Số ca nhiễm ở Đông Nam Á đang giảm dần sau những cơn bùng phát mạnh mẽ do chủng Delta. Những chủng mới có độ lây lan cao vẫn đang là nỗi lo cho các nước trong vùng khi tỷ lệ tiêm phủ vẫn còn thấp. Với tình trạng phụ thuộc vào nguồn cung ứng ngoại hiện nay, Asean có thể thiếu hụt vaccine trong tương lai gần khi nguồn cung có thể suy giảm một khi các nước, chẳng hạn như Mỹ bắt đầu thực hiện chiến dịch tiêm mũi tăng cường. Vì thế, chủ động nguồn cung và tốt hơn nữa là tự sản xuất đóng vai trò rất quan trọng.

Asean đã đón chào những nỗ lực này bởi đây sẽ là cú hích lớn cho ngành công nghiệp dược, tạo thêm nhiều việc làm tại địa phương. Asean cũng hợp tác với các hãng dược nước ngoài trong việc thử nghiệm lâm sàng các loại vaccine mới trong khu vực.  

jakartahealthworker-1632620626.jpg

Nhân viên y tế ở Jakarta đang cầm lọ vaccine Sinopharm. Cả Trung Quốc và Mỹ đang chuyển giao công nghệ vaccine mới cho các hãng dược Indonesia với một vài loại vaccine đang vào thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3. Ảnh: Reuters

Nhà sản xuất lớn nhất khu vực

Etana Biotechnologies Indonesia sẽ bắt đầu sản xuất vaccine dòng mRNA – giống như các loại vaccine do Pfizer và Moderna phát triển – Bộ trưởng Bộ Đầu tư và hàng hải Luhut Binsar Pandjaitan phát biểu hồi tháng 7 rồi. Hãng dược Walvax Biotechnology của Trung Quốc sẽ hỗ trợ kỹ thuật cho Etana. Hiện hãng dược Indonesia đang bước vào thử nghiệm giai đoạn 3, với kế hoạch sản xuất 70 triệu liều mỗi năm.

Trên 80% số vaccine sử dụng cho tiêm chủng của Indonesia là do Sinovac Biotech và Sinopharm cung cấp. Nhưng hai loại vaccine bất hoạt này được xem là kém hiệu quả hơn dòng mRNA. Chính phủ Indonesia hiện đang nỗ lực để mua thêm hàng từ Pfizer và Moderna.

Trong khi đó, vaccine Sinovac và Sinopharm là hầu như duy nhất tại thị trường đại lục vào lúc này. Hãng Walvax chờ nhà chức trách Trung Quốc chuẩn thuận loại vaccine mRNA.

Nằm ở vị trí trung tâm vùng Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, Đông Nam Á đang trở thành “tuyến đầu” của ngoại giao vaccine. Tính đến giữa tháng 9, Trung Quốc đã cung cấp cho khu vực 190 triệu liều vaccine. Trọng tâm của chính sách này đặt vào Indonesia – nền kinh tế lớn nhất và đông dân nhất trong khối Asean. Ngoại trưởng Vương Nghị đã phát biểu rằng ông hy vọng Indonesia sẽ trở thành trung tâm sản xuất vaccine cho cả khu vực.

Trong khi đó, Mỹ vẫn không kém cạnh trong cuộc đua này với những đối tác của mình trong khu vực.

Công ty Dynavax Technologies tuần trước đã ký bản ghi nhớ về phát triển vaccine với hãng dược quốc doanh Bio Farma của Indonesia. Đây là hãng dược lớn nhất Đông Nam Á với năng lực sản xuất đến 2 tỷ liều vaccine các loại mỗi năm. Thỏa thuận cho phép Dynavax và Bio Farma cùng phát triển loại vaccine bằng công nghệ tái tổ hợp protein – Ngoại trưởng Retno Marsudi phát biểu nhân lễ ký kết.

vabiotech-1632621175.jpg

Thủ tướng Phạm Minh Chính trong chuyến thăm nhà máy sản xuất vaccine của Vabiotech vào tháng 6-2021. Ngoài Viện Gamaleya của Nga, Vabiotech cũng hợp tác với Đại học Bristol của Anh trong nghiên cứu và sản xuất vaccine. Ảnh: VGP

Đối thủ cạnh tranh mới

Việt Nam đang nổi lên là đối thủ cạnh tranh chính với Indonesia trong nghiên cứu và sản xuất vaccine, với sự hợp tác từ các hãng dược Mỹ, Nga, Nhật Bản và cả Hàn Quốc.

