
Trong bài viết này, mình cùng xem Tuệ Lâm đã pitch như thế nào và chúng ta có thể học, và không học được gì để pitch-thang-máy cho hiệu quả nhé từ cá-mập này nhé. (đoán xem học hay không-học được nhiều hơn nào…)
ELEVATOR PITCH LÀ GÌ?
Elevator pitch (bài pitch thang máy) là một phần giới thiệu, quảng cáo về “sản phẩm” để hút được sự quan tâm của người đối diện trong một khoảng thời gian ngắn từ 30 giây đến 1 phút, chỉ vừa bằng đi thang máy của một tòa nhà. “Sản phẩm” ở đây có thể là một ý tưởng chưa thành hình, một công ty, một dịch vụ, hoặc bạn cũng có thể nói về chính bạn.
Tưởng tượng bạn là ứng viên đang tìm việc, bạn bước vào thang máy và tình cờ, giám đốc của công ty mơ ước của bạn cũng đang trong đó. Bạn có thời gian từ lúc đó đến lúc thang máy dừng ở tầng 28 của tòa nhà để nói chuyện với người đó. Nhiệm vụ của bạn là phải cung cấp những thông tin ngắn gọn mà vẫn truyền tải đủ thông điệp, để gây ấn tượng đủ để xin được email của chị giám đốc để liên lạc sau đó, gửi CV và xin phỏng vấn.
30 giây, bắt đầu …
Trong 1 bài pitch-thang-máy, vì thời gian ngắn và bạn có nhiệm vụ là phải khiến người kia ít nhất là có ấn tượng mang máng về bạn; vậy nên có một lượng thông tin nhất định bạn cần truyền tải:
1. Who: Bạn là ai? Mô tả ngắn gọn bản thân mình để định vị bản thân phù hợp trong bối cảnh và đối tượng nghe.
2. What: Bạn làm gì? Tập trung vào việc bạn muốn người nghe nhớ tới bạn về công việc, lĩnh vực hay ý tưởng mà bạn đang triển khai.
3. The ask: Bạn cần gì? Đây là phần quan trọng nhất: Luôn luôn kết thúc bằng một câu hỏi, hoặc một yêu cầu cụ thể. Tùy thuộc vào mục tiêu và bối cảnh mà bạn ở trong mà phần ask này sẽ khác nhau, phổ biến nhất là xin thông tin liên lạc để hẹn một buổi trò chuyện dài hơn, xin email để gửi tài liệu tham khảo để vào việc sâu hơn, etc.
Mục tiêu của elevator pitch KHÔNG phải để “bán” - bán sản phẩm, bán ý tưởng, bán thân. Mục tiêu của bài pitch này là tạo ra “cú chạm ban đầu”, mở ra những cuộc trò chuyện sau này. Bạn chỉ cần người ta chú ý và biết đến sự tồn tại của bạn; khi bạn liên lạc cho bước tiếp theo qua email, qua điện thoại, hay bất cứ một hình thức liên lạc nào khác, người ta lờ mờ nhận ra “Ah, đây là con bé A gặp ở thang máy (hay sự kiện) B” - vậy là đủ.
---
QUAY LẠI VỚI CHUYỆN TUỆ LÂM, chúng ta cùng phân tích “khả năng đặc biệt” của cô trong phần pitch-thang-máy truyền thần này nhé. Nguyên văn phần pitch mở đầu như sau:
“Vừa rồi trong phần giới thiệu thì em có thấy là anh Tuấn là người không bao giờ nói không với những thứ mới, nên em muốn đem đến một ý tưởng mà không biết có mới không nhưng chắc chắn là sẽ không cũ. Đấy là em muốn mời Dragon Capital trở thành nhà đầu tư chiến lược của Nextrans vào vòng fundraise thứ 3 của quỹ em vào tháng 3 năm tới. Anh nghĩ sao về ý tưởng này ạ?”
