UBND TP. Hồ Chí Minh vừ quyết định thu hồi khu đất 14,8 ha tại phường An Phú, quận 2 đã giao cho Công ty TNHH BĐS Nguyên Phương để đối ứng thực hiện hợp đồng BT. Trong khi đó, toàn bộ quyền tài sản, quyền tài sản hình thành trong tương của dự án Senturia An Phú đang được thế chấp tại Ngân hàng PvcomBank để đảm bảo cho khoản vay 1.350 tỷ đồng.
Theo thông tin từ Báo Sài Gòn Giải Phóng, ngày 25/9 vừa qua, UBND TPHCM đã thu hồi khu đất 148.259 m2 (14,8 ha) tại phường An Phú, quận 2 đã giao cho Công ty TNHH Bất động sản Nguyên Phương, để thanh toán cho hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT) dự án đường song hành từ đường Mai Chí Thọ qua Khu dân cư Nam Rạch Chiếc đến đường Vành đai 2.
Nguyên nhân là do khu đất trên đã được giải phóng mặt bằng để đầu tư xây dựng khu tái định cư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, nay giao đất, cho thuê đất để làm dự án nhà ở thương mại là không đúng qui định.
UBND TP. HCM ban hành văn bản về việc tạm dừng thanh toán hợp đồng BT
UBND TP HCM giao Trung tâm Phát triển quĩ đất quản lí khu đất thu hồi theo qui định. Sở Tài nguyên & Môi trường TP HCM theo dõi, giám sát việc thực hiện các thủ tục hành chính có liên quan về thu hồi đất theo qui định pháp luật.
Liên quan đến dự án đầu tư xây dựng đường song hành từ đường Mai Chí Thọ qua Khu dân cư Nam Rạch Chiếc đến đường Vành Đai 2 (tại nút giao An Phú dọc theo tuyến đường Cao tốc Long Thành - Dầu Giây), hồi tháng 3/2020, UBND TP HCM cho biết sẽ thu hồi các khu đất đã được giao thanh toán cho hợp đồng BT tại dự án và tìm các khu đất khác phù hợp để thanh toán cho hợp đồng BT dự án.
Theo tìm hiểu, năm 2015, Công ty TNHH Nam Rạch Chiếc đã đề xuất với UBND TP HCM về việc đầu tư tuyến đường song hành thuộc dự án đường cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây theo hình thức BT bằng nguồn kinh phí của doanh nghiệp. Thời gian xây dựng dự kiến 12 tháng.
Về qui mô, dự án gồm 2 đoạn đường song hành bên phải tuyến cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây có tổng chiều dài gần 3,4 km, rộng 20 m.Tổng vốn đầu tư dự án hơn 800 tỉ đồng và được khởi công từ tháng 4/2017.
Để thực hiện dự án, ngày 28/4/2017, UBND TP HCM đã kí hợp đồng BT với liên danh Công ty TNHH Nam Rạch Chiếc và CTCP BĐS Tiến Phước. Sau đó, xuất hiện Công ty TNHH BĐS Nguyên Phương (Công ty Nguyên Phương) tham gia dự án dưới hình thức liên danh chủ đầu tư.
Ngày 20/6/2017, UBND TP HCM tiếp tục có văn bản thoả thuận với liên danh Công ty TNHH Nam Rạch Chiếc và CTCP BĐS Tiến Phước và Công ty Nguyên Phương về việc thoả thuận tiếp nhận và thực hiện quyền và nghĩa vụ của nhà đầu tư thực hiện hợp đồng BT này.
Đến ngày 13/10/2017, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Trần Vĩnh Tuyến kí Quyết định số 5452 về việc giao đất, cho thuê đất để thanh toán hợp đồng BT dự án đường song hành từ đường Mai Chí Thọ qua Khu dân cư Nam Rạch Chiếc đến đường Vành đai 2.
Cụ thể, TP HCM chấp thuận cho Công ty Nguyên Phương sử dụng khu đất 14,8 ha tại phường An Phú, quận 2 để thanh toán cho hợp đồng BT đường song hành. Khu đất này được qui hoạch thành 2 phân khu.
Khu số 1 có 2,6 ha đất dành xây dựng nhà ở thấp tầng; khu số 2 có 5 ha đất xây dựng nhà ở thấp tầng và 1, đất thương mại dịch vụ - văn phòng - khách sạn. Còn lại là đất công trình dịch vụ nội khu và công trình công cộng.
Tại thời điểm thông báo thu hồi, dự án đang được quảng cáo và chào bán rộng rãi với tên thương mại Senturia An Phú. Theo thông tin giới thiệu, Dự án Senturia An Phú có quy mô khá lớn với gồm 500 căn biệt thự, liền kề, với mức giá khởi điểm từ 115 triệu đồng/m2.
