ hợp thương mại, dịch vụ vui chơi giải trí và nhà phố tại đường Trường Chinh, phường Trường Chinh, TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum: 510 tỷ đồng

- Sân golf Đak Đoa, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai: 650 tỷ đồng

- Khu nhà ở mật độ cao Hiệp Thành – Vĩnh Trạch Đông: 1.100 tỷ đồng

Số tiền còn lại khoảng 470 tỷ đồng sẽ được dùng để bổ sung vốn lưu động cho tập đoàn.

Tỷ lệ chào bán thành công tối thiểu là 70% phần vốn huy động để thực hiện dự án, tương đương số tiền tối thiểu thu được từ đợt chào bán là 3.150 tỷ đồng. Trong trường hợp tỷ lệ chào bán thành công không đáp ứng mức tối thiểu, đợt chào bán này sẽ bị hủy.

Cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu sẽ được niêm yết bổ sung tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HOSE).

Đóng cửa phiên giao dịch 7/10, thị giá FLC dừng 11.250 đồng/cp. Với 710 triệu cổ phiếu đang lưu hành, giá trị thị trường của Tập đoàn FLC hiện đạt xấp xỉ 8.000 tỷ đồng.

Trước đó, Tập đoàn FLC đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất bán niên 2021 sau soát xét với lợi nhuận trước thuế giảm 1,1 tỷ đồng so với báo cáo tự lập xuống còn 96,2 tỷ đồng.

Cụ thể, doanh thu thuần bán hàng và cung cấp dịch vụ nửa đầu năm sau kiểm toán được điều chỉnh tăng gần 413 tỷ đồng (tương đương 11%) so với báo cáo tự lập. Tuy nhiên giá vốn hàng bán điều chỉnh tăng tới 512 tỷ, tương đương 13,9%.

Kết quả, FLC chuyển từ lãi gộp 58,5 tỷ thành lỗ gộp 41,2 tỷ trong nửa đầu năm. FLC vẫn có lãi trước thuế nhờ được điều chỉnh doanh thu tài chính tăng thêm 149 tỷ sau soát xét. 

Giải trình về sự chênh lệch này, FLC cho biết là do điều chỉnh một số giao dịch hợp nhất.

Trên bảng cân đối kế toán, tổng tài sản tại cuối quý II giảm hơn 1.191 tỷ (tương đương 3,7%) so với báo cáo tự lập xuống còn 30.841 tỷ. Trong đó, tài sản ngắn hạn giảm 742 tỷ và tài sản dài hạn giảm 449 tỷ.

Tương ứng bên nguồn vốn, vốn chủ sở hữu của FLC được điều chỉnh tăng nhẹ 2 tỷ trong khi tổng nợ phải trả giảm 1.193 tỷ đồng. Cụ thể, nợ ngắn hạn tăng thêm 716 tỷ, ngược lại nợ dài hạn giảm 1.909 tỷ - chủ yếu do điều chỉnh phải trả dài hạn khác.

Trong văn bản giải trình, Tập đoàn FLC không giải thích về những sự điều chỉnh của kiểm toán trong bảng cân đối tài sản nguồn vốn.