1. Nội dung: 404 Not Found oopsie…
Về nội dung thì bài pitch này là gần như là không có nội dung. Tuệ Lâm không truyền tải được cả 2 câu hỏi ‘Who’ và ‘What’ - Tuệ Lâm là ai, làm gì, Nextrans là gì, tại sao người nghe lại phải quan tâm?
Nếu có xem hết video thì bạn sẽ thấy, anh Tuấn từ bên Dragon Capital đã khá bối rối sau khi nghe phần pitch này và phải hỏi lại: “Anh chưa biết Nextrans làm gì?”. Khi bạn elevator pitch, bạn cần xác định là bạn gần như không có, hoặc có rất ít để trao đổi qua lại. Trong trường hợp bạn có thời gian hơn một chút, nếu đối phương đặt một câu hỏi lại cho bạn, đó là một tín hiệu tốt, thể hiện sự quan tâm. Nhưng nếu phải để đối phương đặt một câu hỏi cơ bản về việc bạn làm gì, hay công ty, ý tưởng của bạn là gì vậy - một thông tin mà đã nên có trong bài pitch ban đầu, đó là một tín hiệu của một phần pitch kém hiệu quả.
2. Sử dụng nhiều câu từ dài dòng, không có ý nghĩa hay giá trị gì cho bài pitch: “ý tưởng không biết có mới không nhưng chắc chắn sẽ không cũ”, “con số không bao giờ nói dối nên em sẽ tập trung vào con số”.
Khi chuẩn bị cho phần pitch, bạn luôn đặt câu hỏi: “Giá trị gì mà từ này, đoạn này, câu này đang mang đến cho người nghe?”. Nếu câu trả lời là “Không có gì” thì hãy lược bỏ nó đi. Vì thời gian là giới hạn nên hãy cung cấp những thông tin đắt giá nhất, thay vì dông dài cho một vài câu từ hoa mỹ vô nghĩa.
3. Có the ask cụ thể “mời Dragon Capital trở thành nhà đầu tư chiến lược của Nextrans” nhưng câu hỏi cuối quá mông lung. “Anh nghĩ sao về ý tưởng này?” không phải là yêu cầu hay một câu hỏi tốt để gợi mở về việc người nghe có thể làm gì tiếp theo.
Một câu hỏi tốt hơn có thể là, ví dụ thôi nhé: “Em có thể gửi thêm thông tin qua email để anh Tuấn xem và xin một cuộc gặp trao đổi kỹ hơn trong tuần này không ạ?”
4. Một điểm sáng mà mình nhìn thấy trong phần pitch này đó là kỹ thuật giao tiếp: Use similarity to build rapport - Dùng điểm chung để gây thiện cảm, dù triển khai chưa tới. Ở đoạn đầu, Tuệ Lâm có chỉ ra quan sát cá nhân của mình là thấy anh Tuấn là người thích cái mới, và từ đó bám vào đó, giới thiệu Tuệ Lâm có một ý tưởng mới muốn mời anh Tuấn tham gia.
Kỹ thuật này có thể được áp dụng rất thực tiễn trong nhiều tình huống giao tiếp khi gặp người mới. Ví dụ, các bạn có thể tìm hiểu trước về đối tượng nghe để tìm ra những điểm chung, có thể về học vấn (cùng trường cấp 3?), sở thích (cùng thích chạy bộ? cùng thích xem Cô dâu 8 tuổi?), background (cùng là ngoại tỉnh lên thành phố lớn học?), etc, và khéo léo đưa nó vào bài pitch và cuộc trò chuyện sao cho tinh tế và liên quan nhất. Phương thức này hiệu quả vì rất nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng chúng ta thường có thiên hướng sẽ có cảm tình với người giống mình hơn.
Bạn nghĩ sao về phần elevator pitch này? Nói mình nghe thêm ở dưới nhé.
Theo Hà Linh đi-học