Công ty BĐS Nguyên Phương được thành lập ngày 27/4/2017 (thành lập trước 2 tháng khi được giao thực hiện dự án), có địa chỉ tại số 542 Trần Hưng Đạo, Phường 2, Quận 5, TP HCM.
Thời điểm mới thành lập, doanh nghiệp có vốn điều lệ 121,1 tỉ đồng, gồm 2 cổ đông sáng lập: CTCP BĐS Tiến Phước (20%), Công ty TNHH Nam Rạch Chiếc (80%). Tháng 2/2018, doanh nghiệp tăng vốn điều lệ lên 596,3 tỉ đồng, cơ cấu sở hữu có sự thay đổi. Trong đó, CTCP BĐS Tiến Phước (83,74%), Công ty TNHH Nam Rạch Chiếc (16,25%).
Tổng Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật của BĐS Nguyên Phương là ông Nguyễn Thành Lập - Người sáng lập và hiện là Chủ tịch HĐQT CTCP BĐS Tiến Phước - công ty mẹ của Nguyên Phương .
Tại Công ty TNHH Bất động sản Nguyên Phương, theo thông tin chúng tôi có được, BĐS Nguyên Phương có tổng nguồn vốn tới cuối năm 2019 là hơn 2.000 tỉ đồng. Công ty có 1.466 tỉ đồng nợ phải trả và 562 tỉ đồng vốn chủ sở hữu. Vốn chủ sở hữu của Nguyên Phương cuối năm 2019 là 561 tỉ đồng, giảm nhẹ so với vốn góp ban đầu là 596 tỉ đồng do các chi phí phát sinh từ năm 2017 và chưa ghi nhận doanh thu.
Theo tìm hiểu, Công ty Nguyên Phương đã thế chấp toàn bộ dự án tại khu đất 14,8 ha tại phường An Phú, quận 2 tại Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam (PVcomBank) - Chi nhánh Sài Gòn để đảm bảo giá trị khoản vay 1.350 tỉ đồng bằng 3 hợp đồng số 10/2019/HĐBĐ/PVB-CNSG; 15/2019/HĐBĐ/PVB-CNSG và 09/2019/HĐBĐ/PVB-CNSG ký cùng ngày 11/01/2019.
Tài sản đảm bảo của 2 hợp đồng số 10/2019/HĐBĐ/PVB-CNSG và 15/2019/HĐBĐ/PVB-CNSG là quyền tài sản, quyền tài sản hình thành trong tương lai của Công ty Nguyên Phương; toàn bộ lợi ích thu được từ việc khai thác giá trị quyền sử dụng đất và cơ sở hạ tầng trên đất, công trình xây dựng trên đất.
Với hợp đồng thế chấp số 09/2019/HĐBĐ/PVB-CNSG, tài sản đảm bảo là toàn bộ các công trình gắn liền với đất thuộc dự án; kèm theo toàn bộ lợi ích bao gồm các khoản phải thu, phải trả, bảo hiểm, các chi phí khác mà Chủ đầu tư thu được trong quá trình đầu tư dự án Khu dân cư và tái định cư Nam Rạch Chiếc diện tích 60,21 ha, phường An Phú, Quận 2, TP.HCM do Công ty TNHH Bất động sản Nguyên Phương làm chủ đầu tư.
Ở một diễn biến khác, liên quan đến việc PVcomBank có nhiều tài sản thế chấp là đất vàng thuộc diện xem xét thu hồi, mới đây, UBND TP Hà Nội kiến nghị thu hồi và phục hồi điều tra sai phạm tại 3 khu "đất vàng" thuộc Khu đô thị Nam Trung Yên (quận Cầu Giấy) của Công ty CP đầu tư Thùy Dương. Trước đó, ô đất này đã bị thế chấp tại Ngân Hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam theo hợp đồng thế chấp số 672/HĐTC-PVCB-TDI-B9NAMTRUNGYEN ký ngày 4/12/2014 giữa Công ty CP Thương mại và Dịch vụ Handico – Thùy Dương và Ngân Hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam.
Trước đó nữa, PVCombank “mắc cạn” tại dự án Tokyo Tower Hà Đông. Cùng với khoản tiền hơn 400 tỷ đồng mắc kẹt tại đây, sau khi ra quyết định thu giữ tài sản Dự án Tokyo Tower, ngân hàng này sẽ phải gánh thêm khoản nợ xấu ngàn tỷ và phải chi thêm trăm tỷ đồng để thực hiện nghĩa vụ tài chính thay cho Sông Đà 1.01 đối với những khách hàng đã mua căn hộ Tokyo Tower.
Dự án Senturia An Phú bị thu hồi, khoản nợ 1.350 tỷ đồng của PvCombank sẽ như thế nào?
13:14 12/10/2020