Chứng khoán vẫn là một kênh đầu tư tiềm năng, nhưng các chuyên gia từ Quỹ mở Manulife nhấn mạnh rằng không nên dồn toàn bộ tài sản vào lĩnh vực này. Trong buổi trò chuyện ngày 22/11 do Manulife Investments (Việt Nam) tổ chức, ông Nguyễn Đức Hải - Giám đốc đầu tư cao cấp, quản lý danh mục tài sản khoảng 110.000 tỷ đồng - khuyến nghị nhà đầu tư nên đa dạng hóa danh mục.
Theo ông Hải, nguyên tắc "không nên bỏ trứng vào một giỏ" luôn là kim chỉ nam trong đầu tư. Bên cạnh chứng khoán, nhà đầu tư có thể phân bổ tài sản vào các kênh khác như vàng, bất động sản hoặc quỹ mở. Việc này giúp giảm thiểu rủi ro, đặc biệt trong những giai đoạn thị trường chứng khoán sụt giảm.
Một danh mục đầu tư đa dạng không chỉ tăng khả năng chống chịu rủi ro mà còn giúp nhà đầu tư tránh rơi vào "bẫy" so sánh lợi nhuận ngắn hạn giữa các kênh đầu tư. Thay vì chạy theo lợi nhuận từ những đợt tăng giá nổi bật của một loại tài sản, nhà đầu tư sẽ có chiến lược phân bổ dài hạn hiệu quả hơn.
"Bất kể kênh nào tăng trưởng cũng cần thời gian tích lũy, nên việc chạy theo lợi nhuận cũng đồng nghĩa với chạy sau con sóng đó", ông Hải nhấn mạnh.
Tính từ đầu năm đến nay, VN-Index tích lũy gần 9%. Trong khi đó, giá vàng nhẫn đã tăng 37%, còn vàng miếng lên thêm 17%. Điều này dẫn đến việc nhiều người cho rằng chứng khoán đang kém hấp dẫn hơn hẳn.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, đây chỉ là phép so sánh trong tầm nhìn ngắn hạn. Bà Nguyễn Thị Bích Thảo - Giám đốc đầu tư đang quản lý danh mục cổ phiếu hơn 21.000 tỷ đồng - dẫn số liệu lịch sử thị trường chứng khoán Việt Nam cho thấy, biến động giảm điểm đều xảy ra mỗi năm, nhưng chỉ có 3 năm, chứng khoán giảm quá 30%, tức chỉ chiếm tỷ lệ 15% do các sự kiện đặc biệt như khủng hoàng kinh tế toàn cầu năm 2008 hay khủng hoảng trái phiếu năm 2022. Trong khi đó, thị trường chứng khoán có tới 16 trên 23 năm ghi nhận tỷ lệ sinh lời dương.
Các chuyên gia Manulife Investments (Việt Nam) giữ quan điểm chứng khoán đang ở giai đoạn đầu của sự tăng trưởng trong dài hạn. Nói như thế là bởi, chu kỳ kinh tế và lợi nhuận doanh nghiệp đang phục hồi, trong khi định giá nhiều cổ phiếu vẫn đang ở mức hấp dẫn với mức P/E (giá thị trường trên lợi nhuận mỗi cổ phiếu) toàn thị trường khoảng 14 lần, thấp hơn mức P/E trung bình 5 năm khoảng 20-30%. Ngoài ra, tâm lý nhà đầu tư nhìn chung vẫn chưa tự tin thái quá - được xem như dấu hiệu cho thấy đỉnh của thị trường - mà vẫn thận trọng nghiên cứu, chọn lọc cổ phiếu trước khi xuống tiền. Tuy nhiên, trong chu kỳ dài hạn vẫn có các giai đoạn nhỏ giảm điểm, điều chỉnh phụ thuộc vào các yếu tố khách quan tác động.
Dragon Capital cho rằng khả năng thị trường chứng khoán tiếp tục giảm sâu không cao, nhờ vào các yếu tố hỗ trợ như lợi nhuận doanh nghiệp tích cực. Theo báo cáo mới đây, lợi nhuận quý III của 80 công ty trong danh mục theo dõi của Dragon Capital tăng trưởng ròng 19% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả này phản ánh khả năng phục hồi của thị trường và củng cố kỳ vọng tăng trưởng 16-18% vào năm 2024.
Thêm vào đó, nhóm doanh nghiệp này đang giao dịch ở mức P/E dự phóng 11,6 lần, thấp hơn mức trung bình 13,9 lần trong 5 năm qua. Kết hợp với tâm lý tích cực của nhà đầu tư trong nước, Dragon Capital giữ quan điểm lạc quan về thị trường chứng khoán trong thời gian tới.
Tương tự, ông Nguyễn Đức Hải - Giám đốc đầu tư cao cấp của Manulife Investments (Việt Nam), nhấn mạnh rằng nhà đầu tư cần tránh phản ứng thái quá trước các biến động ngắn hạn. Việc duy trì kỷ luật đầu tư và đánh giá khách quan thay vì chạy theo tâm lý đám đông là chìa khóa để tận dụng các cơ hội tốt trong chu kỳ tăng trưởng dài hạn.
Ông Hải lấy ví dụ từ cuộc khủng hoảng trái phiếu 2022-2023, khi nhiều nhà đầu tư bán tháo bất chấp chất lượng trái phiếu. Trong bối cảnh này, quỹ của Manulife vẫn mua vào các trái phiếu doanh nghiệp có nền tảng tốt và lãi suất hấp dẫn, đóng góp tích cực vào hiệu quả đầu tư. Điều này cho thấy, thay vì linh hoạt quá mức, việc kiên định với chiến lược đầu tư có cơ sở sẽ mang lại giá trị lớn hơn trong dài hạn.