Trừ những người cày cuốc "chỉ vì đam mê" ra thì bất kỳ ai gắn bó với một công việc cũng vì lộ trình thăng tiến, muốn được phát triển, được công nhận, và điều quan trọng đi kèm vẫn là một mức lương xứng đáng với công sức họ bỏ ra, người ta vẫn hay gọi vui là "lương đủ sống" hay may mắn hơn thì từ mức lương đó họ biết cách tích cóp, dư giả, sớm muộn gì cũng sắm đủ nhà lầu, xe hơi. Nhưng làm sao đủ? Lương phải tăng, nhưng làm sao để tăng thì luôn là điều khiến chúng ta phải suy ngẫm.

Nhận lương bậc 1, nhưng phải làm việc của lương bậc 1.5?

Nói về điều này, Shark Hưng từng nhận định rằng nếu bạn chỉ làm việc đúng như bổn phận trách nhiệm của bạn, bạn sẽ không bao giờ có cơ hội thăng tiến.

"Người tuyển dụng bao giờ cũng muốn nhận được giá trị cao hơn cái người ta phải trả. Nếu bạn chỉ làm đúng công việc, đúng bổn phận của mình, bảo gì làm nấy thì các bạn chỉ là người bình thường; còn nếu bảo gì mà không làm được nấy thì các bạn vứt đi rồi.

Bảo một cái, làm hai, ba cái, thậm chí làm trước những cái mà sếp còn chưa nói thì các bạn mới là người xuất sắc. Như vậy, các bạn sẽ có cơ hội thăng tiến. Các bạn ở ‘level’ dưới mà sẵn sàng làm những việc ở ‘level’ trên, nhận lương bậc 1 mà làm những việc lương bậc 1.5, thậm chí bậc 2 thì tôi tin chắc rằng, sớm hay muộn, các bạn sẽ được cất nhắc lên hạng 2.

Hay lương hiện tại bậc 2 nhưng làm những việc lương bậc 3, 4, chắc chắn các bạn sẽ được thăng tiến thôi." Shark Hưng chia sẻ. (tôi gọi đây là trường hợp 1)

Tuy nhiên vẫn có ý kiến cho rằng, những điều trên chỉ là do các sếp tự vẽ ra trong quy tắc riêng của họ để rồi áp đặt lên nhân viên, cấp dưới một cách tài tình. Bởi nếu theo định nghĩa chung về công việc, bạn làm ở mức nào thì sẽ nhận về mức lương đó. Nếu khi bạn làm tốt ở bậc 1, thì việc cất nhắc lên bậc 2 là do sếp có biết giữ người tài hay không? (tôi gọi đây là trường hợp 2)

Bạn nghĩ sao?

Phòng dịch COVID-19: Làm sao để làm việc tại nhà hiệu quả trong mùa dịch? - CareerBuilder.vn

Câu chuyện này có khá nhiều khía cạnh để bàn đến. Việc lựa chọn hình thức xem xét và cất nhắc vị trí còn tùy thuộc vào... sở thích của ông sếp của bạn nữa.

  • Nếu sếp của là một người có tâm thì khi bạn làm tốt cả hai trường hợp ở trên, bạn chắc chắn sẽ được đền đáp xứng đáng, nhận lại đúng giá trị mà công sức, tâm huyết bạn đã bỏ ra cho công ty, sếp của bạn sẽ nhìn thấy những việc bạn làm, và ghi nhận bạn.
  • Nếu sếp của bạn vẫn là một người có tâm, nhưng anh/chị ấy có sự yêu thích, đánh giá riêng về độ chính xác của một trong hai trường hợp kể trên, thì lại là một câu chuyện dài hơn. Giả dụ rằng anh/chị ấy nghĩ rằng một nhân viên đáp ứng được trường hợp 1 (cống hiến, hy sinh hết mức mới có cơ hội được cất nhắc, công nhận), thì khi bạn chỉ theo trường hợp 2 (làm vừa đủ trách nhiệm của mình và mong chờ đến ngày được tăng lương) sẽ khó xảy ra hơn.