Arkturus Therapeutics đang hợp tác với tập đoàn Vingroup của Việt Nam để sản xuất vaccine mRNA. Hôm 21-9, Vingroup thông báo là đã hoàn tất thử nghiệm giai đoạn 1 và đang chuẩn bị cho giai đoạn 2. Vingroup đặt mục tiêu bắt đầu sản xuất tại nhà máy mới ở Hà Nội vào đầu năm 2022, với năng lực lên đến 200 triệu liều.

Hôm qua 24-9, Vabiotech (Công ty TNHH MTV Vaccine và Sinh phẩm số 1) của Việt Nam tuyên bố đã có thể sản xuất số lượng lớn vaccine Sputnik V với quy mô mỗi tháng 5-7 triệu liều. Vabiotech có thể nâng công suất lên 100 triệu liều một năm và nhận chuyển giao công nghệ từ Viện Gamaleya của Nga.

Sputnik V được phát triển dựa trên nền tảng vector adenovirus. Công nghệ vaccine này đưa mảnh gene của nCoV vào virus adeno đã bất hoạt để kích thích phản ứng của các tế bào miễn dịch. Vaccine có một liệu trình hai mũi tiêm cách nhau ba tuần, bảo quản ở 2-8oC.

Riêng hãng dược Shionogi của Nhật Bản đang xem xét thử nghiệm giai đoạn 3 với hàng ngàn tình nguyện viên tại Việt Nam và các nước Đông Nam Á. Hãng dược Nhật đang xem xét chuyển giao công nghệ cho các thị trường này.

Hàn Quốc là đối tác mới nhất của Việt Nam trong cuộc đua tự chủ vaccine. Hôm 21-9, nhân cuộc gặp bên lề tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, Tổng thống Moon Jae-in đã hội kiến Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và cam kết sẽ tặng Việt Nam ít nhất là 1 triệu liều vaccine hoặc hơn trong tháng 10 tới. Tổng thống cũng nhấn mạnh rằng hai quốc gia đã cùng nhau chia sẻ những tài nguyên cần thiết, cố gắng vượt qua đại dịch trong giai đoạn đầu.

Theo thông cáo của Nhà Xanh – tức Phủ Tổng thống Hàn Quốc, cam kết trên là khoản tài trợ vaccine đầu tiên cho nước ngoài, bên cạnh sự đóng góp tài chính cho chương trình Covax.

Cả hai nhà lãnh đạo đã đồng ý hợp tác về các vấn đề y tế và vaccine. Tổng thống Moon cũng đề nghị Việt Nam hỗ trợ cho các thử nghiệm lâm sàng vaccine ngừa Covid-19 của các hãng dược Hàn Quốc tại Việt Nam.

xxx

Siam Bioscience, hãng dược do hoàng gia Thái Lan nắm quyền điều hành, bắt đầu sản xuất vaccine AstraZeneca từ tháng 6 vừa rồi. Đây cũng là nguồn cung chính 30 triệu liều mà AstraZeneca đã cam kết cung cấp cho Việt Nam thông qua công ty VNVC cho đến giữa năm 2022 tới. Hiện vaccine Trung Quốc chiếm 50% số lượng tiêm chủng ở xứ chùa vàng. Nội các chính phủ của Thủ tướng Prayuth Chan-Ocha đang tìm cách đa dạng hóa nguồn cung để chuẩn bị cho việc tiêm phối hợp vaccine và cả mũi tăng cường cho lực lượng tuyến đầu và những người bị suy giảm miễn dịch.