pax-1068x600-1635352559.jpg
PAX hiện là công ty cung cấp thiết bị thanh toán điện tử (máy kéo thẻ) lớn thứ ba thế giới, sau hãng Verifone của Mỹ và Ingenico của Pháp.

1/ Cổ phiếu của hãng thiết bị thanh toán điện tử PAX Global Technology của Trung Quốc đã trượt dốc 43,3% trên thị trường Hong Kong trong hôm nay, sau đó bị dừng giao dịch sau khi có tin một nhà kho của PAX ở Florida bị Cục Điều tra Liên bang (FBI) và các cơ quan an ninh Mỹ bố ráp.

Trong một thông cáo, FBI cho biết cơ quan này “đang thực thi cuộc khám xét theo lệnh của tòa nhằm mở rộng hơn cuộc điều tra toàn liên bang”. Tham dự cuộc bố ráp cùng FBI còn có các Bộ Nội an, Bộ Thương mại, Hải quan, cảnh sát địa phương và các nhà điều tra tội phạm của lực lượng Hải quân.

Trang thông tin an ninh mạng KrebsOnSecurity nói rằng PAX bị điều tra vì có nhiều dấu hiệu cho thấy các thiết bị của hãng được dùng trong các tấn công mạng.

PAX hiện là công ty cung cấp thiết bị thanh toán điện tử (máy kéo thẻ) lớn thứ ba thế giới, sau hãng Verifone của Mỹ và Ingenico của Pháp. Thành lập năm 2000, PAX niêm yết trên thị trường chứng khoán Hong Kong trong năm 2010 và đã bán trên 60 triệu thiết bị ở 120 nước trên thế giới. PAX hiện chiếm thị phần khá lớn ở châu Mỹ Latinh.

Như vậy biết đâu cái máy cà thẻ bạn thường thấy ở các điểm thanh toán ở Việt Nam đang là "gián điệp nằm chờ thời"... 

2/ Gần 70% doanh nghiệp, tổ chức trên thế giới điên đầu vì tin tặc tống tiền mùa dịch

Nhiều doanh nghiệp, tổ chức và chính phủ các nước đang có nguy cơ trở thành mồi ngon cho hacker. Mỗi ngày trên thế giới xuất hiện thêm 360.000 mã độc mới, tăng đến 25% so với trước dịch. Các đợt tấn công mạng đòi tiền chuộc ngày càng gia tăng với mức độ thường xuyên hơn. Hơn 50% các trường hợp bị tấn công ở bảy thị trường chính trên thế giới, các nạn nhân buộc phải dàn xếp để trả tiền chuộc và các khoản tiền chuộc ngày càng lớn.

Công ty an ninh mạng Proofpoint của Mỹ cho biết, khoảng 2.400 trong tổng số 3.600 công ty khảo sát của Proofpoint đã phải đối diện với các đợt tấn công mạng trong năm 2020, tức hơn 66%. Trong số các nạn nhân, 52% đã trả tiền cho tin tặc để phục hồi lại dữ liệu. Có đến 87% các định chế tại Mỹ đã chọn cách trả tiền, kế tiếp là Anh với 59% và Đức là 54%. Khoảng 1/3 các mục tiêu của Nhật cũng chịu dàn xếp bằng tiền. 

Trong hai vụ tấn công nổi tiếng vào tháng 5-2021 vừa rồi, nhà điều hành đường ống dẫn dầu Colonial Pipeline ở bờ Đông nước Mỹ và nhà cung ứng thịt JBS của Brazil đã thừa nhận là đã trả tiền chuộc cho tin tặc. Tác hại nghiêm trọng của các vụ tấn công ảnh hưởng đến năng lực điều hành, vì thế các doanh nghiệp đã buộc phải chi. 

 

Photo credit: Reuters