Lợi ích khi bạn chọn cống hiến hết mình

Thực tình mà nói, tôi nghĩ đa số các sếp đều sẽ dựa vào trường hợp 1 để đánh giá năng lực của nhân viên. Bởi khi một nhà tuyển dụng gặp gỡ và xác nhận sự phù hợp của bạn với vị trí hiện tại, thì trong mắt họ, năng lực của bạn "chỉ được nhiêu đó" thôi. Bạn muốn chứng tỏ mình mạnh hơn, có giá trị hơn thì bạn cần cho họ thấy điều đó chứ?

Nếu với chừng đó công việc mà bạn hoàn thành tốt, thì người khác cũng có thể làm được, sếp bạn đâu có lý do để tăng lương và giữ bạn?

Và việc bạn làm thêm các công việc ngoài trách nhiệm của mình (không bắt buộc với bạn), thì bạn hoàn toàn có cơ hội chủ động lượng sức mình. Đó cũng là một cách để bạn biết được khả năng của bạn được bao nhiêu, ngưỡng giới hạn của bạn đến mức nào.

Apple cho phép nhân viên làm việc tại nhà phòng dịch covid 19

Việc cống hiến cho công ty nhiều hơn KPIs bạn được yêu cầu không có gì là lỗ cả, nó chỉ lỗ khi bạn nhận ra sau một thời gian quá dài bạn chứng minh (nếu bạn thật sự làm tốt) mà sếp của bạn vẫn không mảy may để ý đến, hay không công nhận điều đó bằng hình thức (thăng chức, tăng lương), và bạn vẫn tiếp tục bươn chải (với cảm xúc hoang mang mỗi ngày), thì bạn sai rồi, bạn lỗ rồi, bạn cần biết cách để thoát ra, cho mình một cơ hội tốt hơn ở môi trường khác.

"Sếp ơi, khi nào tăng lương cho em ạ?"

Có nên hỏi thế không nhỉ? Hỏi thẳng thừng sếp chuyện tăng lương cũng giống như việc người yêu bạn chán chê bạn, sắp chia tay tới nơi mà bạn hỏi "Anh còn yêu em không dợ?" vậy đó. Nếu họ yêu, họ sẽ tự nói. Nếu muốn tăng lương, sếp bạn sẽ tự bảo, bởi lời yêu hay thông báo tăng lương cũng đều vì mục đích chung là tạo động lực cho đối phương tiếp tục cuộc hành trình. Tôi mà được sếp thông báo tháng sau tăng lương, tháng này tôi thức làm việc không ngủ luôn! (Minh họa cho câu trước vậy thôi)

Túm lại theo tôi thì, không nên hỏi sếp chuyện tăng lương nhé, bạn chỉ cần cống hiến, làm việc giỏi giang, mọi thứ còn lại sẽ do sếp bạn tự nhìn thấy. Hy vọng sếp bạn sẽ nhìn thấy.

Sếp cần thấu hiểu mong muốn của nhân viên

Dù có phân tích thế nào thì cũng không thể bỏ qua khía cạnh này: Khi một nhân viên có mong muốn tăng lương mà phải chủ động nói ra, tức họ cần nhiều hơn mức lương hiện tại. Có thể họ đang "ngáo lương", hoặc bạn sếp thật sự đã quên để ý nhân viên mình khá lâu rồi.

Một nhân viên có năng lực, họ cống hiến cho doanh nghiệp bạn hết mức, đến một thời điểm nhất định nào đó (phù hợp cho bản thân họ) mà họ vẫn chưa nhận được thông tin cập nhật gì, họ sẽ đi đến quyết định cá nhân nào đó, có thể là thử liều mình hỏi lần cuối, được ăn cả, ngã về không. Cũng có khi họ không nói gì, cứ thế mà rời đi thôi.

Vậy nên thấu hiểu nhân viên và giữ chân người tài đúng lúc cũng là kỹ năng cần học của các vị lãnh đạo.

Những lỗi cần tránh khi tìm việc làm thêm tại nhà qua mạng - TopCV Blog

Ở bài viết này, tôi chỉ nêu lên các góc nhìn cá nhân như trên, quyền nhận định sẽ thuộc về cá nhân mỗi người, có chăng đúng sai cũng tùy thuộc vào tính cách, suy nghĩ của mỗi nhân viên và văn hóa của từng doanh nghiệp. Hy vọng nhận được góp ý để khai sáng quan điểm cá nhân.

Stella - Vietnam Business Insider

*Copy vui lòng dẫn nguồn bạn nhé!