novaworld-binh-chau-1618848611.jpg
Một dự án ven biển Bà Rịa - Vũng Tàu

Theo các chuyên gia, việc các nhà đầu tư (NĐT) rao bán “cắt lỗ” không còn là hiện tượng mới lạ giữa mùa dịch Covid - 19, hiện tượng này đã xuất hiện nhỏ lẻ trước Tết khi mà một số NĐT khó thu được dòng tiền từ việc cho thuê.

Báo Dân Sinh cho biết, thời điểm này có khá nhiều NĐT sở hữu từ 6-10 biệt thự, căn hộ du lịch ở thị trường ven biển như: Hội An, Nha Trang, Phan Thiết, Vũng Tàu...đã rao bán bớt tài sản vì khó khăn từ dịch bệnh.

Ở một số kênh rao tin bán BĐS hiện đã bắt đầu xuất hiện các thông tin như “cần NĐT mua căn hộ du lịch, chấp nhận bán lỗ, bán dưới giá vốn” hay “giá bán mùa dịch Covid-19 không thể rẻ hơn…”… các căn hộ được rao bán thường có giá trên dưới 2 tỉ đồng/căn, tọa lạc ở các điểm du lịch mà trước đó chủ yếu đón lượng khách du lịch từ Trung Quốc, Hàn Quốc. 

Hiện tại, đang vào mùa “cao điểm Covid-19”, số phòng trống tăng lên khiến NĐT không còn cách nào khác là chấp nhận bù lỗ hoặc tìm cách để bảo toàn dòng vốn bằng cách bán lỗ một vài sản phẩm.

Không chỉ ở phân khúc căn hộ, mà cả đất nền ven biển cũng gặp không ít khó khăn khi hiện tượng bán cắt lỗ đang diễn ra tràn lan từ Nha Trang, Phan Thiết đến Vũng Tàu do khả năng thanh khoản khá kém.

Điều này không chỉ do dịch Covid-19 mà từ cuối năm 2019 làn sóng "cắt lỗ" đã xuất hiện do nguồn cung dư thừa với hàng loạt các dự án từ biệt thự, căn hộ đến đất nền mọc nhan nhãn tại các khu vực ven biển.

Trang tin Batdongsan.com.vn phân tích, những nhà đầu tư phải vay vốn ngân hàng gặp khó khăn nhiều nhất khi buộc phải bán lỗ “xả hàng” trước áp lực nợ lãi. 

Tuy nhiên, khi giá đất nền giảm, người mua sẽ chưa vội xuống tiền vì có tâm lý chờ giá xuống nữa. Hơn nữa, động thái siết tín dụng của các ngân hàng vẫn chưa kết thúc, mà lộ trình sẽ giảm tiếp 40%-37%-34%-30%, đồng thời tăng hệ số rủi ro với kinh doanh bất động sản từ 150% lên 200%. Điều này khiến cho việc vay vốn của cả doanh nghiệp và cá nhân đều khó khăn hơn.

Theo lãnh đạo một Công ty môi giới BĐS tại TP.HCM, phần nhiều nhà đầu tư phải chấp nhận cắt lỗ để nhanh chóng ra hàng do áp lực tài chính. Những nhà đầu tư không sử dụng đòn bẩy tài chính vẫn có thể cầm cự, đợi thị trường hồi phục.

Khó khăn chỉ thực sự diễn ra với nhà đầu tư phải vay vốn ngân hàng trước áp lực lãi suất có thể nuốt chửng khoản đầu tư. Ngay cả khi thị trường hồi phục, nhà đầu tư bán được giá cũng chưa chắc đủ bù lại khoản lãi phát sinh. Vậy nên càng để lâu nhà đầu tư càng lỗ nặng và giải pháp hiện nay là chấp nhận lỗ để ra hàng.