Trao đổi với PV Thanh Niên, bà Phạm Thị Giang, nhà ở Q.Bình Tân, nói gia đình bà muốn chuyển mục đích sử dụng đất cho 117 m2 đất nông nghiệp lên đất ở nhưng số tiền phải nộp lên đến 4,4 tỉ đồng.
Nếu không điều chỉnh bảng giá đất thì mức thu phải điều chỉnh giảm xuống, chỉ nên thu 20 - 30% thay vì thu 100% như hiện nay. Theo bà Giang, mức thu như hiện nay không khác gì khiến người dân phải mua lại chính mảnh đất của mình vì miếng đất của bà hiện nay theo giá thị trường chỉ bán được khoảng 4,5 tỉ đồng, vừa đủ để đóng thuế.
———
Luật sư Trần Minh Cường, Giám đốc Công ty Luật TMC Lawyers, kiến nghị với những trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất để xây nhà ở hoặc hợp thức hóa quyền sử dụng đất cho người dân sinh sống ổn định, thì có thể áp dụng các phương án giãn nộp, trả góp tiền sử dụng đất hoặc giảm tiền sử dụng đất cho các hộ gia đình chính sách, hộ thu nhập thấp.
Không nên lấy việc thu tiền sử dụng đất cao để hạn chế đầu cơ đất đai, vì điều này chỉ gây khó cho người thực sự có nhu cầu hợp pháp về nhà ở. Nhà nước có thể điều tiết thị trường bằng các công cụ khác như thuế tài sản, thuế đất bỏ hoang…
Thậm chí nên bỏ hẳn chế độ thu tiền sử dụng đất một lần khi cấp sổ, thay vào đó là thu thuế đất định kỳ hằng năm như nhiều nước
——
Để giảm gánh nặng cho người dân, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, đề nghị TP.HCM cân nhắc kỹ lưỡng khi ban hành quy định mức tỷ lệ % tính đơn giá đất phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.
Bởi nguyên tắc mà chúng ta luôn nói đến là hài hòa lợi ích giữa ba chủ thể lớn: Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư. Thế nhưng, thực tế cho thấy trong quá trình thực thi, nguyên tắc này chưa được đảm bảo đầy đủ. Do đó, ông đề nghị cần tiến hành đánh giá tác động ngay từ bây giờ.

———
Ông Trần Khánh Quang, Tổng giám đốc Công ty Việt Hòa An, nói thẳng việc bảng giá đất tăng quá cao khiến người dân không đủ khả năng đóng tiền sử dụng đất và phải rút hồ sơ đã được cảnh báo từ lâu.
“Chính sách thuế làm sao phải khuyến khích đưa đất vào sử dụng, vào xây nhà. Chứ với tình trạng hiện nay, đóng tiền sử dụng đất xong, người dân không còn tiền để xây nhà. Hoặc tiền sử dụng đất quá cao, người dân sẽ rút hồ sơ. Tuy nhiên, do nhu cầu bức thiết về nhà ở, họ lại xây bừa trên đất nông nghiệp. Khi đó chúng ta lại mất kiểm soát, phát sinh rất nhiều vấn đề phức tạp cho xã hội. Chưa dừng lại ở đây, dự báo đầu năm 2026, khi TP ban hành bảng giá đất lần đầu theo giá thị trường, giá đất sẽ còn cao hơn nhiều. Chính sách này mục đích là đánh vào dân đầu cơ, nhưng những người có nhu cầu thật bị ảnh hưởng, bị thiệt hại đầu tiên", ông Quang nhận định.
Theo ông Quang, với tiền chuyển mục đích sử dụng đất quá cao như hiện nay, người có nhu cầu về nhà ở khi đóng tiền xong sẽ không còn tiền xây nhà, để đất bỏ hoang, gây lãng phí. Còn nếu người dân còn đủ vốn xây nhà sau khi chuyển lên đất ở, tất cả đều có lợi khi dòng tiền lưu thông. "Một công trình xây xong sẽ tạo ra rất nhiều giá trị khi có thể để ở, cho thuê, làm quán cà phê, nhà xưởng... Do vậy khi người dân có đất sẵn, nhà nước chỉ nên thu một khoản tiền để cho dân chuyển mục đích lên thổ cư. Mức thu khoảng 30 - 40% bảng giá đất là hợp lý", ông Trần Khánh Quang kiến nghị.